06/08/2020 - 10:36

Công nghệ 4.0 giúp startup tạo đột phá và khác biệt 

Phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát động khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ. Vì vậy, việc doanh nghiệp khởi nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm gắn liền với các công nghệ 4.0 đang được Nhà nước, các chuyên gia đầu ngành khuyến khích. Bởi hướng đi này không chỉ giúp startup đi nhanh, đột phá mà còn tạo khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Đây cũng là thông điệp đưa ra tại hội thảo “Innovation day” - Cơ hội kết nối giao thương giữa các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khu vực ĐBSCL, vừa diễn ra.

Khởi nghiệp từ nền tảng công nghệ cao, công nghệ 4.0 đang được khuyến khích tại ĐBSCL. Trong ảnh: Doanh nghiệp giới thiệu sáng chế trên nền tảng công nghệ 4.0 tại Hoạt động Chợ Công nghệ - Thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL 2019.

Kết nối

Theo ông Lê Minh Khánh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong những năm qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Chính phủ rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều thách thức như: khả năng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, giá cả thị trường nông sản không ổn định, năng lực tiếp cận các giải pháp về KH&CN, thông tin thị trường KH&CN chưa có sự liên kết chặt chẽ... Hội thảo nhằm phát huy vai trò cầu nối của Bộ KH&CN với các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các trung tâm, sàn kết nối cung cầu về công nghệ thông qua việc tổ chức diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ thông tin về kinh nghiệm khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Từ thực tế đó, các startup mạnh dạn chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm về quá trình khởi nghiệp của mình. Ðồng thời, bày tỏ mong muốn hợp tác, kết nối giao thương với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, vườn ươm tạo. Ðáng chú ý, các dự án khởi nghiệp đa phần tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… Ông Ðỗ Minh Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ AGRIHUB, cho biết: Công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp nông nghiệp thông minh giúp nông dân dễ dàng áp dụng các thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (IoT, Big Data…) vào việc quản lý và giám sát nông trại mọi lúc mọi nơi. Ðây là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển tại khu vực ÐBSCL.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc TNHH EWATER ENGINEERING, đến với sự kiện này, công ty muốn giới thiệu, cung ứng cho khách hàng ÐBSCL các dòng thiết bị xử lý nước điện tử: Thiết bị xử lý cáu cặn cho hệ thống nồi hơi, thiết bị xử lý cáu cặn - rong tảo cho hệ thống giải nhiệt, thiệt bị ion hóa nước giúp tăng năng suất cây trồng. "Ưu điểm của các thiết bị nói trên là xử lý nước không dùng hóa chất, lượng điện năng tiêu thụ thấp. Hiện công ty đang sản xuất và cung cấp hơn 2.000 thiết bị cho thị trường với các khách hàng lớn như: Vinamilk, Vincom, Nestle, Isuzu…" - ông Lê Trung Hiếu thông tin.

Phát huy nền tảng từ công nghệ 4.0

Ông Trần Hà Ðông Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, khẳng định: Ứng dụng, đổi mới công nghệ là rất quan trọng đối với quá trình phát triển của doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng. KH&CN giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp nguyên vật liệu… Nhờ đó, doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sáng tạo, kinh doanh theo phương thức truyền thống có nguy cơ bị loại khỏi thị trường rất lớn. "Nông nghiệp là thế mạnh của vùng ÐBSCL. Tuy nhiên, để vựa lương thực quốc gia phát triển bền vững thích ứng hội nhập và biến đổi khí hậu, chúng ta cần có những doanh nghiệp, những startup tiên phong ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận công nghệ 4.0 để chuyển nền nông nghiệp từ dựa vào tài nguyên đất đai, lao động sang nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh" - ông Trần Hà Ðông Quân dẫn chứng.

Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, để một dự án khởi nghiệp hoàn thiện, bên cạnh nỗ lực của startup thì vai trò của người dẫn dắt rất quan trọng. Do đó, việc thúc đẩy, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp chung cho vùng ÐBSCL thông qua việc thành lập các câu lạc bộ của các nhà tư vấn, các nhà khởi nghiệp có kinh nghiệm để hỗ trợ các bạn trẻ là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, để ÐBSCL có thêm nhiều startup trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0 cũng cần phải có những doanh nghiệp đi đầu. Các doanh nghiệp này có đủ năng lực về tài chính, lao động tri thức, sản xuất sản lượng lớn, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và giải quyết ổn định đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù cho phát triển KH&CN khu vực ÐBSCL, chính sách ưu đãi, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao cả về chuyên môn kỹ thuật và quản lý…

Ðồng quan điểm trên, ông Lê Minh Khánh nói: Cần có một sự thay đổi đồng bộ từ các cấp chính quyền, đến nhận thức của doanh nghiệp để gỡ được những nút thắt, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Ðặc biệt, doanh nghiệp, startup cần nâng cao tiềm lực tài chính thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vốn hỗ trợ từ Nhà nước để nghiên cứu, đầu tư những công nghệ thích hợp phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp phải tạo sự chuyển biến về nhận thức phát triển KH&CN, xem đầu tư cho lĩnh vực này là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập hiện nay. Các doanh nghiệp nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn, có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn để giảm sức ép về vốn đầu tư.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Công nghệ 4.0