16/04/2009 - 08:14

Phổ cập bậc trung học:

Con đường còn lắm gian nan

Nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những tiền đề quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. TP Cần Thơ đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học vào năm 1998 và đạt chuẩn phổ cập THCS vào năm 2004. Đây là nền tảng để thành phố tiếp tục phổ cập bậc trung học. Ngày 28-3-2005, UBND TP Cần Thơ chính thức phê duyệt “Đề án phổ cập bậc trung học của TP Cần Thơ giai đoạn năm 2005-2010” theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 02-3-2005 của Thành ủy Cần Thơ. Hơn 4 năm qua, đề án đã đi vào cuộc sống bằng những chương trình, những hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho người dân học tập, nâng cao trình độ, tay nghề... Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí nếu so với chuẩn phổ cập bậc trung học, kết quả mà TP Cần Thơ đạt được rất thấp. Có thể nói, từ nay đến năm 2010, con đường đạt đến chuẩn phổ cập trung học của TP Cần Thơ còn không ít gian nan, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp và sự tập trung cao độ của các ngành, các cấp cho công tác này.

Bài 1: Khi cơ hội học tập chưa được tận dụng

Theo “Hướng dẫn thực hiện phổ cập bậc trung học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu chung của công tác phổ cập bậc trung học giai đoạn 2003-2010 là nâng cao dân trí. Cụ thể là ở những địa phương đã đạt chuẩn phổ cập THCS, công dân đến 21 tuổi đều đạt trình độ học vấn trung học. Để đạt được mục tiêu này, ngành giáo dục TP Cần Thơ đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nỗ lực vận động học sinh ra lớp, đa dạng hóa các hình thức học tập, đưa trường lớp về tận những vùng sâu, xa... Cơ hội học tập mở ra cho nhiều người. Tuy nhiên, không phải ở nơi nào cơ hội cũng được tận dụng tốt...

Nhiều cơ hội, nhưng...

Nguyễn Việt Triều, ở ấp Thới Ninh, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, đang theo học năm thứ 2, lớp Trung cấp Chế biến thủy sản tại xã Trường Xuân. Lớp học do Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ (cũ) phối hợp cùng UBND xã Trường Xuân tổ chức. Tất cả các học kỳ qua, Triều đều đạt kết quả học tập trung bình khá. Triều kể: “Các buổi sáng trong tuần tôi học nghề, một số buổi chiều và thứ bảy tôi học bổ túc trung học. Tuy lịch học dày đặc nhưng tôi vẫn cố gắng lên lớp đầy đủ, không vắng buổi học nào, dù là học nghề hay bổ túc. Với tôi, được đi học trở lại và được học nghề là điều mà trước đây chưa bao giờ dám nghĩ tới”.

Vẻ phấn khởi bây giờ của Triều trái ngược hẳn với nỗi thất vọng khi phải gác lại việc học để lo cho gia đình. Tốt nghiệp THCS, Triều thi đậu vào Trường THPT Thới Lai, học hết năm lớp 10, vừa sang đầu năm lớp 11 thì Triều nghỉ học để theo cha lênh đênh buôn bán trên sông nước. Triều tâm sự: “Những ngày còn cắp sách đến trường, tôi luôn mơ ước được học hành đến nơi đến chốn rồi ra làm việc ở một cơ quan nào đó. Thế nhưng, gia đình đơn chiếc, khi chị tôi lấy chồng ra riêng, mẹ bị bệnh, cha tôi phải đi ghe một mình. Thuê người làm thì lãi chẳng còn bao nhiêu...”. Những ngày rong ruổi trên sông nước, trong đầu Triều luôn canh cánh câu hỏi làm thế nào để được đi học trở lại. Vì vậy, năm 2008, khi UBND xã Trường Xuân phối hợp cùng Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ (cũ) mở các lớp trung cấp nghề tại xã, lòng Triều cứ nôn nao. Triều kể: “Sau nhiều lần chú Hùng (ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân-PV) đến nhà vận động và phân tích thiệt hơn, ba mẹ mới cho tôi đi học trở lại. Bây giờ, chỉ còn khoảng 1 năm nữa là tôi ra trường. Tôi sẽ vừa có được bằng nghề, vừa có được bằng tốt nghiệp THPT”.

Đa dạng hóa các loại hình học tập để thu hút các đối tượng phổ cập. Trong ảnh: Lớp học phổ cập và bổ túc THPT ở Vĩnh Thạnh.  

Ở huyện Cờ Đỏ, có hàng trăm bạn trẻ trong hoàn cảnh tương tự như Nguyễn Việt Triều. Đối với các xã xa trung tâm huyện như: Trường Xuân, Trường Xuân A, Trường Thành..., học sinh muốn học THPT, học bổ túc hay học nghề đều phải ra tận thị trấn Thới Lai, đường xa hàng chục cây số. Thêm vào đó, hoàn cảnh gia đình đơn chiếc hoặc nhà nghèo nên chẳng còn được bao nhiêu học sinh tiếp tục con đường học vấn sau khi đã tốt nghiệp THCS. Trước thực tế đó, lãnh đạo xã Trường Xuân không khỏi trăn trở và quyết tìm giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, ông Lê Quang Hùng trầm ngâm nhớ lại: “Sau nhiều lần bàn bạc trong Đảng ủy, UBND xã, chúng tôi quyết định phối hợp cùng Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ (cũ) mở các lớp trung cấp nghề tại địa phương. Những ngày đầu mở lớp, việc huy động học sinh khó khăn lắm, vì chưa ai biết đến hình thức dạy học này. Lãnh đạo xã và cán bộ của Trung tâm Dạy nghề, cán bộ giáo dục của địa phương phải đến từng nhà vận động, thuyết phục từng người”.

Chỉ trong vòng 2 năm, xã Trường Xuân đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Thới Lai (mới) mở được 5 lớp nghề trung cấp tại xã với hơn 140 học viên. Các lớp nghề trung cấp gồm: Bảo vệ thực vật, Chế biến thủy sản, Xây dựng. Ngoài ra, còn có 2 lớp dạy nghề xây dựng và nghề may gia dụng ngắn hạn với 60 học viên. Ông Đào Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Thới Lai, cho biết: “Đối với những học viên chưa tốt nghiệp THPT, Trung tâm phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức dạy bổ túc văn hóa cho học viên. Nhờ vậy, sau 3 năm học nghề, các em vừa có bằng trung cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp bổ túc trung học. Việc đưa các lớp nghề về tận những xã xa trung tâm huyện, như Trường Xuân, Thới Hưng... đạt được hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm sẽ mở rộng mô hình đào tạo trung cấp nghề tại xã”.

Các huyện vùng ven Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh... dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã nỗ lực tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các lớp bổ túc, lớp nghề tại địa phương. Có thể nói, việc đa dạng hóa các loại hình học tập, mở rộng mạng lưới trường lớp học tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho một bộ phận học sinh có điều kiện tiếp tục học văn hóa, học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Đây cũng là điều kiện tiên quyết làm nền tảng để TP Cần Thơ đạt chuẩn phổ cập bậc trung học... Tuy nhiên, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp... ở một số nơi vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đạt chuẩn.

Những khó khăn và thách thức

Hầu như các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ đều chưa đạt chỉ tiêu 75% đối tượng trong độ tuổi 18-21 tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp- chỉ tiêu quan trọng trong chuẩn phổ cập bậc trung học. Chẳng hạn, theo kế hoạch, quận Ninh Kiều sẽ đạt chuẩn phổ cập bậc trung học vào năm 2008, nhưng hiện nay ở chỉ tiêu này, quận chỉ mới đạt 54,08%. Tỷ lệ này của quận Bình Thủy là: 51,09%; huyện Cờ Đỏ (cũ): 27,3%... Tính chung, toàn thành phố chỉ mới có 48,06% đối tượng 18-21 tuổi tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp. Đặc biệt, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, chỉ mới có 0,19% đối tượng 18-21 tuổi có bằng trung cấp nghề 3 năm. Có nơi như quận Thốt Nốt chỉ có 2 người có bằng trung cấp nghề 3 năm, còn huyện Vĩnh Thạnh thì chưa có người nào... Trong khi đó, để được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học, tỷ lệ này phải đạt 10%.

Tốt nghiệp THCS năm 2008, Huỳnh Minh Cảnh, nhà ở ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, muốn học lên cao hơn nhưng hoàn cảnh không cho phép. Bà Nguyễn Thị Hương, bà nội em Cảnh, bùi ngùi kể: “Nó xin học lớp 10 ở thị trấn Thới Lai nhưng mỗi ngày nó ra thị trấn học, tốn ít nhất cũng 10.000 đồng, nhà nghèo quá làm sao tui lo được. Thôi thì đành kêu nó nghỉ học”. Ở ấp Đông Giang không hiếm hoàn cảnh như Minh Cảnh, học xong THCS, không có điều kiện học tiếp lên THPT, ở nhà làm thuê hoặc vô công rỗi nghề. Thầy Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Bình, cho biết: “Hằng năm, chỉ có khoảng 50% học sinh tốt nghiệp THCS của trường tiếp tục theo học THPT ở thị trấn Thới Lai. Một số ít theo học các lớp nghề ngắn hạn. Còn lại, các em nghỉ ở nhà, làm thuê theo thời vụ hoặc không làm gì cả. Thế nhưng, vận động những em này học nghề lại rất khó khăn”. Chính vì vậy, không ít lần xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp bổ túc nhưng chỉ có vài học sinh tham gia nên đành hủy lớp. Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình, phân tích: “Ngoài nguyên nhân bỏ học do gia đình khó khăn, còn có trường hợp nhiều gia đình chỉ cho con em học hết lớp 9 rồi ở nhà tiếp làm ruộng, vườn. Do đó, địa phương vận động mãi nhưng vẫn không thể mở lớp bổ túc hoặc mở các lớp nghề tại xã”. Vì vậy, hiện nay, ở xã Đông Bình, có đến 56% học sinh ở độ tuổi THPT bỏ học; chỉ có 9,2% đối tượng 18-21 tuổi tốt nghiệp THPT và trung cấp chuyên nghiệp.

* Một số điều kiện để được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học:

- 15% học sinh tốt nghiệp THCS trong độ tuổi (15-18 tuổi) vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp.

- 15% học sinh tốt nghiệp THCS trong độ tuổi (15-18 tuổi) vào học các trường trung cấp nghề.

- Đảm bảo tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT (2 hệ) từ 85% trở lên.

- Đảm bảo đạt tỷ lệ thanh thiếu niên từ 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp từ 75% trở lên và ít nhất 10% trở lên có bằng tốt nghiệp đào tạo nghề.

* Sau gần 4 năm thực hiện phổ cập bậc trung học, TP Cần Thơ đạt:

- 1,24% học sinh tốt nghiệp THCS trong độ tuổi (15-18 tuổi) vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp.

- 0,62% học sinh tốt nghiệp THCS trong độ tuổi (15-18 tuổi) vào học các trường trung cấp nghề.

- Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT (2 hệ) đạt 79,15%.

- 48,06% thanh thiếu niên 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp; 0,19% có bằng tốt nghiệp đào tạo nghề.

Bên cạnh một số địa phương tổ chức được các lớp đào tạo nghề, lớp bổ túc văn hóa tại chỗ, thì nhiều nơi mở được lớp rồi lại không thể duy trì. Chẳng hạn, ở huyện Vĩnh Thạnh, năm 2008, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp cùng UBND xã Thạnh Thắng và UBND xã Thạnh Phú mở 4 lớp bổ túc trung học với hơn 130 học viên. Sau một tuần khai giảng, lớp học vắng dần, đến tuần thứ 3 thì chỉ còn giáo viên đến lớp. Ông Trần Văn Sân, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trung tâm còn kết hợp với Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ mở 1 lớp trung cấp nghề tại huyện. Học viên vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hóa. Sau 1 năm học, số lượng học viên giảm dần nên Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ đã phải đưa các học viên còn lại về học tại trường”.

Mạng lưới trường THPT phân bổ chưa hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc vận động học sinh ra lớp. Toàn thành phố hiện có 24 trường THPT (2 trường THPT tư thục) nhưng phân bố không đồng đều giữa các quận- huyện. Phần lớn các trường THPT tập trung ở khu vực trung tâm. Ông Nguyễn Văn Rảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, phân tích: “Toàn huyện chỉ có 1 trường THPT là Trường Phan Văn Trị, đặt tại trung tâm huyện. Vì vậy, rất khó huy động học sinh ở các xã xa trung tâm”. Huyện Cờ Đỏ (cũ) có 3 trường THPT nhưng địa bàn khá rộng. Học sinh ở các xã Trường Thành, Trường Xuân A, Đông Bình đều phải đi trên 10km mới đến được trường. Đây cũng là một khó khăn mà không phải bất cứ học sinh nào cũng vượt qua được, và thực tế đã làm nản lòng không ít học sinh thiếu quyết tâm và ý chí.

* * *

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương trong việc tạo ra nhiều cơ hội học tập cho người dân. Thế nhưng, rõ ràng để đạt được những tiêu chí theo chuẩn phổ cập bậc trung học, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Trong khi đó, chỉ còn không đầy 2 năm nữa thành phố phải về đích phổ cập bậc trung học, theo “Đề án phổ cập bậc trung học của TP Cần Thơ giai đoạn năm 2005-2010”.

Bài, ảnh: LY GIANG

Bài 2: Trường chuẩn quốc gia - Nỗ lực phấn đấu... hụt hơi!

Chia sẻ bài viết