01/07/2008 - 08:05

Cô gái khuyết tật và tấm bằng thạc sĩ

Hơn 30 năm trước, khi Huỳnh Ngọc Hồng Nhung mới mười tháng tuổi, một cơn sốt ác tính đã ập đến cướp mất đôi chân lành lặn của em. Mặc dù gia đình tận tình chăm sóc, yêu thương nhưng cũng không thể bù đắp được sự mất mát quá lớn mà Nhung phải chịu đựng. Những tưởng số phận nghiệt ngã sẽ vùi chôn tất cả những ước mơ bình dị của cô bé. Nhưng không, chính Nhung đã vượt lên số phận… Hơn 30 năm sau (ngày 22-5-2008), tại Thái Lan, Huỳnh Ngọc Hồng Nhung nhận bằng thạc sĩ về Nghiên cứu phát triển Vùng và Nông thôn “Master of Science in Rural and Regional Development Planning”.

* Nghiệt ngã... vẫn mỉm cười

Huỳnh Ngọc Hồng Nhung sau khi du học từ Thái Lan trở về.  

Huỳnh Ngọc Hồng Nhung sinh ngày 6-2-1977 tại Bạc Liêu. Tuy đôi chân tật nguyền nhưng càng lớn lên Nhung càng kháu khỉnh và bộc lộ nhiều tư chất thông minh. Mỗi lần nhìn bạn bè cắp sách đến trường, Nhung khao khát được đến lớp như các bạn. Thấy con ham học, mẹ Nhung rất vui mừng. Hằng ngày, mẹ cõng Nhung đến lớp và chứa chan hy vọng con mình sẽ trở thành con ngoan trò giỏi như bao đứa trẻ khác.

Suốt thời gian học từ cấp một đến cấp ba, Nhung phải đi bằng đôi nạng gỗ, nếu không thì phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hoặc bạn bè tốt bụng. Vậy mà, cô bé phải năm lần bảy lượt chuyển trường từ Bạc Liêu về Sóc Trăng rồi từ Sóc Trăng về Cần Thơ, vì công việc làm ăn của mẹ luôn rày đây mai đó. Nhưng dù cuộc sống có khó khăn, nghiệt ngã đến đâu Hồng Nhung cũng không bỏ cuộc. Nhung tự nhủ: “Mọi thứ đều khó khăn và thiếu thốn nhưng nếu như mình không tự lực, không mỉm cười với nó thì ai sẽ mỉm cười với mình?”

Bằng nghị lực phi thường, Hồng Nhung đã vượt qua mặc cảm tật nguyền và biết bao trở lực để phấn đấu học tập, vươn lên trong cuộc sống. Năm 1996, Nhung tốt nghiệp THPT và bắt đầu bước vào ngưỡng cửa Đại học Cần Thơ. Với Nhung, đây là đỉnh cao mà cô đã ấp ủ vươn tới từ lâu. Cô kỳ vọng sau này sẽ mang kiến thức trở về quê nhà giúp cho những đứa trẻ nghèo khuyết tật có cùng cảnh ngộ như mình. Còn mơ ước của mẹ Nhung là mong sao cho con mình tìm được việc làm để sau này có thể tự nuôi lấy bản thân. Lúc nào mẹ Nhung cũng tần tảo làm việc, lo cho Nhung mọi thứ để con yên tâm học hành.

Thời gian sống ở ký túc xá đại học, mọi sinh hoạt như: nấu ăn, giặt giũ... Nhung đều tự làm lấy. Để quen dần với cuộc sống mới khi không có mẹ bên cạnh, Nhung đã phải khổ luyện lắm. Nhưng lúc nào cô cũng tỏ vẻ lạc quan, vui vẻ và tự tin hướng về tương lai với niềm khát khao sẽ tìm được một việc làm ổn định bằng khả năng của mình.

Niềm mơ ước của Nhung thật hết sức bình dị và nhỏ bé, vậy mà... Sau khi lấy bằng Cử nhân Anh văn vào năm 2000, Nhung nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng chẳng bao giờ nhận được hồi âm. Mỗi lần đọc báo, nghe đài, hễ thấy nơi nào có nhu cầu tuyển dụng là Nhung tìm đến ngay, nhưng bao lần tiếp xúc với các thủ trưởng cơ quan là bấy nhiêu lần nhận được những cái lắc đầu. Thời gian dằng dặc trôi đi, đã có những lúc Nhung cảm thấy chán nản và mỏi mòn vì bao nhiêu hy vọng như sắp tan thành mây khói...

* Vượt lên số phận

Không đầu hàng số phận, một năm sau Nhung lại tiếp tục thi vào Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, học ngành Tài chánh-Kế toán để mở rộng thêm kiến thức và hy vọng sẽ đóng góp cho các hoạt động kinh tế sau này.

Cũng trong thời gian này, Nhung tham gia Câu lạc bộ Người khuyết tật TP Cần Thơ, nơi được coi là mái ấm của những người khuyết tật. Chính nơi đây đã giúp cho Nhung có dịp gần gũi với những người đồng cảnh ngộ để cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Nhờ có năng lực và tính tình cởi mở, thẳng thắn, Nhung đã được bạn bè bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật, nay là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ. Trong quá trình tham gia sinh hoạt, Nhung được coi là chiếc cầu nối để quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người khuyết tật làm ra và ngày càng phát huy được năng lực quản lý của mình.

Giữa lúc hoạt động của Câu lạc bộ đang diễn ra tốt đẹp thì Nhung vinh dự nhận được học bổng của Ford Foundation cho đi học tại Viện Công nghệ Châu Á (Asian Institute of Technology - viết tắt là AIT), nơi đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành phát triển vùng và nông thôn (Thái Lan). Chị Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, cho biết: Ford Foundation là một nhà tài trợ rất khó tính. Muốn tham dự chương trình này, trước hết học viên phải có bằng Đại học, bằng TOEFL và có ba năm phục vụ trong ngành, đặc biệt là phải có giấy giới thiệu của các ngành liên quan. Hồng Nhung hân hạnh được tuyển chọn lần này là nhờ sự nỗ lực tự thân và tinh thần quan tâm giúp đỡ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Câu lạc bộ Người khuyết tật TP Cần Thơ.

Trong suốt quá trình học tập tại Bangkok (Thái Lan) và qua Mỹ trong chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tại đại học Arkansas, mặc dù sống nơi đất khách quê người, lại là người khuyết tật duy nhất trong lớp, nhưng Nhung lúc nào cũng say mê học hỏi nên được nhiều bạn bè thế giới và các giáo sư tại AIT quý mến, coi Nhung như một biểu trưng về tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Tiến sĩ Schmidt Votg, giáo sư giảng dạy tại AIT, từng nhận xét: “Nhung là một trong những sinh viên Việt Nam có nhiều ấn tượng nhất đối với tôi về tinh thần vượt khó”.

Nhớ lại buổi lễ phát bằng (ngày 22-5-2008) tại Thái Lan, Nhung đã không nén được xúc động: “Lúc đó, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ về Nghiên cứu phát triển Vùng và Nông thôn “Master of Science in Rural and Regional Development Planning” mà lòng dạt dào hướng về Việt Nam với ước vọng mai này sẽ được đóng góp thật nhiều cho những người khuyết tật”.

Tấm bằng thạc sĩ cao quý và đầy ý nghĩa trên là do chính mồ hôi, công sức và trí tuệ của Hồng Nhung tạo dựng, nuôi dưỡng và chắt chiu trong suốt một chặng đời đầy nghiệt ngã nhưng cũng rất vẻ vang và tự hào. Trong đó còn có một phần nước mắt của người mẹ hiền và ân tình của biết bao bạn bè, thầy cô đã dành cho Nhung, đặc biệt là chị Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, người đã nối nhịp cầu và chắp cánh cho những người khuyết tật vươn lên hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Bài, ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết