 |
Công ty TNHH Kwong Lung Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc) là một trong những dự án FDI có mặt sớm nhất tại Cần Thơ. |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng đồng bằng giàu tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á. Vùng ĐBSCL có điều kiện phát triển về kinh tế nông nghiệp, với các sản phẩm nông sản đặc thù như: lúa, tôm, cá tra, trái cây nhiệt đới... Tuy nhiên, việc mời gọi đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng còn khá hạn chế.
* Những trở lực...
ĐBSCL là vùng có chủ trương thu hút vốn FDI ngay khi Luật Đầu tư nước ngoài ban hành vào cuối năm 1987; năm 1988 vùng đã thu hút 4 dự án FDI, vốn đầu tư 7,8 triệu USD, bằng 10% số dự án và 2,09% tổng vốn đầu tư của cả nước thời điểm này. Tuy nhiên, những trở ngại như: hạ tầng giao thông kém, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chính sách thu hút đầu tư rập khuôn... đang là những trở ngại lớn của vùng trong thu hút vốn FDI.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2010, toàn vùng thu hút được 70 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký 1,6 tỉ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư cả nước và đứng thứ 3/8 vùng kinh tế trọng điểm cả nước. Năm 2010, vùng ĐBSCL có 8/18 ngành có dự án FDI và 11 địa phương có vốn FDI mới (trừ tỉnh Đồng Tháp và Hậu Giang). Trong đó, nguồn vốn FDI đầu tư tập trung chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 50 dự án, tổng vốn đăng ký 327,6 triệu USD, chiếm 71,4% về số dự án và 20,2% về vốn đăng ký; lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 791,6 triệu USD; kế đến là lĩnh vực vận tải kho bãi với 4 dự án, vốn 451,4 triệu USD. Trong số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng năm 2010, dẫn đầu về vốn là Hoa Kỳ với 8 dự án (vốn đăng ký 802,1 triệu USD), British VirginIslands xếp thứ 2 (đạt 473,5 triệu USD); Nhật Bản và Hàn Quốc vốn đăng ký lần lượt là 100,4 triệu USD và 74,5 triệu USD...
Riêng 6 tháng đầu năm 2011, vùng ĐBSCL chỉ 7 địa phương có dự án FDI mới gồm: TP Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu với 46 dự án mới, vốn đăng ký 117,6 triệu USD và 7 dự án tăng vốn 218,6 triệu USD. Nếu tính cả vốn cấp mới và mở rộng thì từ đầu năm 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư mới của toàn vùng vẫn đứng sau tỉnh Bình Dương (377,09 triệu USD), Đồng Nai (379,7 triệu USD), Đà Nẵng (423,57 triệu USD). Thêm vào đó, nhiều dự án FDI vốn đầu tư lớn, nhưng tiến độ giải ngân và triển khai dự án khá chậm; tỷ lệ giải ngân vốn FDI của các địa phương chưa đạt đến 50% trên tổng vốn đăng ký. Nhiều dự án địa phương phải ra quyết định thu hồi dự án, có dự án xin điều chỉnh vốn, giảm diện tích thuê đất...
Theo ngành chức năng các địa phương, hạ tầng cơ sở của vùng ĐBSCL chưa được đầu tư đồng bộ, suất đầu tư công nghiệp của vùng cao làm nhiều DN FDI ngán ngại khi quyết định đầu tư. Một số dự án FDI đầu tư trên những lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với vùng, sản phẩm chưa phù hợp với đặc thù văn hóa, kinh tế của vùng, nên hiệu quả đầu tư không cao, nhiều dự án xin rút vốn và chấm dứt hoạt động. Mặt khác, việc thiếu chiến lược trong mời gọi đầu tư đã làm hình ảnh, năng lực cạnh tranh của vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng...
* Đòn bẩy từ chiến lược mời gọi
Theo nhận định của các ngành chức năng, các dự án mời gọi đầu tư của các địa phương trong vùng có nhiều nét tương đồng nhau. Hàng loạt các khu công nghiệp được quy hoạch, nhưng tỷ lệ lấp đầy khiêm tốn, trong 3 năm qua, vùng ĐBSCL có gần 2.800ha đất công nghiệp bỏ hoang vì chưa có nhà đầu tư. Và do “khát” đầu tư, các địa phương đã thực hiện các chính sách ưu đãi như: miễn, giảm thuế, tiền thuê đất... mà chưa tính đến khả năng thực tế tại địa phương, hoặc nhu cầu của nhà đầu tư đang cần. Các dự án FDI đầu tư vào vùng ĐBSCL đa phần quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình; những ngành công nghiệp tinh chế không nhiều.
Thêm vào đó, trong gần 2 năm qua, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu hút đầu tư của các địa phương. Tại thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2011, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thu hút thêm 6 dự án mới và 2 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 70,4 triệu USD. Đến nay, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ có 197 dự án còn hiệu lực (trong đó có 157 dự án đã hoạt động, 26 dự án đang xây dựng, 14 dự án chưa triển khai), thuê hơn 546,5ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,75 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện hơn 696,1 triệu USD, chiếm 39,6 % tổng vốn đầu tư đăng ký... Cần Thơ được xác định là thành phố trung tâm, động lực vùng ĐBSCL, do vậy nếu xét về quy mô dự án, năng lực thu hút đầu tư thì rõ ràng là chưa tương xứng với tầm của đô thị loại I. Những năm gần đây, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư với nhiều công trình giao thông lớn đã khánh thành và đưa vào sử dụng như: cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ,... góp phần thay đổi diện mạo của thành phố và tạo động lực thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, thành phố tiếp khá nhiều đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư, nhưng đôi lúc dự án mời gọi chưa đủ sức lan tỏa vùng...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 23-6-2011, toàn vùng ĐBSCL có 611 dự án còn hiệu lực, vốn đầu tư đăng ký trên 9,78 tỉ USD. Long An là địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL về dự án đăng ký: 371 dự án, vốn đầu tư đăng ký trên 3,56 tỉ USD; Kiên Giang xếp thứ hai về vốn với hơn 3 tỉ USD; thành phố Cần Thơ đứng thứ 3, vốn đăng ký 780,4 triệu USD. Các chuyên gia phân tích, để giải ngân vốn FDI vùng đạt hiệu quả và mời gọi được nhiều dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, ĐBSCL rất cần chính sách đặc thù riêng cho vùng. Song, để một chính sách ra đời và được thực thi phải có sự chung sức cho các bộ, ngành Trung ương, cùng địa phương. Có như vậy, tiềm năng của vùng ĐBSCL mới phát huy hiệu quả và trở thành vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG