20/11/2012 - 21:18

Chủ động xuống giống vụ lúa đông xuân

Mực nước lũ năm 2012 thấp, nên một số vùng sản xuất lúa đảm bảo được điều kiện tháo nước, bơm tát của Đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị xuống giống lúa vụ đông xuân 2012-2013. Tại tỉnh Tiền Giang những ngày này, nông dân trồng lúa đang tất bật cày ải, phơi đất, bơm nước trên đồng để chuẩn bị mùa vụ mới.

Đảm bảo đủ giống tốt

Theo kinh nghiệm sản xuất của nhiều nông dân vùng lũ, lũ năm nay ít, lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng không nhiều, tạp chất vẫn còn tồn tại trong môi trường. Do vậy, nông dân trồng lúa đã chủ động hơn trong khâu chọn giống cho vụ lúa đông xuân. Gia đình ông Huỳnh Văn Năm, ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) canh tác 1,2 ha đất lúa; gia đình ông đã chuẩn bị xong nguồn lúa giống và đang kiểm tra độ ẩm móc, tỷ lệ hạt lép trong giống để chờ ngày gieo sạ. Ông Năm cho biết, còn khoảng 2 tuần nữa mới xuống giống, ông chọn giống OM 4218 xác nhận tại Trại giống huyện Cái Bè, vì giống có chất lượng gạo tốt, năng suất cao, giá bán nhỉnh hơn lúa IR 50404. Ngoài ra, giống lúa này có khả năng chống chọi với sâu bệnh tương đối tốt.

Nông dân cần làm đất kỹ trước khi
gieo sạ để hạn chế dịch hại.  

Bà Nguyễn Thị Đông Thúy, Trưởng trạm Giống huyện Cái Bè cho biết, để cung ứng cho vụ lúa đông xuân, Trạm Giống huyện Cái Bè đã chuẩn bị 400 tấn lúa giống. Thời điểm này, trạm đã bán hết 250 tấn, còn 150 tấn để cung ứng và dự trữ, giá giống lúa không biến động nhiều so với vụ đông xuân năm rồi. Hiện giống lúa IR 50404 nguyên chủng có giá 14.000 đồng/kg, xác nhận 12.000 đồng/kg; OM 4900 nguyên chủng có giá 14.500 đồng/kg. "Trại giống chúng tôi bán rất chạy giống lúa thơm nhẹ OM 4900 nhưng lại bị động giống lúa thơm Jasmine" -bà Thúy nói. Theo các điểm cung ứng lúa giống ở lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, do nông dân có sự chuẩn bị từ trước, nên nguồn giống không thiếu. Hiện trong kho của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và cung ứng lúa giống ở Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy chỉ còn vài tấn lúa giống. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ nhiệm HTX cho biết, HTX chuẩn bị 50-70 tấn lúa giống, nhưng giờ chỉ còn vài tấn thôi. Các loại lúa giống tiêu thụ mạnh như: IR 50404, OM 4900, OM 6976, OM 5451. Mạnh nhất vẫn là giống IR 50404 và OM 4900. Theo ông Đức, khả năng thiếu giống lúa gieo sạ rất ít.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã cung ứng cho nông dân 1.300 tấn lúa giống và hiện tại còn tồn khoảng 500 tấn. Với lượng lúa này, Trung tâm đảm bảo cung ứng đầy đủ giống lúa theo nhu cầu của nông dân trong vụ đông xuân tới. "Hiện trung tâm sản xuất 16 giống triển vọng, trong đó có nhiều giống đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Một số giống lúa tiêu thụ mạnh là: OM 4900, OM 6161, OM 7347, VD 20… Ngoài ra, một số giống ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao như: OM 5451, OM 6976… Trung tâm còn 500 tấn lúa giống tại các kho để tiếp tục cung ứng và phòng hờ thời tiết bất lợi làm chết giống trong vụ lúa đông xuân. Trung tâm cũng đang chuẩn bị nhập thêm 200 tấn lúa giống nữa"- ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang nói.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Vụ lúa đông xuân quyết định rất lớn sản lượng lúa cả năm của tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, trong vụ lúa đông xuân 2012-2013, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 78.900 ha. Các huyện Cái Bè, Cai Lậy và một phần huyện Châu Thành, huyện Tân Phước sẽ tập trung xuống giống từ ngày 18 đến 28-11-2012. Một phần huyện Tân Phước, phần còn lại của huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công và Gò Công Đông dự kiến xuống giống tập trung từ ngày 25-11 đến 15-12-2012. Cơ cấu giống được bố trí theo tỷ lệ 70% giống lúa chất lượng cao, xuất khẩu; giống chất lượng trung bình 20% và giống lúa khác 10%. Giống lúa được ngành nông nghiệp khuyến cáo là: OM 4900, OM 6162, OM 4218, Jasmine 85, VD 20, IR 50404...

Để đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Căn cứ diễn biến rầy nâu, kết hợp với chế độ thủy văn để dự kiến lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân 2012-2013 đảm bảo né rầy và hạn chế chi phí bơm tát, ngập úng đầu vụ. Các địa phương cần theo dõi tình hình rầy vào đèn tại mỗi địa phương, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương, khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng", không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau. Nông dân cần chú ý tu sửa thật kỹ bờ bao sau khi lũ rút để thực hiện tốt giải pháp né rầy khi cần thiết, đưa nước vào ruộng để che chắn lúa non không để bị rầy di trú chích hút, truyền bệnh". Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân phải áp dụng qui trình thâm canh tổng hợp nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Nông dân trồng lúa nên gieo sạ bằng công cụ sạ hàng hoặc sạ thưa, lượng giống từ 80-100 kg/ha (giống xác nhận hoặc nguyên chủng) để tiết kiệm hạt giống, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại. Áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", mô hình "Sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa", chương trình "Cùng nông dân ra đồng", nhân rộng mô hình nấm xanh…

Tuân thủ những khuyến cáo về thời vụ mà Bộ NN&PTNT đưa ra, lựa chọn giống lúa tốt, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất sẽ là yếu tố cần thiết và quyết định thắng lợi cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nông dân phải vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho vụ lúa đông xuân. Khi gieo sạ thì thường xuyên thăm đồng để phòng trừ các loại dịch hại. Sử dụng những giống lúa chất lượng cao, giống cấp xác nhận để hạn chế sâu bệnh… Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung nhiều hình thức chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, chủ động nguồn lúa giống tại chỗ, đưa cơ giới hóa đồng ruộng, giám sát dịch bệnh trên lúa để đảm bảo vụ lúa đông xuân đạt kết quả cao.

Bài, ảnh: Khải Ca

Chia sẻ bài viết