12/08/2018 - 18:10

Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19

Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững ​ 

(TTXVN)- Ngày 12-8, tại Hà Nội, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 đã diễn ra với chủ đề “Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững”. Được tổ chức hai năm một lần trước thềm Hội nghị Ngoại giao, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 có sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan ngoại vụ của 63 tỉnh, thành trong toàn quốc cùng Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ năm từ trái sang) và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: LÂM KHÁNH  (TTXVN)

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: Cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, hội nhập phải đi vào chiều sâu… Hội nhập quốc tế phải đi liền với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ Ngoại giao và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đồng hành cùng địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương. Trong đó có giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, kết nối mở rộng thị trường, thẩm định đối tác và hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại trong bối cảnh đất nước tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tiếp đó là hỗ trợ địa phương triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa, thông qua tuyên truyền đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu địa phương; phối hợp làm tốt công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, ngư dân, tàu cá và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt thu hút nguồn lực trí thức, chuyên gia người địa phương ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển khoa học, công nghệ của đất nước nói chung và địa phương nói riêng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Địa phương cần đặt hàng cụ thể cho Bộ Ngoại giao, trực tiếp cho các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đề nghị các Đại sứ tư vấn về ngành, nghề, thị trường cho “đúng đối tác, đúng ngành”, giúp các địa phương rút ngắn thời gian, nắm thông tin chất lượng, đáng tin cậy. Các cơ quan ngoại vụ địa phương cần nâng tầm tham gia, đóng góp về công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách, phát huy tốt hơn nữa “vai trò đầu mối” “trái tim hội nhập” tại địa phương trong nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và kịp thời  đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế và khu vực.

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2016-2018 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2018-2020,  Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long cho biết: Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã ký 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016. Nhìn chung, các thỏa thuận quốc tế đã ký kết đang đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của các địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung, phù hợp với chủ trương lớn về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Về kinh tế đối ngoại, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2016 và năm 2017 tăng trưởng mạnh, đạt 775 tỉ USD, tăng 23,8% so với giai đoạn 2014-2016 (đạt 626 tỉ USD).  Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong hai năm qua tăng 34,92%, đạt 60,28 tỉ  USD so với 44,67 tỉ USD giai đoạn trước. Trong 2 năm, vận động và quản lý viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đạt khoảng 300 triệu USD, tương đương so với giai đoạn trước, đóng góp đáng kể vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương.

Trong các phiên thảo luận, đại biểu nêu ý kiến tập trung vào các nội dung: Công tác đối ngoại phục vụ phát triển của địa phương; công tác chuyên môn và kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ngoại vụ địa phương; công tác khen thưởng đối với địa phương.

Chia sẻ bài viết