19/01/2021 - 15:07

Con tàu 69 trong lòng dân Đất Mũi 

Những tia nắng cuối ngày từ Biển Tây dát vàng lên ngọn sóng theo thủy triều xô vào cửa Vàm Lũng, đất mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Trước khung cảnh ấy, Đại tá, cựu chiến binh Khưu Ngọc Bảy, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962, Quân khu 9) xúc động nhớ lại: “Cửa biển này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã in dấu bao kỷ niệm khăng khít giữa thuyền và bến”.

Trong gió lạnh buổi chiều tà, Đại tá Khưu Ngọc Bảy với chất giọng sang sảng kể với chúng tôi: “Đoàn 962 ngày ấy đảm nhiệm đón, đưa những con tàu không số từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ. Tôi nhớ nhất là kỷ niệm sống chết với con tàu số 69. Đó là số hiệu thật, song mỗi lần ra khơi làm nhiệm vụ, nó thường không mang tên, mang số.

Trung tuần tháng 4-1966, cả đơn vị hồi hộp, sung sướng nhận tin từ Bộ tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125 Hải quân): “Tàu 69 vừa rời bến ở Hải Phòng”. Theo tính toán, nếu không gặp bất trắc, khoảng một tuần sẽ cập một trong hai “cảng” là cửa Bồ Đề hoặc cửa Vàm Lũng, xã Tân An (Ngọc Hiển, Cà Mau).


Đại tá, cựu chiến binh Khưu Ngọc Bảy (giữa) gặp gỡ các cựu chiến binh Lữ đoàn 962, Quân khu 9.

Theo dự tính của hải trình, đêm 22-4-1966, cả đơn vị không ai chợp mắt, tất cả có mặt tại vị trí và dõi mắt ra biển để đón tàu. Đồng hồ bắt đầu bước sang ngày mới (23-4), 1 giờ... 2 giờ... rồi 3 giờ sáng, tàu 69 vẫn chưa xuất hiện. Khoảng 4 giờ sáng, Bộ tư lệnh Hải quân điện báo “Tàu 69 đã vào vùng không phát sóng liên lạc nữa”. 5 giờ, rồi 6 giờ sáng, các quan sát viên trên những ngọn đước vẫn lắc đầu lo lắng vì chưa thấy dấu hiệu gì. Không khí căng thẳng, dồn nén bao trùm khắp đơn vị. Ban chỉ huy đơn vị nhận định, có thể có hai tình huống đã xảy ra: Một là tàu 69 đã đụng địch bị thương, hai là đã cập nhầm bến. Khả năng thứ nhất sớm bị loại bỏ vì đêm qua không xảy ra tác chiến trên biển, còn nếu tàu 69 quay ra biển thì đến vùng được phát sóng, liên lạc sẽ được nối lại, nên phương án thứ hai xem như chắc chắn.

Chính vì vậy, đồng chí Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), phó chỉ huy đơn vị ra lệnh cho anh em tổ chức thành nhiều tốp đi cập bờ biển kiểm tra các vàm sông để tìm tàu nhưng vẫn không có dấu hiệu nào. Đến khi trời nhá nhem tối, nữ giao liên Thanh Thương hớt hải về báo: “Đã gặp tàu anh Năm Phước (Thuyền trưởng tàu 69) đang “ém” lạch Vàm Hố”, chúng tôi tức tốc lên đường. Suốt một ngày một đêm nghẹt thở, “bến” và “thuyền” đã gặp nhau mừng mừng tủi tủi...

Chỉ huy tàu lúc bấy giờ là anh Nguyễn Hữu Phước (tức Năm Phước), gặp chúng tôi, anh cho biết: Địch tuần tra dữ quá, anh em phải luồn lách né tránh, lại gặp đêm tối nên xác định nhầm bến, khi cập bờ biết không phải cửa Bồ Đề thì đã hơn 4 giờ sáng, không thể ra biển được nữa đành phải “ém” lại chờ cơ hội.

Đợt ấy, tàu 69 vận chuyển thành công 72 tấn vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, sau chuyến hải trình, tàu bị hỏng chân vịt. Tưởng rằng tàu phải xa biển vì không có cách nào nâng được con tàu nặng hàng chục tấn lên khỏi mặt nước để sửa chân vịt, anh Tư Mau nghĩ ra một sáng kiến là lợi dụng lúc triều lên, lai dắt tàu 69 vào một con rạch, rồi lấy cây đước làm thành một giá đỡ dưới bụng tàu. Vậy là lúc triều xuống, toàn bộ con tàu nằm yên trên giá đỡ, chân vịt lộ ra. Song song đó, chỉ huy đơn vị huy động một đại đội làm đập ngăn nước chung quanh tàu. Vậy là một xưởng sửa chữa “có một không hai” được hình thành ngay dưới lòng sông. Sau một tuần sửa chữa, tàu 69 lại được “hạ thủy”, sẵn sàng ra khơi làm nhiệm vụ.

Đêm 1-1-1967, nhận định địch nghỉ Tết dương lịch, Ban chỉ huy đơn vị tổ chức cho tàu 69 rời cửa Vàm Lũng, đích thân đồng chí Nguyễn Văn Phán, chỉ huy trưởng đơn vị chỉ huy lực lượng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), yểm trợ tàu 69 ra khơi. Tàu 69 rời bến được chừng 30 hải lý, từ trên đài quan sát, ông Bảy nhìn thấy bên trái 10 độ nhiều làn đạn xé rách màn đêm, mỗi lúc càng thêm dữ dội. “Tàu bị lộ và bị hải quân địch vây đánh”, ông Bảy báo cáo tình hình với phó chỉ huy đơn vị Tư Mau. Ngay lập tức, toàn đơn vị chuyển trạng thái SSCĐ, đón tàu 69 quay lại.

10 phút sau, một tốp máy bay địch đến thả pháo sáng khiến cả một vùng biển như ban ngày. Tiếng súng mỗi lúc một gần bờ, trên đài quan sát, ông Bảy thấy rõ tàu 69 đang “quay” giữa 4 tàu của địch, vừa đánh trả quyết liệt, vừa cơ động vào bờ. Ông Bảy nhớ lại: “Lúc này, lực lượng ở cửa Bồ Đề được lệnh bắn pháo hiệu liên lạc. Nhưng tôi thấy tàu 69 còn cách cửa Bồ Đề khoảng hơn 5 hải lý, nếu vào đó, dọc đường sẽ bị chúng bắn chìm. Tôi báo cáo tình hình với anh Tư Mau để tham mưu cho anh. Anh Tư Mau ra lệnh cho tôi bấm tín hiệu cho tàu 69 vào Vàm Lũng vì khoảng cách gần hơn”.

Nhờ quyết định kịp thời, tàu 69 đã vào bến Vàm Lũng an toàn. Thế nhưng tàu bị hỏng nặng và không thể sửa chữa được nên đành nằm lại với đất rừng phương Nam. Hơn 50 năm đã trôi qua, hình ảnh con tàu mang số hiệu 69 vẫn in đậm trong ký ức của quân và dân đất mũi, ghi dấu chiến công trong nhiệm vụ giữ nước vĩ đại. Đặc biệt sau này, cả đồng chí Tư Mau và Năm Phước đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Theo Báo Quân đội Nhân dân

Chia sẻ bài viết