03/05/2009 - 08:58

Phổ cập công nghệ thông tin

Cơ hội để nông dân mở mang kiến thức

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh được tập huấn về Internet.

Từ cuối năm 2008 đến nay, Hội Nông dân TP Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các lớp tập huấn cơ bản về tin học và Internet cho nông dân các quận, huyện. Đây là cơ hội cho nông dân tiếp cận công nghệ thông tin, biết cách khai thác, tìm hiểu thông tin qua mạng để hỗ trợ công việc sản xuất của mình.

Tôi gặp lại chú Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ba Láng, quận Cái Răng, trong chuyến đi công tác gần đây. Chú Khanh khoe: “Từ bữa học vi tính về, tui đánh văn bản thành thạo, rất tiện cho công việc. Tôi còn thường xuyên vô “gu-gồ” (Google-PV) tìm kiếm thông tin, hình ảnh về chăn nuôi, trồng trọt để phổ biến cho bà con. Bữa trước, tôi đọc bài về mô hình trồng nấm bào ngư. Thấy mô hình rất hay, dễ làm, giúp bà con có thêm thu nhập, nên tôi đem thông tin này phổ biến cho hội viên, tổ chức đi tham quan mô hình ở phường Thường Thạnh. Hiện giờ, một số bà con đang chuẩn bị kinh phí, nguyên vật liệu để trồng nấm bào ngư”.

Nghe chú nói, tôi cũng cảm thấy vui lây. Còn nhớ, hôm gặp chú ở lớp tập huấn tin học cho nông dân quận Cái Răng hồi tháng 3-2009, chú Khanh đánh văn bản còn lọng cọng, chưa biết cách tìm thông tin trên Internet. Sau khi học xong, chú đã ứng dụng tốt những gì học được vào công việc chung của hội. Những thông tin khai thác trên mạng giúp chú khá nhiều trong việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt của gia đình mình và phổ biến cho nhiều người khác.

Tương tự như chú Khanh, ông Đoàn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, được học qua lớp tin học ngắn ngày vào năm 2008 và ứng dụng tốt cho công việc của mình. Ông Minh cho biết: “Nhà tôi trồng 3 công nhãn và mận An Phước. Học xong, tôi truy cập thông tin trên mạng để tìm hiểu thêm cách phòng trị bệnh, bón phân, xử lý ra hoa để áp dụng. Tôi mới thu hoạch 2 công mận, được khoảng 7 tấn. Mận mùa này bán được giá cao hơn vì gần hết vụ. Đó là nhờ tôi áp dụng cách xử lý ra hoa muộn”. Điều ông Minh tâm đắc nhất là từ khi biết cách tìm kiếm thông tin trên mạng, ông phổ biến được nhiều kiến thức mới cho nông dân và nếu có ai thắc mắc vấn đề gì về nông nghiệp mà ông chưa biết hoặc không rõ, thì ông lại lên mạng tìm thông tin để giải đáp.

Hiện nay, nhu cầu học tin học của nông dân TP Cần Thơ ngày càng cao, đặc biệt là cán bộ Hội Nông dân ở các xã, phường. Ngoài mục đích khai thác, nắm bắt thêm thông tin trên mạng để nâng cao hiệu quả sản xuất, phổ biến cho nông dân, các cán bộ hội còn mong muốn học cách soạn thảo văn bản để thuận lợi trong việc lưu trữ, tìm kiếm tài liệu. Ông Ngô Văn Ngạch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, tâm sự: “Từ trước đến nay, văn bản của hội được viết bằng tay hoặc thuê đánh máy. Mỗi lần muốn tìm lại văn bản, giấy tờ, rất bất tiện. Do đó, tôi rất muốn học vi tính để phục vụ cho công việc của mình”.

Đầu tháng 4-2009, lớp tập huấn tin học cơ bản cho nông dân được tổ chức tại Bưu điện thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Học viên là cán bộ Hội nông dân, nông dân trực tiếp sản xuất, cán bộ khuyến nông xã. Lớp học do cán bộ Trung tâm Thông tin Tư liệu, Sở Khoa học Công nghệ phụ trách cùng với sự trợ giúp của một số cán bộ Hội Nông dân thành phố. Giáo trình đã được soạn sẵn và phát cho học viên, cán bộ hướng dẫn truyền đạt theo cách “cầm tay chỉ việc”, đến từng máy hướng dẫn cho từng người cụ thể. Thời gian học gói gọn trong 4 ngày. Học viên được hướng dẫn cách soạn thảo văn bản và khai thác thông tin trên Internet. Hầu hết cán bộ hội cũng như nông dân đều đã có tuổi, chưa học qua Anh văn, nên việc tiếp thu kiến thức công nghệ thông tin khá khó khăn. Thế nhưng, điều đó không làm họ chùn bước. Những mái đầu hoa râm vẫn chăm chú vào màn hình và giáo trình, những bàn tay chai sần chỉ quen với đồng áng nay mò mẫm làm quen với bàn phím, con chuột với mục đích: ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công việc của mình tốt hơn.

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng những kiến thức đã học một cách thường xuyên, sau khi lớp tập huấn kết thúc, Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập câu lạc bộ tin học nông dân của huyện. Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần tại Bưu điện xã Thạnh Mỹ. Bưu điện sẽ hỗ trợ cho các thành viên câu lạc bộ sử dụng máy mà không thu phí. Nội dung sinh hoạt gồm: nâng cao kỹ năng tin học cho hội viên, truy cập thông tin theo nhu cầu, phổ biến chính sách về nông nghiệp, pháp luật, các hội viên trao đổi thông tin với nhau... Chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch hoạt động và điều lệ của câu lạc bộ để tổ chức sinh hoạt lần đầu tiên vào tháng 5 tới”.

Sau quận Cái Răng, huyện Vĩnh Thạnh là địa phương thứ 2 mở được lớp tập huấn tin học cho nông dân trong năm 2009. Bà Hồ Quỳnh Trâm, Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Theo kế hoạch năm 2009, trung tâm phối hợp với Hội Nông dân thành phố mở 6 lớp tập huấn ở các quận: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền. Cán bộ của trung tâm trực tiếp giảng dạy, Hội Nông dân thành phố hỗ trợ tổ chức điểm dạy, huy động học viên... Kinh phí tổ chức các lớp tập huấn được trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ của thành phố. Đây là một trong những hoạt động nhằm phổ biến kiến thức khoa học công nghệ qua phương tiện Internet cho nông dân và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn”.

Ngoài các lớp tập huấn, nông dân TP Cần Thơ còn có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin nhiều hơn nữa khi đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp nông thôn” được triển khai thực hiện. Đề tài do Hội Nông dân TP Cần Thơ chủ trì, đã được Hội đồng khoa học TP Cần Thơ xét duyệt trong tháng 4-2009. Nội dung chủ yếu của đề tài là: Trang bị các bộ máy vi tính và lắp đặt hệ thống ADSL để các chi hội nông dân truy cập thông tin Internet; tập huấn cho cán bộ Hội Nông dân sử dụng máy vi tính, khai thác Internet và phổ biến thông tin đến nông dân... Các mô hình sẽ được xây dựng tại 7 xã, phường trên địa bàn thành phố. Dự kiến, đề tài sẽ thực hiện trong thời gian 1 năm.

Cơ hội rộng mở, những “Hai lúa” ngày càng được mở mang kiến thức khi có thêm kênh thông tin mới là Internet. Đây là cơ hội góp phần thu hẹp khoảng cách về thông tin giữa thành thị và nông thôn.

Tin, ảnh: LỆ THU

 

Chia sẻ bài viết