06/09/2010 - 09:54

Cơ hội mời gọi đầu tư phát triển ĐBSCL

Hôm nay, ngày 6-9-2010, Hội nghị Đầu tư và Phát triển ĐBSCL do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức diễn ra tại TP Cần Thơ. Hội nghị thu hút khoảng 700 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Đây là cơ hội để các tỉnh, thành mời gọi đầu tư tìm hướng đi mới cho vùng. Mặt khác, khẳng định xu hướng liên kết tạo thế và lực mới đưa ĐBSCL cất cánh.

Thực trạng...

Toàn vùng có khoảng 12.700 doanh nghiệp (DN) trong nước đang hoạt động. Ngoài ra, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20-8-2010, ĐBSCL có 524 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 8,43 tỉ USD. Tuy nhiên, quy mô dự án đa phần là nhỏ, công nghệ trung bình, vốn thấp, còn dự án quy mô lớn, vốn lớn lại chậm triển khai. Theo các chuyên gia kinh tế, ĐBSCL có nhiều tiềm năng về phát triển nông- thủy sản, nên nhiều địa phương khi lập dự án mời đầu tư đều có quy mô, xuất phát điểm gần giống nhau. Do vậy, không phát huy được lợi thế của từng tiểu vùng và xu hướng mạnh ai nấy làm đã trở thành lực cản cho sự phát triển chung.

Trong vài năm gần đây, hầu như năm nào các tỉnh, thành trong vùng cũng tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư khá tốn kém. Thậm chí tổ chức quy mô ở nước ngoài, nhưng hiệu quả cuối cùng lại không như mong đợi. Vùng ĐBSCL hiện chiếm hơn 20% thị phần bán lẻ cả nước, nhưng việc khai thác thị phần này thì các tổng công ty, nhà đầu tư nước ngoài lại chiếm ưu thế hơn. Còn DN trong vùng quy mô nhỏ, năng lực tài chính và quản lý nhiều hạn chế, nên sức cạnh tranh không cao và chưa tạo được sức mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp vùng. Mặt khác, môi trường kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp làm giảm khả năng cạnh tranh của DN. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, cái khó của DN là vốn, cách quản lý kiểu gia đình, nên các DN cần hợp tác, liên kết với DN trong và ngoài nước để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Cần đánh giá đúng khả năng của mình mới có thể hội nhập và phát triển.

Cầu Cần Thơ được đưa vào sử dụng mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư phát triển vùng ĐBSCL. Ảnh: T. LONG 

Thêm vào đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để mời gọi đầu tư. Các tỉnh, thành trong vùng đều có chính sách thu hút nhân tài, nhưng chưa mời gọi được nhiều người giỏi. Nguyên nhân không phải là mặt bằng lương, mà chính yếu là môi trường làm việc chưa thoáng nên nhiều trí thức trong vùng có xu hướng chọn các thành phố lớn để làm việc. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn vùng chỉ vào khoảng 22%. Việc gỡ những nút thắt này đang trở nên bức thiết đối với sự phát triển chung của toàn vùng.

Lối mở cho vùng ĐBSCL

Giai đoạn 2006-2009, tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng đạt 12,1%/năm; trong đó, khu vực I (nông- lâm nghiệp) 5,9%, khu vực II (công nghiệp- xây dựng) 18,2%, khu vực III (thương mại- dịch vụ) 15,6%. Riêng năm 2009, tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 10,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu trên 4,9 tỉ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa 223.000 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 711 USD/năm. Với lợi thế về nông sản, hai mặt hàng chủ lực (thủy sản, lúa gạo) đều có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm/mặt hàng có mức đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thủy, bộ chưa kết nối liên thông, DN phải trả thêm 7-10 USD/tấn hàng hóa vì phải vận chuyển qua cảng TPHCM... vì tàu tải trọng trên 10.000 DWT không thể ra vào luồng Định An.

Theo định hướng phát triển, giai đoạn sau năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ khởi động nhiều dự án lớn như: dự án tuyến đường sắt TPHCM- Cần Thơ, hoàn thành tuyến đường cao tốc TPHCM- Cần Thơ, tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài đến Đất Mũi, sân bay quốc tế Phú Quốc hoạt động... Mục tiêu đến năm 2020, vùng ĐBSCL sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh. Hiện luồng Định An đã được phép đầu tư nạo vét. Đến năm 2020, dự kiến ĐBSCL sẽ có cảng biển lớn ngoài khu vực sông Hậu (tỉnh Trà Vinh) để tiếp nhận tàu 60.000 DWT. Cụm cảng đầu mối toàn vùng có trung tâm đặt tại TP Cần Thơ, dự kiến công suất đến năm 2020 đạt 12-15 triệu tấn/năm, cảng Cái Cui có thể tiếp nhận tàu 20.000 DWT. Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thì cảng hàng không cũng đang được quy hoạch đầu tư và nâng cấp... Khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ tạo thế và lực mới cho vùng ĐBSCL cất cánh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Điện lực Ô Môn gồm 5 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất khoảng 3.500 MW sẽ hoàn thành, vận hành trước năm 2015 và tiếp nhận nguồn khí từ Lô B để cung cấp điện cho toàn vùng ĐBSCL. Dự án Đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn có tổng chiều dài gần 400 km, trong đó phần trên biển khoảng 246 km, phần trên bờ 152 km, đi qua địa phận TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Dự án do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (đại diện là Tổng công ty Khí Việt Nam) ký hợp tác đầu tư với Tập đoàn Chevron (Hoa Kỳ), MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) ký kết hợp tác đầu tư. Dự án hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp vùng ĐBSCL.

Ngày 5-9-2010, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đã tiếp đoàn của Công ty TNHH Chevron Việt Nam- đơn vị liên doanh đầu tư Dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn. Chủ tịch Công ty TNHH Chevron Việt Nam Hank Tomlinson nói: “Trong tổng số hơn 2 tỉ USD vốn đầu tư vào ĐBSCL, Chevron quan tâm rất nhiều nhất đến TP Cần Thơ - đô thị trung tâm. Bởi dự án Đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, điểm tiếp nhận khí là nhà máy nhiệt điện Ô Môn. Chevron chịu trách nhiệm chính về khai thác khí ở ngoài khơi, đến năm 2014 khi dòng khí đầu tiên chạy vào đường ống thì rất cần Nhà máy để tiếp nhận dòng khí này. Do vậy, Chevron Việt Nam rất quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện công trình Nhà máy nhiệt điện tại Cần Thơ. Dự án Đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn khi hoàn thành sẽ giúp cho Cần Thơ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn vùng. Với vòng đời hơn 20 năm, dự án sẽ tạo nền tảng cho các tỉnh ĐBSCL thu hút đầu tư”. Chủ tịch Hank Tomlinson mong muốn rằng, tất cả dự án do TP Cần Thơ khởi xướng, Chevron mong được làm người đồng hành. Vì ngoài đầu tư các dự án về kinh tế, Chevron còn quan tâm đến các lĩnh vực xã hội. Hiện Chevron đang chuẩn bị đầu tư nâng cấp một điểm trường học ở Định Môn (quận Ô Môn)...

Tại buổi tiếp đoàn của Công ty TNHH Chevron Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn mong muốn sự hợp tác dài lâu giữa Cần Thơ và Chevron. Thành phố sẽ tạo điều kiện cho Chevron triển khai dự án; đồng thời các dự án mà Chevron giới thiệu doanh nghiệp đến đầu tư tại Cần Thơ cũng được quan tâm hỗ trợ. Hai năm nay, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, công suất 320MW, đã hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng phải chạy bằng dầu rất tốn kém. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho biết, nếu 5 nhà máy nhiệt điện hoạt động hết công suất vào năm 2015, Cần Thơ sẽ có thêm nguồn thu về điện khoảng 4 tỉ USD. Thành phố rất quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án (37 km đi qua Cần Thơ)... Hiện nay, các bộ ngành Trung ương và các nhà đầu tư quan tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, đây là cơ hội để Cần Thơ phát triển...

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào ĐBSCL họ quan tâm đến lợi nhuận đầu tiên. Nếu môi trường kinh doanh của địa phương tốt, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, thì DN sẽ quyết định đầu tư, chứ không phải chính sách miễn tiền thuê đất, thuế DN... Do vậy, ở Hội nghị Đầu tư và Phát triển ĐBSCL với chủ đề “Liên kết và Phát triển” lần này, nhiều địa phương đặt kỳ vọng về sự đổi mới trong chiến lược thu hút đầu tư dựa trên tương quan liên kết vùng.

THU HÀ - THÀNH NHÂN

Chia sẻ bài viết