15/01/2013 - 22:01

Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Cho ý kiến về một số dự án Luật

(TTXVN)- Sáng 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Đầu phiên họp sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.

Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT), Ban soạn thảo thống nhất với tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như Tờ trình của Chính phủ và nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị. Tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai; đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tên gọi trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Chủ nhiệm Trương Thị Mai khẳng định rằng không thể "chống" lại thiên nhiên nên ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tên gọi của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi phân tích thiên tai xảy ra theo quy luật của tự nhiên, con người phải thích ứng với thiên nhiên, chứ không "chống" lại được thiên nhiên. Hơn nữa đại biểu cho rằng tên gọi như đề xuất của Ban soạn thảo có thể ảnh hưởng tới ứng xử của con người với thiên tai.

Giải trình thêm về nội dung này, Ban soạn thảo phân tích từ "chống" ở đây cần được hiểu theo hướng tích cực, đó là trên cơ sở hiểu tự nhiên để có biện pháp "chống" cho hiệu quả chứ không "tránh" được.

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật có nên điều chỉnh vấn đề tái thiết sau thiên tai hay không? Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng không nên quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phân tích "tái thiết sau thiên tai" cũng thuộc phạm trù khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng có nội hàm rộng, việc tái thiết là hoạt động lâu dài và liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác như quy định về quy hoạch, quy hoạch đô thị, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường... Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Do vậy, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đến hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, còn quy mô, mức độ khắc phục sẽ phụ thuộc vào năng lực, điều kiện cụ thể của Trung ương và từng địa phương.

Về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, tránh thiên tai, nhiều ý kiến cho rằng , không nên quy định trong Luật vai trò chủ lực của lực lượng vũ trang nhân dân vì chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này là bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chủ nhiệm Trương Thị Mai băn khoăn bởi nếu quy định như vậy là không thích hợp, nhưng nếu quy định lực lượng vũ trang chỉ tham gia vào hoạt động này thì cũng không thể hiện được hết vai trò của lực lượng quan trọng này. Vì thế nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để thể hiện trong dự thảo luật hợp lý, chính xác về vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong hoạt động phòng, tránh thiên tai. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề cao vai trò của lực lượng tại chỗ và đề nghị cần thể hiện rõ, làm nổi bật vai trò của lực lượng này trong phòng, tránh thiên tai...

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận về dự án Luật khoa học và công nghệ (KH&CN) (sửa đổi).

Chiều 15-1, tiếp tục phiên họp thứ 14, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự kiến dự thảo luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Xung quanh việc áp dụng bảng giá đất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án. Loại ý kiến thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng nên quy định: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp còn lại như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện. Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ hai như phương án 2 trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý lại chưa thực sự yên tâm về cả hai phương án đưa ra. Theo ông Phan Trung Lý, khi đất đai là chủ sở hữu toàn dân thì Nhà nước phải chủ động trong quản lý thị trường này do đó không thể để xảy ra tình trạng Nhà nước phải chạy theo thị trường. Nếu thực hiện như phương án một sẽ xảy ra hiện tượng Nhà nước chạy theo thị trường đất, cứ 60 ngày lại phải điều chỉnh một lần sẽ rất vất vả. Còn quy định ở phương án hai thì quá cứng nhắc, 5 năm mới thay đổi một lần lại quá lâu. Vì vậy, cần đưa ra phương án tối ưu hơn - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên quy định giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được thực hiện từ ngày 1-2-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.

Chia sẻ bài viết