14/07/2008 - 21:57

Đồng bằng sông Cửu Long

Con tôm sú đang thất thế !

Tình trạng tôm nuôi bị chết ở ĐBSCL thời gian qua đã làm người nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu chế biến và thị trường các nước không còn ưa chuộng con tôm sú như trước đây.

* THẤT VỌNG VỚI CON TÔM SÚ

Tỉnh Kiên Giang đã vào đợt thu hoạch đầu tiên của vụ nuôi tôm sú 2008 trong tháng 6, nhưng giá cả bấp bênh đã làm nhiều người nuôi nản chí. Trong khi đó, cơ quan chức năng cảnh báo có khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu. Vụ tôm này đã có những trục trặc ngay từ đầu vụ, khi có khoảng một nửa diện tích tôm nuôi toàn tỉnh bị “gãy”, tương đương khoảng 42.000 ha. Những đợt thu hoạch đầu tiên tôm nuôi theo hình thức quảng canh, kết hợp... có năng suất bình quân dưới 200kg/ha. Giá tôm ngay từ đầu vụ thu hoạch đã giảm bình quân khoảng 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ đã gây thất vọng cho nhiều người nuôi. Tôm bán tại vuông nuôi loại 40 con/kg giá khoảng 78.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 98.000 đồng/kg.

Hiện nay, một số vùng nuôi tôm sú trong tỉnh Sóc Trăng đã bước vào vụ thu hoạch. Giá tôm sú loại 30 con/kg đang được thu mua ở mức 100-103 ngàn đồng/kg và 80 ngàn đồng/kg đối với loại 40 con/kg. Anh Trần Thuận Chơn, chủ DNTN Thuận Khoa ở huyện Vĩnh Châu cho biết: Với giá thu mua trên tuy không thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng người nuôi lời rất meo nếu đạt năng suất khá, còn không sẽ bị thua lỗ do chi phí trong suốt thời gian nuôi như: cải tạo ao, thức ăn, thuốc thú y thủy sản... đều tăng từ 20-40%.

Theo nhận định của giới kinh doanh, giá tôm sú khó có khả năng tăng thêm, nhất là đối với tôm cỡ nhỏ (40 con/kg trở lên) do “đụng” hàng tôm thẻ chân trắng. Đến những ngày đầu tháng 7, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi tôm sú được 46.587 ha, nhưng đã có 12.275 ha bị thiệt hại chiếm 26,4% diện tích thả.

Ông Nguyễn Văn Tín, một hộ nuôi tôm ở Vĩnh Thuận-Kiên Giang, cho biết: “Tôm “gãy” từ đầu vụ coi như mất trắng, phải đầu tư lại rất nhiều để nối tiếp vụ. Giá vôi bột, thức ăn cho tôm... tất cả đều tăng chóng mặt. Đã vậy tới kỳ thu hoạch mà nghe giá thấp kiểu này thì coi như người nuôi tôm thêm một vụ lỗ nặng...”. Ngay từ đầu vụ, nhiều người sợ giá tôm sẽ giảm nên đã chuyển sang trồng lúa hoặc áp dụng mô hình lúa-cá kết hợp thay lúa-tôm. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, nhất là nguyên liệu cho những lô hàng xuất vào cuối năm.

“Nếu giá tôm sú không cải thiện, nhiều người sẽ bỏ con tôm ngay trong vụ tiếp theo. Biết làm như vậy là sản xuất không bền vững nhưng nhiều người vẫn chấp nhận. Nợ nần ngân hàng, nhu cầu chi tiêu nên đa số nông dân vẫn chấp nhận làm kiểu “ăn chắc” từng vụ, phá vỡ quy hoạch...”. đó là suy nghĩ của nhiều người nuôi tôm ở Kiên Giang hiện nay và cũng là mối lo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương.

Anh Ngô Văn Nghĩa, Chủ trang trại nuôi tôm sú công nghiệp ở ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), có hơn 2 ha diện tích mặt nước nuôi tôm sú, cũng than: “Chưa năm nào tôm chết dữ như năm nay. Tình hình thời tiết bất thường nên tôm thả nuôi dù được chọn giống tốt và đưa đi thử mẫu vẫn bị chết khi nuôi chưa qua 2 tháng tuổi. Những năm gần đây, mỗi năm tôi thu được từ 8-10 tấn tôm thịt, nhưng năm nay muốn kiếm chừng 4-5 tấn cũng rất khó”.

Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Sản lượng tôm sú nuôi thu hoạch được hiện nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù diện tích nuôi tôm sú liên tục được mở rộng nhưng toàn tỉnh không thể đạt sản lượng 25.000 tấn tôm sú/năm. Vì vậy khả năng tranh mua sẽ diễn ra gay gắt trong những ngày tới do các nhà máy “đói nguyên liệu”. Hiện tỉnh Trà Vinh có trên 25.000 ha thả nuôi tôm sú, trong đó có tới 15.000 ha nuôi tôm bị chết. “Mọi năm khi tôm chết thì người dân thả lại. Còn năm nay, một số hộ thả tôm nuôi lại, còn một số hộ thả nuôi các loại khác như: cua biển, cá chẽm, cá rô phi,... nhưng không biết đầu ra thị trường thế nào. Thời gian qua, giá tôm thành phẩm xuất khẩu đã giảm từ 1-1,5 USD/kg so với cùng kỳ năm trước.

* LO CHO “ĐẦU RA”...

Thu hoạch tôm sú ở Sóc Trăng.
Ảnh: thanh tú 

Đầu tháng 7-2008, tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL tăng giá trở lại từ 3.000-10.000 đồng/kg, tùy loại. Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg giá từ 139.000-145.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá từ 97.000-120.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá từ 75.000-85.000 đồng/kg, tùy từng địa phương. Tôm sú nguyên liệu tăng giá do lượng tôm tồn kho của gần 40 nhà máy chế biến thủy sản ở Bạc Liêu-Cà Mau còn ít, các doanh nghiệp đang tăng cường mua tôm nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu vào dịp Tết... Tuy nhiên, hiện các nhà máy chế biến thủy sản tại đây chỉ hoạt động từ 50-70% công suất. Việc xuất khẩu tôm vẫn gặp khó khăn do sự cạnh tranh của tôm thẻ chân trắng và ảnh hưởng của đồng đô-la yếu.

Tình trạng thiếu hụt tôm sú nguyên liệu không chỉ diễn ra tại các tỉnh có năng lực về chế biến xuất khẩu lớn của vùng ĐBSCL như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Tại Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long (Trà Vinh) - doanh nghiệp chủ lực của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu từ 35-40 triệu USD/năm cũng đang rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu để sản xuất. Theo Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long, năm 2007, công ty có 2 phân xưởng sản xuất với công suất trên 5.000 tấn thành phẩm/năm, nhu cầu tôm nguyên liệu từ 20-30 tấn/ngày; kim ngạch xuất khẩu của đơn vị đạt trên 36 triệu USD, chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tôm nguyên liệu cung cấp cho 2 phân xưởng chỉ từ 10 - 15 tấn/ngày, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2007. Chưa kể đến 1 phân xưởng mới của công ty đưa vào hoạt động có công suất 2.000 tấn thành phẩm/năm. Vì vậy, tình trạng thiếu nguyên liệu càng trầm trọng hơn.

Doanh nghiệp này đã tổ chức hệ thống thu mua nguyên liệu từ các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang... nhưng cũng chỉ cung cấp được khoảng 5-7 tấn tôm nguyên liệu/ngày, không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho 3 phân xưởng hoạt động. Riêng nguồn nguyên liệu tôm thẻ chân trắng, do tỉnh chỉ mới bắt đầu triển khai nuôi nên sản lượng không đáng kể.

Tại Kiên Giang, do ảnh hưởng của thị trường trong quý II/2008, nhiều hợp đồng xuất khẩu mặt hàng tôm không được ký lại hoặc ký rất hạn chế. Nhiều nhà máy đã giảm công suất hoạt động. Tại cụm công nghiệp Tắc Cậu, thông thường các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 40-60% công suất thiết kế, nhưng gặp tình trạng này, công suất càng giảm mạnh. Hiện tại, Công ty Hạ Long đã có sẵn vùng nguyên liệu tại Kiên Lương, Công ty Kiên Cường có thêm vùng nguyên liệu tại Cà Mau... Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo ngại khả năng thiếu nguồn nguyên liệu vào những tháng cuối năm nếu như nông dân quay lưng lại với con tôm sú.

Lãnh đạo của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại Trà Vinh bày tỏ sự lo ngại: Kể cả người nuôi tôm và doanh nghiệp đều không biết đầu ra của con tôm sú sẽ như thế nào khi thị trường thế giới đang có xu hướng chuộng con tôm thẻ chân trắng thay vì con tôm sú như trước đây. Vì vậy, nếu tiếp tục nuôi tôm sú, người dân và cả các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu e ngại sẽ không cạnh tranh lại với con tôm thẻ chân trắng từ các nước khác vốn có ưu thế về giá. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp, đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Nhưng hầu hết các địa phương trong tỉnh chỉ mới bắt đầu khảo sát để qui hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng, nên chưa biết bao giờ mới có được nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, tuy việc nuôi tôm thẻ chân trắng đã xuất hiện tại một số địa phương ở các tỉnh ĐBSCL, nhưng còn phải phụ thuộc vào nguồn tôm giống từ các tỉnh Miền Trung hoặc nước ngoài nên số lượng còn rất hạn chế.

Nhóm PV-CTV

Chia sẻ bài viết