29/07/2008 - 08:21

Phiên họp thứ mười của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến vào Dự án Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển

* Nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự

Sáng 28-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và việc buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển.

Trình bày về sự cần thiết của việc ban hành Dự án Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Đặng Quang Phương cho biết, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam mới được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2007 thay thế Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 1990 có nhiều quy định mới về bắt giữ tàu biển. Đặc biệt là quy định cho phép Tòa án quyết định bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải. Để thi hành được các quy định của Bộ luật Hàng hải về bắt giữ tàu biển cần phải có trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển cụ thể... Vì vậy việc ban hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển nhằm đảm bảo giải quyết các khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để thi hành án và thực hiện ủy thác tư pháp về bắt giữ tàu biển là việc hết sức cần thiết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba, về cơ bản, phạm vi điều chỉnh của dự thảo pháp lệnh đã bao quát được các vấn đề cần phải được cụ thể hóa theo yêu cầu của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, pháp luật tố tụng dân sự, thi hành án dân sự và tương trợ tư pháp quốc tế về dân sự. Dự thảo Pháp lệnh quy định về bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài một mặt vừa bảo đảm cụ thể hóa quy định của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, đồng thời cũng bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Góp ý kiến vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Pháp lệnh, hầu hết các Ủy viên Ủy ban đều cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng giải quyết những trường hợp cụ thể, bởi thực tiễn yêu cầu bắt giữ tàu biển không chỉ giới hạn ở phạm vi bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải như Bộ luật Hàng hải quy định mà vẫn có những yêu cầu bắt giữ tàu biển vì các mục đích khác, các vấn đề này lại chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Luật tương trợ Tư pháp.

Liên quan đến việc ủy thác tư pháp bắt giữ tàu biển, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba bày tỏ quan điểm: Để Tòa án Việt Nam thực hiện đúng các trình tự, thủ tục ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển thì cần quy định trong Pháp lệnh nội dung ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam cho Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển và chỉ cần có những quy định chung mang tính nguyên tắc.

* Chiều 28-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án dân sự. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến xung quanh các nội dung về xã hội hóa hoạt động thi hành án; tổ chức thi hành án dân sự; ngạch và tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên; thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm....

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tán thành với chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án, một chủ trương lớn đã được khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần nghiên cứu, xem xét chỉ xã hội hóa một số vấn đề trong thi hành án dân sự.

Đại biểu Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá vấn đề xã hội hóa ghi trong dự thảo Luật chưa cụ thể xã hội hóa nội dung gì. Nếu hiểu xã hội hóa là việc cho cá nhân tham gia vào việc thi hành án thì áp dụng như hiện nay là không ổn. Đại biểu chỉ ra như việc tổ chức cưỡng chế thi hành án nếu không quy định rõ ràng thì trước đây đã có hiện tượng các công ty đòi nợ thuê, sử dụng “luật rừng”, sau đó chúng ta đã phải xét xử những công ty này. Từ đó đại biểu khẳng định chưa nên đặt vấn đề xã hội hóa trong dự thảo Luật.

Về nội dung này, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự là vấn đề hoàn toàn mới, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định phải làm thí điểm, sau đó tổng kết, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm rồi mới bổ sung vào Luật. Đến nay, việc tổ chức thí điểm chưa được triển khai, nên chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá và áp dụng, nên đề nghị không quy định về xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự trong dự thảo Luật.

Vấn đề mô hình tổ chức thi hành án dân sự như thế nào để hợp lý nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Đại biểu Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, mô hình tổ chức thi hành án dân sự mà theo hệ thống dọc, không gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương thì sẽ không thể hiệu quả được.

Vấn đề này, Ủy ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tổ chức cơ quan thi hành án dân sự theo hệ thống dọc vì mô hình này về cơ bản giữ nguyên hệ thống cơ quan thi hành án dân sự như hiện hành, bảo đảm kế thừa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời không làm xáo trộn về hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án dân sự. Việc Bộ Tư pháp quản lý thống nhất tổ chức và nghiệp vụ thi hành án dân sự giúp cho việc hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật được thống nhất trong phạm vi cả nước... Việc tổ chức cơ quan thi hành án dân sự theo hệ thống dọc và quy định tên gọi của cơ quan thi hành án dân sự là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

BÍCH THỦY – QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết