15/02/2023 - 08:19

Cô thợ may khuyết tật và kỳ tích Á quân bơi lội Thế giới 

Bài, ảnh: HIẾU THUẬN

Mất khả năng vận động của đôi chân, không muốn làm gánh nặng cho gia đình, chị Trịnh Thị Bích Như, 38 tuổi, ở xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, lên TP Hồ Chí Minh học nghề may. Rồi cơ duyên giúp chị trở thành vận động viên bơi lội và giành hàng chục chiếc huy chương từ cấp quốc gia, khu vực cho đến thế giới dành cho người khuyết tật.

Kình ngư Bích Như bên những chiếc huy chương đã giành được tại các giải quốc gia, khu vực và thế giới.

Chúng tôi gặp “kình ngư” Bích Như khi chị về quê thăm gia đình ở xã Thạnh Trị vào những ngày đầu năm. Căn nhà vốn yên bình cạnh kênh Thầy Bang hôm ấy đầy ắp tiếng cười. Trong căn nhà nhỏ, hai bên vách tường, tủ kính đều treo, để đầy bằng khen, giấy chứng nhận thành tích cùng rất nhiều huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải quốc gia và thế giới. Chị Bích Như kể, chị chưa từng nghĩ sẽ trở thành vận động viên bơi lội, bởi lúc 3 tuổi, một cơn sốt ác tính đã khiến chị liệt hoàn toàn đôi chân. Khi trưởng thành, chị chỉ nghĩ mình không thể để cha mẹ bảo bọc mãi nên năm 2008, chị rời quê lên TP Hồ Chí Minh học nghề may ở Trung tâm Bảo trợ người tàn tật. “Ý thức được hoàn cảnh của mình nên ngoài công việc ở Trung tâm, buổi tối tôi nhận thêm việc làm để kiếm thêm thu nhập, có lúc phải thức đến 2-3 giờ sáng” - chị Bích Như tâm sự.

Tưởng chừng cuộc đời mình gắn bó với nghề may, với Trung tâm Bảo trợ người tàn tật thì trong vài lần được người anh đưa đi bơi để khuây khỏa, chị Bích Như may mắn được huấn luyện viên Ðổng Quốc Cường phát hiện năng khiếu bẩm sinh, quyết định chăm bồi và cuộc đời chị đã sang trang khác.

Xuất thân từ miền Tây sông nước lại có “năng khiếu bẩm sinh” và đặc biệt khi mỗi lần được vùng vẫy trong nước, chị như trút được tự ti về khuyết tật của bản thân. Chị Bích Như cho biết, lúc đầu chị chỉ nghĩ học bơi để đỡ nhớ sông nước quê nhà, nhưng có thể chính khoảnh khắc vô tư đó của chị đã chinh phục được huấn luyện viên Ðổng Quốc Cường và anh đã mời chị tham gia bộ môn bơi lội… “Lúc đó rất khó khăn, vì từ chỗ tôi ở đến chỗ tập luyện hơn 10km. Mỗi ngày tôi phải thức thật sớm để lắc xe đến chỗ tập, khi đến nơi là hai cánh tay gần như tê cứng” - chị Bích Như kể. 

Không phụ lòng thầy, chỉ sau vài tháng tập luyện, ngay lần thi đấu đầu tiên tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2010, chị Bích Như đã giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Sau đó vài tháng, chị tiếp tục đoạt được Huy chương Vàng tại ASEAN Para Games 2011 tại Indonesia. Năm 2012, chị Bích Như chính thức được vào đội tuyển Quốc gia, được chọn đi thi đấu tại Thế vận hội Paralympic London (Anh) 2012 và xếp hạng 6 cự ly 100m ếch.

Sau Thế vận hội tại Anh, lần lượt các năm sau đó, chị Bích Như liên tục gặt hái thành công khi giành hàng loạt huy chương vàng, bạc cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ ASEAN Para Games; đứng thứ 6 tại Thế vận hội Paralympic Rio (Brazil) 2016; 2 Huy chương Vàng, phá 2 kỷ lục tại ASEAN Para Games 2017 tại Singapore; 3 Huy chương Ðồng giải châu Á tại Indonesia năm 2018; hạng 7 tại Paralympic Tokyo 2020 nội dung 100m ếch…

Tại Ðại hội thể thao người khuyết tật Ðông Nam Á năm 2022 diễn ra ở Solo (Indonesia), chị Như ngoài giành Huy chương Vàng còn phá kỷ lục nội dung 50m bướm với thành tích 42,6 giây. Ðặc biệt chị Như từng giành Huy chương Bạc nội dung 100m ếch hạng thương tật SB5 tại Giải vô địch bơi người khuyết tật thế giới 2015 diễn ra ở Glasgow (Scotland) với thành tích 1 phút 57,43 giây. “Tôi của hôm nay là nhờ sự động viên của gia đình, đồng hành của chồng và người có công lớn nhất là thầy Cường. Từ lần đầu đạt được thành tích rồi suốt chặng đường tiếp theo, tôi chưa bao giờ cho phép bản thân gục ngã. Tôi cố gắng luyện tập, đặt mục tiêu ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, đó cũng là nguồn động lực lớn để tôi tiếp tục cống hiến” - chị Như tâm sự.

Kết thúc câu chuyện với “kình ngư” Bích Như, khi được hỏi mong muốn điều gì cho bản thân sau bao năm cống hiến, chị đáp: “Tôi chỉ mong cha mẹ nhiều sức khỏe, sống lâu với con cháu. Và tôi cũng muốn được làm... mẹ như những phụ nữ khác!”.

“Gia đình không ngờ với đôi chân teo tóp của mình, con gái tôi lại giành được nhiều thành tích bơi lội như vậy. Với gia đình tôi, Bích Như là niềm tự hào. Sau bao năm, gia đình tôi vẫn mong con có cuộc sống bình thường, hạnh phúc như bao người khác chứ không trông mong điều gì lớn lao” - ông Trịnh Văn Bảy, cha chị Như chia sẻ.

Chia sẻ bài viết