 |
Một góc Hà Tiên bây giờ. |
Năm 1832, thời Minh Mạng, tỉnh An Giang được thành lập, trở thành một trong sáu tỉnh của Nam Kỳ. Lúc này ít ai gọi đủ 4 tiếng “Châu Đốc tân cương” như trước mà gọi “xứ Châu Đốc”, hiểu là vùng đất bán sơn địa phía Tây sông Hậu thuộc tỉnh An Giang.
Vì rất quan tâm miền biên cảnh, mà “Châu Đốc là trọng trấn cõi Nam” nên vua Gia Long truyền chỉ đắp đồn Châu Đốc để phòng giữ, kiêm quản cả trấn Hà Tiên và tiện bề tiếp ứng khi Nam Vang có việc, bèn khiến Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt phải “sai người biên công trình cho rõ, 18 ngày tâu một lần”(*). Dụ rằng: “Bất đắc dĩ phải xây thành, mà một lần công tác động đến binh dân; chúng ngươi phải hết lòng sửa sang, chớ nên quá hạn đến nỗi làm thiệt hại việc nông”(*).
Lê Văn Duyệt giao cho phó tướng Nguyễn Văn Xuân trực tiếp trông coi. Có thể nói đây là bước tiếp theo, bởi đồn Châu Đốc đã được khởi công vào ngày mùng 4 tháng Chạp năm Ất Hợi (1815) nghĩa là trước đó khoảng 1 tháng, do Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường phụng sắc, đem dân binh trong trấn hạt 3.000 người, mỗi tháng cấp cho mỗi người 2 quan tiền và 1 vuông rưỡi gạo (khoảng 60 lít, tương đương 35 kg vì lao động rất nặng nhọc nên khẩu phần phải nhiều như vậy mới đảm bảo ăn no, được việc).
Đồn Châu Đốc lúc đầu đắp bằng đất, xem ra hãy còn khá đơn sơ. Sau do bị nước lụt làm lở sụp nhiều nơi, nên Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại phải cho tu bổ lại, có tăng cường thêm đá xanh ở một số nơi cho được kiên cố. Tháng 11 năm Mậu Dần (1818) ông vâng mệnh trích lấy một phần diện tích phía Đông, lần lượt lập chợ Châu Đốc, xây cất nhà phố.
Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1817), vua thấy “xứ Châu Đốc đất tốt, mà người ít, có nghe quan phủ Chân Lạp là Diệp Hội (người Tàu, làm quan bên Chân Lạp) là người mẫn cán, xử việc gì dân cũng bằng lòng; liền cho Diệp Hội làm Cơi phủ Châu Đốc, khiến chiêu tập người ta, người Thổ và người Tàu vào đó cho đông, hễ có biết nghề trồng cây, nuôi các thứ súc vật, buôn bán hay là làm đồ gốm, cho tùy nghề nghiệp mà làm; người nào thiếu vốn thời nhà nước cho vay”(*). Lại truyền dụ quan Tổng trấn Gia Định: “Dân mới phủ tập, nên dạy làm các việc lợi ích, khiến dân đều an cư lạc nghiệp; chờ các việc thành rồi sẽ tâu lên”(*).
Do nhận xét “địa thế Châu Đốc Hà Tiên cũng không kém Bắc Thành, đất mở càng rộng, Châu Đốc sẽ trở thành một trấn to” nên nhà vua không thể không trù tính về an ninh quốc phòng, bèn quyết phải đào một con kinh dọc theo biên giới như một chiến hào nhằm phục vụ việc phòng giữ, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu giao thông thủy, lợi ích cho cả nông thương trong vùng. Đây là một công tác lớn mang tính chiến lược không chỉ cần được sự đồng tình của nhân dân lực lượng sẽ được huy động tham gia lao động , mà sự hợp tác của người Chân Lạp cũng là điều vô cùng cần thiết, nhất là phải đánh tan cho được mối nghi ngờ về thiện ý bảo hộ Chân Lạp của triều đình, bởi mới năm trước, do đồn bị nước lụt làm lở sụp, binh dân phải tập trung lo tu bổ và phái thêm binh đóng giữ, xem ra cũng khá khí thế... Do đó để thực hiện mưu sâu triều đình không thể không nghĩ rộng, tính xa. Qua thuyết phục bằng con đường ngoại giao, tháng 9 năm Kỷ Mão (1819) nhân có quan Chiêu thùy Chân Lạp là Đồng Phò sang chầu, vua đòi vào “tham khảo” việc đào sông, tâu rằng “Nếu đào sông ấy thời ích lợi cho dân Chân Lạp lắm, Phiên vương cũng muốn mà không dám xin”. Vua rất hài lòng, liền truyền dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Công trình đào sông ấy rất khó, việc nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Chúng dân tuy khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau, do đó phải bảo cho nhau biết chớ nên sợ nhọc”(*). Tháng 10, vua Chân Lạp là Nặc Chân đưa thơ đến thành Gia Định xin hiệp lực đào trước gọi kinh Trấn (trấn Vĩnh Thanh), sau đặt là kinh Vĩnh Tế. Ngài khiến Lê Văn Duyệt phải sắp đặt trước các việc, nhất là về nhân lực. Văn Duyệt xin đem binh dân ở thành và ở đồn Vĩnh Thanh, Định Tường, Oai Viễn hơn 39.000 người; binh dân nước Chân Lạp hơn 16.000 người, chia làm 3 phiên, định đầu mùa xuân năm sau khởi làm, đầu mùa hạ sẽ xong. Do công việc quá nặng nhọc, lại nghe ở Hưng Hóa có giặc, cần tập trung đánh dẹp nên việc đào kinh đôi lúc phải tạm đình. Rồi lại cho đào tiếp. Mấy lần như thế mới xong vào tháng 2 năm Giáp Thân (1824).
Kinh Vĩnh Tế là công trình thủy lợi quan trọng đầu tiên dọc biên giới Việt Nam Campuchia, được xem như công trình thế kỷ lúc ấy (triều đình rất hài lòng, cho chạm khắc vào Cao đỉnh “đỉnh mở đầu” trong Cửu đỉnh, đặt trước Thế miếu ở Hoàng thành Huế năm 1837).
Tháng 4 năm ấy (1824) vua nước Chân Lạp là Nặc Chân đưa thư cho quan Bảo hộ Thoại xin cắt đất 3 phủ Lợi Kha Bát, Chân Sum và Mật Luật để trả ơn (cũng như trả ơn Mạc Thiên Tích ngày xưa). Văn Thoại báo việc ấy về thành. Thành tâu lên. Vua khiến đình thần bàn. Lê Văn Duyệt tâu nói: “Vua Chân Lạp không phải bản tâm báo Thoại, chẳng qua vì người Xiêm nuôi em nó, nên nó muốn cho ta bảo hộ được bền vững đó thôi. Ta mà nhận cả thời e không phải ý đức Thánh tổ Cao hoàng đế ta trù nghĩ việc ngoài biên; vả lại đất 3 phủ ấy thì đất Lợi Kha Bát hơi xa, khước đi cũng phải, còn đất Chân Sum, Mật Luật thời ở chính giữa đất Châu Đốc và Giang Thành ta, xin nhận lấy đất mà đừng thâu thuế, khiến cho nó biết triều đình ta chỉ lo việc ngoài biên, không phải tham lợi, nhân đó mà thương yêu dân khiến chúng nó dầm thấm ơn ta, vui lòng thần phục, ngày sau cũng có thể dùng được; nay mà không lấy ngoài biên nếu có việc gì, thời Châu Đốc, Hà Tiên ta chưa chắc giữ được, mà phiên lỵ thành Gia Định phải yếu”(*). Trịnh Hoài Đức bàn rằng: “Duyệt bấy lâu giữ nơi trọng khổn, đã biết hết tình thế ngoài biên, xin châm chước mà dùng lời tâu ấy”(*). Vua cho là phải, khiến Thoại nhận lấy phủ Chân Sâm và Mật Luật, còn thuế thời cứ giao cho vua nước Chân Lạp.
Năm 1827, Nguyễn Văn Thoại dâng sớ về triều và được vua chấp thuận cho tuyển mộ tráng đinh thành lập các đội quân mang tên “An Hải” và “Châu Đốc” để tăng cường việc phòng bị nghiêm ngặt miền duyên hải Hà Tiên và tảo trừ giặc cướp vùng biên địa Châu Đốc. Nhờ vậy mà an ninh được giữ vững.
Cho đến năm 1830 Châu Đốc tân cương vẫn là vùng đất được bảo vệ kiểu quân quản. Tháng 6 năm Canh Dần (1830) Tổng trấn Gia Định tâu: “Đồn Châu Đốc mới lập được 41 xã, thôn, phường, dân đinh chỉ được hơn 800 người, địa lợi chưa khai khẩn hết, xin hoãn niên hạn, đợi khi vào thành sổ rồi sẽ chịu thuế”(*). Vua cho, đồng thời gia ơn miễn diêu dịch 3 năm.
Kể từ sau ngày Nguyễn Văn Thoại qua đời (1829), tình hình chung vùng biên giới phía Tây Nam giặc cướp dậy như cơm sôi bên trong cùng bên ngoài. Rồi Lê Văn Khôi bất thần dấy binh “làm loạn”. Quân triều đình không trở tay kịp. Các tỉnh Nam Kỳ rơi vào tình thế nguy kịch! Chỉ trong tháng 6 năm Quý Tỵ (1833) Lê Văn Khôi đánh chiếm tỉnh lỵ Biên Hòa. Tiếp theo đó là thành Phiên An (sau cải là Gia Định) thất thủ. Cùng lúc, các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang cũng lần lượt thất thủ! Ở An Giang thế giặc tràn xuống như nước vỡ bờ. Hai bên giao chiến giành nhau từng tấc đất, con kinh. Quân triều đình lui về cố thủ ở Vàm Nao. Cho đến đầu năm 1834 sau khi đã củng cố và bổ sung binh thuyền, quân triều đình mới phá tan được giặc ở Thuận Cảng (Thuận Giang) và Cổ Hũ (khúc sông Chợ Thủ, đầu Cù lao Giêng). Quân Xiêm thua chạy. Ta triển khai đánh rát, lần lượt thu lại các tỉnh thành Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Doãn Uẩn là 1 trong 6 người có đại công trong việc đánh dẹp, được vua đặc biệt khen thưởng, tuyên dương.
Đối với địa phương, nếu lúc còn sinh tiền Thoại Ngọc Hầu đã từng trực tiếp đốc suất việc đào kinh Vĩnh Tế, đắp nhiều đường, bắc nhiều cầu ván để phục vụ yêu cầu giao thông trong xứ và với nước bạn thì nay Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn ngoài đại công đánh dẹp, ông còn đặc biệt quan tâm ổn định đời sống nhân dân, chăm lo cả về sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Chính ông là người chủ trương xây cất ngôi Tây An tự (nay gọi Tây An cổ tự) ở núi Sam ngôi chùa nổi tiếng và đẹp nhất An Giang. Ông được ban tặng An Tây mưu lược tướng Tuy Tĩnh Tử.
Tháng giêng năm Quý Tỵ (1833) vua Minh Mạng thấy đồn Châu Đốc chật hẹp, chưa được tiện lợi, nên khiến cho quan Giám thành theo Trấn thủ Ngô Bá Nhơn, nhắm lựa chỗ nào sảng khoái và đón được hai ngả sông Tiền, sông Hậu, mà đường đất vừa cân để làm thành tỉnh. Rồi lựa xứ Long Sơn ở về thượng du, địa thế cao ráo, qua lại tiếp ứng, thiệt là chỗ hình thế hiểm trở, bèn đem việc ấy tâu lên. Vua khiến Bộ Công vẽ đồ thức đắp thành.
Việc mới khởi nghĩ, sắp làm thì như đã nói ở trên, tình hình biên giới lâm cảnh dầu sôi lửa bỏng. Cho đến 1834 quân triều đình mới bình định xong. Đồn Châu Đốc tuy đã được thu lại nhưng qua mấy năm chịu cảnh can qua, dân chúng xiêu lạc, cảnh vật tàn hoang, tháng 6 năm Kỷ Dậu (1849) Hiệp biện Đại học sĩ là Nguyễn Tri Phương tâu bày về việc thành tỉnh và các phủ thuộc tỉnh An Giang nên cho dời đặt đi chỗ khác. Cụ thể, xin dời thành tỉnh đến thôn Long Sơn (phía dưới thị trấn Tân Châu, huyện Đông Xuyên thành cũ để làm phủ lỵ Tuy Biên). Còn phủ lỵ An Biên thì dời dựng ở bờ bên hữu sông Vĩnh Tế ở Giang Thành, liệu lượng đắp một con đường cái... Vua theo lời tâu, duy việc dời dựng thành tỉnh, thành phủ, chuẩn cho thong thả hãy bàn đến. Nhưng do tình hình biên giới lúc bấy giờ rất phức tạp, hễ dẹp yên nơi này thì nơi khác lại ứng lên, thành thử việc dời thành tỉnh bị bỏ trôi, cuối cùng vẫn giữ y ở Châu Đốc.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU HIỆP
(*) (Những chữ in nghiêng trong bài, trích từ: Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu. Nhóm Nghiên cứu Sử địa xb. S., 1971).