04/04/2019 - 09:10

Vĩnh Thạnh

Chuyển đổi vị trí công tác công chức cấp xã 

Nhiều năm qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã, nhằm ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu của đội ngũ này trong quá trình thực thi công vụ… Các công chức cấp xã được chuyển đổi đến vị trí công tác mới đã bắt nhịp với công việc, quản lý chặt địa bàn và phát huy được sở trường, chuyên môn nghiệp vụ của mình.

Nguyễn Văn Sơn, Công chức Địa chính - Xây dựng của UBND xã Thạnh Quới đang tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hôm chúng tôi đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã Thạnh Quới, anh Nguyễn Văn Sơn, công chức Địa chính - Xây dựng của UBND xã đang tư vấn, giải thích quy định pháp luật cho bà Đoàn Thị Hồng Điệp, người dân địa phương có yêu cầu xác nhận chỗ ở hợp pháp. Bà Điệp trình bày: "Tôi có phần đất nằm cặp sông Cái Sắn và tuyến quốc lộ 80, được UBND huyện Vĩnh Thạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên phần đất này, tôi đã cất một căn nhà ở ổn định. Nay, tôi đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND xã để làm thủ tục xác nhận chỗ ở hợp pháp, bổ sung hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký thường trú. Tuy nhiên, yêu cầu của tôi không được xem xét, giải quyết". Lý giải về trường hợp này, anh Sơn cho biết: "Do phần đất trên nằm trong hành lang lộ giới và hành lang an toàn đường sông nên theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18-4-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, trường hợp này, chúng tôi sẽ từ chối việc xem xét, giải quyết yêu cầu về việc xác nhận chỗ ở hợp pháp của công dân". Qua giải thích của anh Sơn, bà Điệp cảm thấy khá hài lòng trước thái độ phục vụ của anh.

Năm 2017, anh Nguyễn Văn Sơn, công chức Địa chính- Xây dựng của UBND cấp xã, được UBND huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định chuyển đổi vị trí công tác từ UBND thị trấn Vĩnh Thạnh về UBND xã Thạnh Quới. Đến nay, anh đã bắt nhịp tốt, phát huy sở trường của mình. Anh Sơn cho biết: "Khi mới chuyển đổi vị trí việc làm, tôi gặp một số khó khăn như: địa bàn, tình hình dân cư hoàn toàn mới… Khắc phục khó khăn này, ngoài giờ làm việc, tôi đến địa bàn dân cư, tạo mối quan hệ với các Trưởng ấp. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên liên hệ với công chức Địa chính - Xây dựng của xã trước đó, để nắm bắt thông tin về việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, nhất là đối với các trường hợp có nghi vấn".

Tương tự anh Sơn, trước đây, chị Nguyễn Thị Kim Liên là công chức Tư pháp- Hộ tịch của UBND thị trấn Thạnh An, nay được chuyển đổi vị trí công tác về xã Thạnh Quới, đã bắt nhịp với công việc ở môi trường làm việc mới. Chị Liên chia sẻ: "Môi trường làm việc mới có một số khó khăn. Song, đây là dịp rèn luyện bản thân nên tôi có động lực, hào hứng thực hiện nhiệm vụ, khẳng định mình. Ngoài giờ làm việc, tôi thường đi cơ sở gặp gỡ người dân để nắm tình, nhằm tham mưu đúng cho lãnh đạo xã giải quyết thấu đáo từng vụ việc".

Theo ông Trần Chí Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, thời gian qua, ở xã có 2 công chức, gồm: Tư pháp - Hộ tịch, Địa chính - Xây dựng thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác. Đến nay, các công chức được chuyển đổi vị trí công tác này nhanh chóng nắm bắt công việc, luôn cố gắng thể hiện khả năng trên lĩnh vực công tác mới...

Những năm qua, đội ngũ công chức cấp xã trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, một số người làm việc lâu năm ở một vị trí, phong cách chậm đổi mới… Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ xây dựng Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác các chức danh: Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với thị trấn), Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã), công chức Tư pháp - Hộ tịch, Tài chính - Kế toán. Việc chuyển đổi vị trí, nhiệm vụ công tác của công chức từ đơn vị này sang đơn vị khác có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm được thực hiện bằng quyết định điều động của Chủ tịch UBND huyện. Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 2 năm (đủ 24 tháng) đến 5 năm (đủ 60 tháng) đối với công chức các xã, thị trấn có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước và có liên quan trực tiếp đến việc tiếp xúc và giải quyết công việc với tổ chức và công dân tại cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Hiện nay, toàn huyện Vĩnh Thạnh có 229 cán bộ, công chức ở xã, thị trấn; trong đó, 5 người có trình độ chuyên môn sau đại học; 92 người có trình độ chuyên môn đại học; 12 người có trình độ chuyên môn cao đẳng… Năm 2018, huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 8 công chức cấp xã. Ông Đoàn Việt Đức, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Hầu hết công chức được chuyển đổi vị trí công tác thể hiện tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm, năng động, dám nghĩ, dám làm, cùng tập thể cấp ủy, chính quyền tạo dựng mối đoàn kết, nhất trí cao, làm chuyển biến tích cực công tác chuyên môn ở cơ sở. Nhiều địa phương đã từng bước điều chỉnh, bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách. Công chức vững chuyên môn tiếp tục phát huy năng lực, chất lượng tham mưu, giúp lãnh đạo địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ở cơ sở".

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết