Vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, con ốc không được mấy ai để ý đến, nhưng gần đây nó trở nên quen thuộc trên những bàn tiệc ở nhà hàng. Các món chế biến từ ốc đã trở thành món ăn khoái khẩu cho nhiều giới trong xã hội, nên nó rất phổ biến trong và ngoài nước. Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long con ốc ở trên đồng hiếm lắm vì bị ốc bươu vàng lấn áp, chỉ còn ốc nuôi ở mương ao giá cũng trên 30.000 đồng/ký, bán tại chỗ.
|
Mùa nước nổi, con ốc ở đồng quê giúp hộ nghèo mưu sinh. Trong ảnh: Món ốc luộc sả được nhiều thực khách ưa chuộng. |
Trở về xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang, vào tháng 8 âm lịch khi trời đang mưa nhiều, nước mưa thấm ướt đất là mùa của ốc. Những con ốc nằm dưới đất sau những ngày nắng hạn bắt đầu chui lên đi kiếm ăn. Xác thực vật trên mặt đất thừa thải là miếng ngon cho ốc đánh chén no nê. Ốc đẻ trứng sinh con lớn nhanh như thổi, rồi bò tràn lan khắp đồng ruộng cho đến tháng 10 nước rút, ốc mới tìm chỗ vùi xuống đất. Vào mùa này, từ các xã đầu nguồn: Khánh Bình, Khánh An, Vĩnh Ngươn, Quốc Thái, Nhơn Hội của huyện An Phú (tỉnh An Giang ốc đầy đồng, con nít đi vớt, lượm một hồi đôi ba chục ký. Chị Châu, chủ vựa ốc ở ngay bến phà thị trấn Long Bình, huyện An Phú, cho biết mỗi ngày chị mua vô năm, bảy tấn ốc, có cả ốc ở Per Chay (Campuchia) đem qua. Ốc được vô bao may miệng cẩn thận, bao bằng lưới ny lon có lỗ hơi để ốc khỏi chết ngột, mỗi bao năm mươi ký với giá 20.000đồng/ký. Ốc từ đây đi TP Hồ Chí Minh, đi Hà Nội,...
Anh Hùng, năm nay 68 tuổi, người cố cựu ở xã Khánh An, giải thích thêm về con ốc ở đây: "Vùng này gọi ốc đít bằng, còn người Cần Thơ, Đồng Tháp gọi là ốc sen". Theo tôi, ốc đít bằng này có vài điểm khác hơn ốc sen. Ốc sen có vỏ dày, có ngấn màu vàng dợt, còn ốc đít bằng này giống chỗ đít bằng nhưng vỏ lại có màu đen hơn và mỏng hơn. Ốc đít bằng cũng giống như ốc sen nhưng sức sống dẻo dai, chịu được khô hạn cả năm trời không chết. Hành trình của ốc đít bằng, qua tháng 10 âm lịch nước vực, nó bắt đầu tìm chỗ chui xuống đất ẩn náu, không ăn uống gì cho đến tháng mưa năm sau có nước lên ốc mới chui lên đi kiếm ăn. Lúc nó mới chui lên khỏi mặt đất, ruột trắng tươi, ú nần. Có người còn nói "người ta đem treo nó lên giàn bếp để đến năm sau cũng vẫn sống nhăn!", bởi vậy nên việc chuyên chở đi xa rất thuận lợi.
Ốc đít bằng thịt giòn, ngon ngọt chế biến được nhiều món ăn khoái khẩu như: Ốc luộc sả, ốc hấp, ốc nấu tiêu, rang me, ốc nướng
Trước khi luộc, người ta đem ốc ngâm nước ớt cay cho nó nhả mồi rồi rửa sạch bỏ vô nồi với lá ổi cho ốc không còn nhớt. Khi ốc chín, lể ra trắng phếu, làm nước chấm bằng cơm mẻ đánh cho nhừ, sả ớt bằm nhuyễn cho chút muối, bột ngọt trộn đều thành nước chấm ốc, hoặc muối tiêu chanh tùy theo người thích. Còn có món ốc nhồi, ốc nấu lẩu nước dừa hay gọi là nấu tiêu. Ai có dịp dùng một lần sẽ nhớ mãi.
Anh Hùng nói: "Mùa này, con nít, người lớn đi ra đồng lượm một hồi có năm ba chục ký ốc, đem bán cho vựa, gom góp nhiều ngày để dành tiền mua quần áo, đóng tiền trường cho con vào năm học mới. Tính ra, vào mùa nước nổi con ốc ở đây cũng góp phần cải thiện một phần kinh tế gia đình cho những hộ nghèo".
Bài, ảnh: NHẬT HỒNG