10/03/2016 - 21:11

CHỌN TẠO GIỐNG LÚA THÍCH ỨNG VỚI HẠN MẶN

Chọn giống lúa tốt, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác, sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý... là những giải pháp quan trọng để góp phần làm gia tăng năng suất, sản lượng lúa. Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân 2015-2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn, mặn và đe dọa đến vụ lúa hè thu sắp tới. Diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các nhà khoa học là phải chọn tạo những giống lúa mới chống chịu, có tính thích nghi cao với hạn, mặn và được thị trường chấp nhận.

Yêu cầu cấp thiết

Hạn, mặn diễn ra gay gắt ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân vùng ĐBSCL là vấn đề nóng hiện nay. Tại Hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2015-2016 của Viện Lúa ĐBSCL, các Trung tâm giống, Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống và các địa phương đều quan tâm đến những giống mới có tính năng chống chịu với hạn, mặn trước tình hình hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở các địa phương. Ông Nguyễn Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Mùa khô năm nay, những địa bàn trước đây chưa bị mặn xâm nhập như huyện Kế Sách và huyện Châu Thành cũng đã bị nhiễm mặn và độ mặn có thời điểm lên đến 7%0. Để ứng phó với hạn, mặn, ngoài những giải pháp về thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm đến 2 giải pháp chính là chọn giống lúa có khả năng chịu mặn từ 2%0 trở lên để đưa vào sản xuất và căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng của từng khu vực để bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp.

Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu các giống lúa mới triển vọng đến các địa phương, trong đó có nhiều giống chịu mặn tốt.

Mặn xuất hiện sớm ở ĐBSCL, xâm nhập sâu vào nội đồng và kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Và điều đáng lo ngại là ở những địa bàn có nước ngọt quanh năm, thuận lợi cho sản xuất lúa 3 vụ thì nay đã bắt đầu bị mặn xâm nhập. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: Mùa khô năm 2016, Vũng Liêm, Trà Ôn và Măng Thít là các huyện bị khô hạn và nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến lúa đông xuân và một số diện tích trồng cây ăn trái. Hiện nay, đã có các giống lúa có khả năng chống chịu mặn từ 3-4%0 song khả năng chịu mặn của cây lúa chủ yếu tập trung ở giai đoạn mạ là chính. Do đó, các giống lúa chịu mặn cần được bổ sung thêm khả năng chịu mặn ở cả giai đoạn mạ lẫn giai đoạn trổ đòng để kịp thời thích ứng khi mặn xâm nhập bất thường.

Theo các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, muốn có giống lúa mới đưa vào sản xuất phải trải qua nhiều giai đoạn như lai tạo, chọn dòng thuần, so sánh sơ khởi, đánh giá hậu kỳ và khảo nghiệm tính thích ứng để chọn ra các giống có đặc tính vượt trội so với các giống trước đó và được gọi là giống triển vọng. Tại hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2015-2016, Viện Lúa giới thiệu 18 giống lúa được nhân giống trình diễn để chọn ra những giống lúa mới triển vọng ngắn ngày, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, chống chịu sâu bệnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất ở vùng ĐBSCL. Trong đó, có một số giống chống chịu mặn tốt từ 4-5%0 như OM 108, OM 284, giống lúa chịu mặn từ 3-4%0 như OM 359, OM 232, OM 9921... Các giống lúa này sẽ tiếp tục được trồng khảo nghiệm tại các địa phương để xác định khả năng thích nghi ở những vùng sinh thái khác nhau.

Nhiều giải pháp thích ứng

Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, các giống lúa mới đưa vào sản xuất hiện nay có những ưu điểm vượt trội, thích nghi được với các điều kiện bất lợi của thời tiết như khô hạn, phèn, mặn... Trong trường hợp không chống chịu được với thời tiết bất lợi thì có thể áp dụng cơ cấu mùa vụ linh hoạt cho từng vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp. Theo Tiến sĩ Đỗ Khắc Thịnh (Công ty cổ phần Giống Cây trồng Miền Nam), đối với một số tỉnh ven biển, ngoài việc chọn giống lúa ngắn ngày có thể nghiên cứu chọn những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, các giống lúa cực sớm có khả năng né mặn xâm nhập. Với yêu cầu xuất khẩu, ở ĐBSCL đã có những giống lúa vừa có dạng hình đẹp, năng suất cao, hạt dài, mềm cơm. Các giống lúa này cần được tiếp tục cải tiến, nâng cao khả năng chống chịu với sâu rầy, đạo ôn nhằm hạn chế cho nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất.

Sản xuất lúa tại ĐBSCL đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố bất lợi, do đó, nông dân cần được cung cấp thông tin kịp thời từ cơ quan chuyên môn để nâng cao kỹ thuật canh tác, hạn chế tối đa thiệt hại, giảm chi phí sản xuất. Theo Tiến sĩ Vũ Anh Pháp, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), nguồn giống lúa đa dạng được nghiên cứu, chọn tạo đưa vào sản xuất sẽ giúp nông dân chọn được những giống phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, thích ứng với các yếu tố bất lợi của thời tiết. Trong quá trình canh tác, nông dân cần dựa vào những đặc tính của giống và phải kết hợp với kỹ thuật canh tác, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm nhằm tăng sức đề kháng cho cây lúa, giúp cây lúa chống chịu tốt hơn với những điều kiện bất lợi như hạn, mặn.

Lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo, đưa vào sản xuất những giống lúa mới có khả năng chống chịu những điều kiện bất lợi của thời tiết hoặc các giống ngắn ngày để đảm bảo phù hợp với thời vụ xuống giống của các địa phương trong vùng. Theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Khoa học kỹ thuật (Viện Lúa ĐBSCL), căn cứ vào khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Viện Lúa tổ chức sản xuất các giống lúa đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn, dịch hại... Viện cũng có một số giống chịu phèn, mặn tốt như AS 996, OM 2395, OM 2517, OM 6677, OM 9921, OM 576, OM 6976... để các địa phương có thể khuyến cáo đưa vào sản xuất.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết