23/01/2024 - 09:17

Cổng cưới làm từ “cây nhà lá vườn” hút khách 

Nghỉ việc làm thuê tại shop hoa, anh Trần Văn Ngọt (33 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) quyết tâm khởi nghiệp từ nghề làm cổng cưới truyền thống và được khách hàng khắp các tỉnh, thành miền Tây đặt làm.

Những chiếc cổng cưới rồng phụng được kết hợp cắm hoa tươi thành cụm pha lẫn nét truyền thống và hiện đại.

Ở miền Tây, chiếc cổng cưới được trang hoàng rực rỡ từ vật liệu “cây nhà lá vườn” được nhiều người ưa thích và chọn thiết kế trong ngày trọng đại của mình. Từ đó, những năm gần đây nghề làm cổng cưới ở miền Tây bắt đầu thịnh hành. Nắm bắt được xu hướng đó, anh Ngọt tiên phong sáng tạo ra những chiếc cổng truyền thống đẹp đến ngỡ ngàng.

Anh Ngọt kể, thời gian trước anh làm thuê tại một shop hoa trên địa bàn tỉnh An Giang gần 3 năm. Trong thời gian đó, nhận thấy nhu cầu làm mâm ngũ quả, cổng cưới truyền thống đang thịnh hành. Từ đó, anh vừa làm, vừa học nghề để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2018, anh quyết định khởi nghiệp với nghề thiết kế cổng cưới truyền thống. Ban đầu, anh Ngọt gặp không ít khó khăn bởi thiếu vốn và nhân lực. Ðể tiếp cận khách hàng, anh đăng tải hình ảnh cổng cưới để giới thiệu. Với sự tỉ mỉ, khéo tay trong từng nét thiết kế, anh nhận được đánh giá cao từ khách hàng, dần dần nhiều người biết đến và đặt làm.

Ðể đáp ứng được thị hiếu khách hàng, anh Ngọt kết hợp giữa cổng cưới truyền thống và hiện đại, anh thay đổi nhiều kiểu dáng uốn lượn, tư thế bay, đáp cho rồng, phụng. Ðể cổng đẹp hơn, anh trang trí thêm bằng những cụm hoa hồng và các loại hoa phụ khác hoặc chọn hoa theo sở thích của khách để các mẫu cổng trở nên bắt mắt, không bị trùng lặp. Ðặc biệt, anh còn nhận thiết kế cổng cưới trên những chiếc ghe đi rước dâu từ lá dừa vô cùng độc đáo. Ðể làm nên một chiếc cổng rồng phụng phải qua nhiều giai đoạn, rất kỳ công như tạo khung sườn, gắn kết những vật liệu phù hợp để tạo vảy rồng, đi chi tiết răng, râu, cổng cưới được di chuyển đến nơi tổ chức lễ cưới để lắp ráp, trang trí thêm hoa, lá… “Hiện khách chủ yếu ưa chuộng mẫu cổng cưới rồng phụng, chất liệu để làm nên cũng gần gũi như thân cây chuối, lá đủng đỉnh, lá và trái dừa nước, đậu đũa, đậu bắp, cau kiểng, tỏi, ớt, lá dừa… Ðể làm mẫu cổng cưới hình rồng, phần vảy có thể làm từ trái cau kiểng, lá khóm, lá cây lưỡi hổ, mo cau… Nhưng chủ yếu khách ưa chuộng chọn trái cau kiểng làm vảy rồng, phụng hơn. Riêng những tép tỏi, được tách vỏ dùng làm răng rồng, ớt làm phần kỳ và trang trí phần mắt. Ðể làm một cổng cưới rồng phụng phải sử dụng đến 30kg ớt, 20kg đậu bắp, từ 40-50kg cau kiểng…”, anh Ngọt cho biết.

Quá trình làm cổng cưới đòi hỏi người thợ phải kỳ công, tâm huyết. Khó nhất là công đoạn làm mắt rồng, mắt phượng sao cho có hồn, thần thái. Ðặc biệt, đối với những khách hàng ở xa việc vận chuyển và bảo quản chất liệu cổng cần có nhiều kỹ thuật để không bị héo, hư. Thời gian gần đây, anh Ngọt còn nhận được nhiều đơn hàng đặt làm cổng cưới trong ngày trọng đại của những người nổi tiếng trong giới giải trí. Một chiếc cổng cưới tốn thời gian khoảng 3 ngày để hoàn thiện. Ðể tạo hình, lắp ráp, trang trí cần từ 5 đến 10 người tham gia thi công. Một chiếc cổng cưới rồng phụng có nhiều kích thước khác nhau, cổng nhỏ chiều ngang 5m, cao 3m; cổng lớn chiều ngang 10m, cao khoảng 4m. Tùy vào kích thước và độ khó, cổng cưới có mức giá dao động từ 15 triệu đồng đến hơn 100 triệu/cổng (tùy mẫu, kích cỡ, khoảng cách địa lý). Nhờ đó đem lại thu nhập khá mỗi tháng.

“Chiếc cổng được tôi thiết kế khủng nhất có chiều ngang lên đến 12m với hàng trăm ký chất liệu vận chuyển đến tận Ðồng Nai, làm xuyên suốt trong vòng 3 ngày mới hoàn thiện”, anh nói. Trung bình, một tháng anh nhận làm khoảng 7-10 cổng. Thời điểm đặt hàng nhiều nhất là dịp lễ, Tết hoặc tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm. Không chỉ nhận thiết kế ở miền Tây, anh còn nhận các đơn hàng ở tỉnh xa với mong muốn đem lại những chiếc cổng cưới truyền thống đẹp rực rỡ trong ngày trọng đại của khách. Nhờ đó anh kiếm được bộn tiền từ nghề này.

Chia sẻ bài viết