13/07/2020 - 20:05

Công tác Dân vận là nội dung quan trọng trong công tác hòa giải

(CT)- Ngày 13-7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp Ðảng đoàn MTTQVN, Ban cán sự Ðảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban cán sự Ðảng Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Công tác Dân vận trong hoạt động hòa giải. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nhấn mạnh: Hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của MTTQVN, ngành Tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, hơn 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ, việc được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ hòa giải thành đạt 80,6% mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm trong nhân dân. Qua đó, góp phần tạo sự bình yên, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở... giúp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư...

Hội nghị đã nghe đại diện Bộ Tư pháp, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQVN và đại diện Tòa án Nhân dân tối cao báo cáo các chuyên đề về kết quả thực hiện công tác hòa giải cơ sở; phát huy vai trò của MTTQVN, các thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; dân vận trong công tác hòa giải tại Tòa án. Ðồng thời, dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai, thực hiện có hiệu quả hoạt động hòa giải, nhất là kinh nghiệm vận dụng công tác Dân vận khéo trong hoạt động hòa giải…

Hội nghị khẳng định, quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật, gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, tích cực hòa giải để tìm được tiếng nói chung, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn. Hoạt động này cũng là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQVN, ngành Tư pháp, Tòa án Nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải...

Hiện nay, xu hướng giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải trong xã hội tiếp tục dự báo sẽ có chiều hướng tăng. Ðiều đó, đặt ra yêu cầu đối với công tác hòa giải là cần phải đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa, gắn với việc xác định công tác Dân vận là nội dung quan trọng trong công tác hòa giải - Hòa giải thành cần “Dân vận khéo”...

TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết