25/10/2018 - 08:57

Có nên đưa hành vi “chạy chức, chạy quyền” vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) 

Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng đang được đưa ra cho toàn dân góp ý để chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Một trong những nội dung đáng chú ý là có nên đưa hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy dự án”… vào Luật Phòng, chống tham nhũng?

Một số quan điểm cho rằng nên đưa “chạy chức, chạy quyền, chạy dự án” vào luật để coi đó là một trong những hành vi tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý để xử lý hành vi này. Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng, hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy dự án” đã được Bộ luật Hình sự quy định là một biểu hiện của hành vi đưa hối lộ và bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên không cần thiết đưa vào Luật Phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, chúng thực chất không phải là những hành vi mang tính chất tham nhũng.

Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, nội chính tại UBND phường Ba Láng. Ảnh: L.P

Theo nhiều tài liệu, ở cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng, tham nhũng luôn được định nghĩa là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng (thông qua) chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm mục đích vụ lợi. Như vậy, biểu hiện đầu tiên của tham nhũng là chủ thể thực hiện, đó phải là người có chức vụ, quyền hạn. Biểu hiện thứ hai là lợi dụng (thông qua) chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi trái pháp luật. Biểu hiện cuối cùng là việc thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm mục đích vụ lợi. Nghĩa là, mục đích của người thực hiện hành vi tham nhũng là muốn đạt được những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất cho cá nhân mình hoặc người thân. Lợi ích này là mục đích của người tham nhũng chứ không phải là hậu quả của tội phạm nên việc xử lý người có hành vi tham nhũng sẽ đặt ra khi họ thực hiện hành vi với mục đích vụ lợi mà không cần họ có đạt được mục đích đó trên thực tế hay chưa. Đó là ba đặc điểm của hành vi tham nhũng.

Hiện nay, hành vi “chạy chức, chạy quyền” diễn ra khá phổ biến. Biểu hiện của hành vi này rất đa dạng, chẳng hạn “chạy” để từ chưa có chức thành có chức; từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn; từ nơi ít lợi ích, bổng lộc sang nơi nhiều bổng lộc; “chạy” từ nơi sung túc, đầy đủ vật chất, kinh tế sang nơi có quyền lực chính trị để “trú ẩn, hạ cánh an toàn”… Người “chạy chức, chạy quyền” có thể là những người chưa đủ hoặc không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh về năng lực, uy tín, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn nhưng vẫn tìm mọi cách để “leo” lên, bất chấp các nguyên tắc cơ bản của đạo đức chính trị. Cũng có những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng do những bất cập trong công tác cán bộ, hoặc “ghế ít người nhiều” mà dẫn tới tâm lý hoang mang, phải “chạy đua” tìm kiếm vị trí cho mình.

Biểu hiện của hành vi “chạy chức, chạy quyền” rất đa dạng, có khi đến mức tinh vi khó lường. Dễ nhận diện nhất là dùng tiền bạc, vật chất, quan hệ hoặc lợi ích khác, tiếp cận trực tiếp hoặc thông qua người nhà, người thân để trao đổi, thỏa thuận, hối lộ, thống nhất với người có chức, có quyền quyết định hoặc người có thể can thiệp vào công tác tổ chức cán bộ, để đạt được tham vọng về vị trí, chức vụ, quyền lực. Thâm hiểm hơn là dùng thủ đoạn, mánh khóe bôi nhọ, nói xấu, nói không đúng sự thật, tung tin chuyển công tác, “gài bẫy” với “đối thủ” có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang cùng cạnh tranh với mình, tạo lợi thế trong cuộc đua chức quyền. Ngoài những hành vi trực tiếp liên quan đến “chạy chức, chạy quyền”, một số hành vi làm nền tảng cũng có thể được thực hiện như “chạy” để được đào tạo, bồi dưỡng; “chạy” sửa tuổi, “chạy” để có chứng chỉ, bằng cấp, xác nhận hợp thức hóa hồ sơ phục vụ công tác nhân sự, “chạy” quy hoạch, “chạy” luân chuyển, “chạy” thành tích, khen thưởng, danh hiệu, “chạy” tội, “chạy” kỷ luật để xóa vết đen…

Qua những biểu hiện của hành vi “chạy chức, chạy quyền” có thể thấy, dù hành vi này thỏa mãn được một vài đặc điểm của hành vi tham nhũng, nhưng không đáp ứng đủ. Tức là, người “chạy chức, chạy quyền” cũng là những người có chức vụ, quyền hạn và thực hiện hành vi vì vụ lợi. Tuy nhiên, hành vi “chạy chức, chạy quyền” của họ không được thực hiện thông qua “lợi dụng” chức vụ, quyền hạn của mình. Bởi vì, “chạy chức, chạy quyền” luôn được thực hiện bởi người có  chức vụ, quyền hạn thấp đối với người có chức vụ, quyền hạn cao hơn. Cho nên, hành vi “chạy chức, chạy quyền” phải thông qua các phương tiện khác chứ không phải thông qua chức vụ, quyền hạn của mình. Từ đó có thể thấy, hành vi “chạy chức, chạy quyền” không phải là một trong những hành vi tham nhũng.

Như vậy, hành vi “chạy chức, chạy quyền” có bị xử lý? “Chạy chức, chạy quyền” là một cụm từ chỉ một số hành vi làm phương tiện để đạt được chức, quyền như ý. Tùy theo biểu hiện của các hành vi làm phương tiện để “chạy chức, chạy quyền” như thế nào mà có hướng xử lý đúng pháp luật. Phổ biến nhất của hành vi “chạy chức, chạy quyền” là đưa hối lộ (tội phạm được quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự). Cũng có thể hành vi “chạy chức, chạy quyền” rơi vào trường hợp lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366 Bộ luật Hình sự)... Như vậy, với những hành vi “chạy chức, chạy quyền” rõ ràng đã là tội phạm thì hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự với mức chế tài nghiêm khắc nhất, không cần thiết miễn cưỡng đưa nó vào Luật Phòng, chống tham nhũng để xử lý hành chính. Vấn đề quan trọng là các cơ quan bảo vệ pháp luật có thực thi pháp luật nghiêm hay không.

TS Phạm Văn Beo

Chia sẻ bài viết