06/10/2013 - 09:53

Chợ tro nổi Trà Thôn

Gắn liền với sông nước Nam bộ, chợ nổi trên sông là nét văn hóa đặc trưng vùng miền. Chợ nổi là nơi  trao đổi, mua bán nhiều loại hàng hóa với những chiếc ghe, chiếc xuồng bồng bềnh trên mặt nước, dễ dàng di chuyển. ĐBSCL nổi tiếng với những chợ nổi có quy mô lớn như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Long Xuyên (An Giang)... Ở huyện cù lao Chợ Mới (An Giang) có một chợ nổi chỉ buôn bán một thứ hàng hóa khá đặc biệt: tro. Đó là chợ tro nổi Trà Thôn.

Huyện Chợ Mới là một trong bốn huyện cù lao của tỉnh An Giang, được sông Tiền, sông Hậu bao bọc và bồi đắp phù sa nên đất đai ở đây màu mỡ, thích hợp với việc trồng hoa màu. Vì thế, Chợ Mới luôn là địa phương dẫn đầu An Giang về cung cấp hoa màu cho thị trường trong và ngoài tỉnh, có khi xuất sang Campuchia. Huyện cù lao này từ  xưa đã nổi tiếng với câu lục bát: Chiều chiều quạ nói với diều - Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm; và đã đi vào lời ca, làm say đắm lòng người: "Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi? Mà ai cũng bảo rằng: Chợ Mới quê hương! Ở nơi đó, tôi có một người thương. Cứ chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo..." (Chợ Mới - Trọng Nguyễn).

     Chợ tro nổi Trà Thôn. 

Ði từ Long Xuyên, qua phà An Hòa, rẽ trái chạy thẳng là đường về Chợ Mới, nơi có chợ tro nổi Trà Thôn. Hai bên đường nhà cửa lưa thưa, sau những ngôi nhà là cánh đồng rộng lớn. Ðồng rộng nhưng ít lúa, mà nhiều loại hoa màu khác nhau như hành, bắp cải, cải xanh, khổ qua, bắp, khoai môn... Làm rẫy thường cực hơn trồng lúa, phải thường xuyên tưới tiêu, thăm nom xem có bị sâu bọ hay không, để điều trị kịp thời, nhưng bù lại, nếu trúng mùa và được giá thì làm rẫy cho thu nhập cao hơn trồng lúa  nhiều lần. Thấy tôi hỏi đường về xóm tro Trà Thôn, anh Nguyễn Văn Mãi ở ấp Long Hòa, xã Long Ðiền B, hướng dẫn rất rành mạch: "Lên giữa cầu Trà Thôn  thì dừng lại, nhìn xuống dòng kinh, thấy tấp nập ghe xuồng, là "chợ nổi" ở xóm tro Trà Thôn". Nghe anh Mãi mô tả rồi mà đến nơi, tôi vẫn cứ ngỡ ngàng trước một khúc kinh đầy ắp ghe xuồng, đang đong tro nhộn nhịp, lắm bụi bặm.

Kinh Trà Thôn nối liền sông Tiền với sông Ông Chưởng, là con kinh do người dân đào đất mà thành. Hai bờ kinh thuộc hai ấp Long Quới 1 và Long Quới 2 (xã Long Ðiền B), nơi có nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề mua bán tro đã hơn 20 năm nay, tập trung đông nhất khoảng một cây số ở đoạn đầu kinh Trà Thôn thông với sông Ông Chưởng. Bác Dương Văn Lâm đã sống ở vùng đất này hơn 60 năm, kể:

- Sau ngày giải phóng mấy năm, ở đây nhen nhóm "nghề tro". Lúc đầu, chỉ có mấy hộ gia đình nghèo, không có đất canh tác, bỏ công đi hốt tro về bán cho nhà vườn chung quanh kiếm lời. Mà đất mình ở đây tốt lắm, không cần sử dụng đến tro, nên cũng khó bán. Vì vậy, bà con lấy ghe chở tro sang Ðồng Tháp bán. Mà nói là ghe cho oai, chứ lúc đó chỉ là chiếc xuống chở được vài chục giạ tro thôi. Thấy có được chút lời, nhiều người xúm vào làm, dần dần đông đúc như ngày nay.

- Thời đó tro ở đâu mà nhiều vậy bác? – Tôi hỏi.

Uống xong ngụm trà, bác chậm rãi giải thích:

- Thời đó tro nhiều lắm. Nhà ai cũng làm ruộng, cắt lúa bằng tay, máy suốt xong, rạ rơm chất thành đống, đốt đồng xong, mặc sức mà hốt tro. Nhà nào cũng nấu lò củi hoặc lò trấu, rồi cây lá trong vườn, sau nhà rụng xuống, họ gom lại đốt, tro bỏ không, bay mù mịt. Có người hốt, họ mừng lắm! Đến lúc nguồn tro tại chỗ cạn thì họ đi các đồng lân cận, các huyện lân cận,… có người còn đi tới Bến Tre, Trà Vinh hốt tro. Cho nên mới có người đi hốt tro và người thu mua tro, dần dần hình thành chợ nổi tro Trà Thôn.

Chia tay bác Dương Quang Lâm, tôi tiếp tục đi sâu vào xóm tro dọc hai bên kinh Trà Thôn, để tìm hiểu kỹ hơn cái "chợ nổi" đặc biệt này. Từ sáng sớm tới tận chiều, "chợ nổi" tro ở Trà Thôn lúc nào cũng tấp nập ghe, những chiếc ghe nhỏ (ghe của người đi hốt tro về bán) luôn đầy ắp tro, còn ghe lớn (ghe của người thu mua tro) thì neo tại chỗ, chờ thu mua tro. Chủ ghe lớn và chủ ghe nhỏ sau khi thống nhất giá cả xong là tiến hành đong tro từ ghe nhỏ sang ghe lớn. Khi ghe lớn đầy thì chủ nhổ neo, thế là bắt đầu một hành trình "xuất khẩu" tro ra ngoài tỉnh. Ngày nay, ở xóm tro Trà Thôn có khoảng 100 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề mua bán tro, và 100 hộ này được chia thành: người bán, người thu mua, người làm công.

Người làm công lo đong, bê vác và trộn tro từ các ghe nhỏ sang ghe lớn, do chủ ghe lớn thuê. Mỗi khâu một người. Người trộn tro phải có "nghề", khi đổ tro xuống ghe, phải trộn cho đều giữa "tro nhẹ" và "tro nặng", tiền công của mỗi người khoảng 150.000 đồng/ngày. Ðàn ông, phụ nữ hay thanh niên đều làm được. Xóm tro ở đây giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa phương với thu nhập tương đối cao. Nhưng công việc này không được liên tục, những ngày mưa và những khi "ghe đi" thì tạm nghỉ, vì mỗi ghe đều có "mối ruột" làm công.

Người bán - tức là chủ ghe nhỏ, thường chỉ có hai vợ chồng, ghe khoảng 10 tấn trở xuống, bỏ công đi thu gom tro ở khắp nơi, trong- ngoài tỉnh. Mỗi chuyến đi thu gom được đầy ghe tro khoảng 10 ngày, rồi về bến Trà Thôn bán lại cho các ghe lớn với giá 4.000- 5.000 đồng/ giạ (một giạ tro nặng hơn 10 kg). Trừ mọi chi phí, mỗi chuyến cũng lãi gần 2 triệu đồng. Nghỉ ngơi vài ngày, họ lại tiếp tục một chuyến khác, cứ như thế, các ghe nhỏ đi thu gom tro quanh năm. Nghề thu gom tro cũng gian nan, vất vả, vì phải phơi nắng và hong lửa khi đốt rơm, lá cây tạp, rồi cho vào bao, vác từ ngoài đồng về ghe, có khi xa mấy cây số. Chị Hương, một chủ ghe nhỏ, nói "Cực nhưng ráng làm. Đây cũng là một cái nghề. Nhờ thu gom tro mấy năm nay mà vợ chồng tôi dành dụm, cũng cất được ngôi nhà để tránh gió tránh mưa, lại có tiền cho mấy đứa nhỏ đi học". Khuôn mặt của người phụ nữ lấm lem vì bụi tro bám vào, nhưng rạng ngời niềm tin vào công việc, vào hy vọng mấy đứa con sẽ học hành đàng hoàng.

Người thu mua tro hay còn gọi là chủ ghe lớn - thông thường thì ghe từ 35 tấn trở lên, có ghe gần 70 tấn, sẽ thu mua tro ở các "ghe nhỏ", tại sông Trà Thôn rồi chở đi bán ở Ðồng Tháp, Long An, Bình Dương,... và nhiều nhất là ở Tây Ninh. Mỗi chuyến đi như thế mất từ 7 ngày đến 10 ngày, trừ mọi chi phí và nếu được giá (khoảng 8.000 - 9.000 đồng/giạ) thì lãi từ 3 đến 5 triệu đồng đối với ghe khoảng 35 tấn trở lên. Phần lớn những chủ ghe này, ở nhà đều có vựa, những lúc hàng nhiều thì họ "ém" lại bằng cách đưa lên vựa, chờ lúc hiếm hàng thì "bung" ra. Thông thường, khoảng tháng 8- 9, tức thời điểm chuẩn bị xuống giống cho vụ mùa mới, là lúc hiếm hàng, giá nhỉnh lên chút ít. Chị Lê Thị Tuyết, là chủ ghe hơn 35 tấn, kể: "Mỗi chuyến đi như thế, chúng tôi thường nán lại vài ngày để xem có ai thuê chở gì về không, hoặc là mua bột mì về bán lại cho mấy hầm cá ở Thốt Nốt cho cá ba sa ăn, cũng kiếm được lãi thêm 1 triệu đồng, chứ chạy ghe về không thì uổng lắm". Chị Tuyết còn cho biết thêm, ở Tây Ninh chủ yếu là đất đỏ, nhiều sỏi đá, nên phải tráng lên mặt đất một lớp tro thì mới có thể gieo trồng tốt, nên ở nơi đó lúc nào cũng cần tro.

Nếu suôn sẻ, nghề buôn bán tro cũng đem lại thu nhập tương đối cao. Thế nhưng, trên thực tế, ngày nay nghề này cũng lắm "truân chuyên". Chú Lê Quang Sơn, có hơn 15 năm trong nghề, nói rằng: "Buôn bán tro bây giờ cũng có lúc èo uột lắm. Người đi bán đông quá, có khi tập trung cùng một lúc tại Tây Ninh, thừa hàng, phải neo ghe lại, hay phải bán với giá thấp hơn thường ngày. Thêm nữa, đi chuyến nào cũng hao hụt rất nhiều, bởi thương lái bây giờ "ranh" lắm, cái "ky" đong tro của họ lớn hơn cái thúng của mình, nhưng không ai dám nói, sợ họ không mua". Theo chú Sơn, tâm lý chung của những người đi ghe là tranh thủ bán cho nhanh, không để neo lâu dưới ghe, vì không có vốn dự trữ; vả lại, từ xa đến, chẳng quen biết chủ vườn để bán trực tiếp nên họ đành bán qua thương lái.

Còn với gia đình cô Trần Thị Thiểu, một trong những chủ ghe tro đầu tiên và có tải trọng lớn - hơn 50 tấn, ghe của cô cứ đi quanh năm, không lúc nào gián đoạn. Cô có hơn 10 ghe nhỏ đi thu gom tro là "mối ruột", gia đình cô cho các chủ ghe nhỏ này tạm ứng tiền trước để thu gom tro, nên lúc nào trong vựa cũng có tro dự trữ, ghe lớn về là cứ đong tro lên và đi tiếp, chủ yếu vẫn là chở ra Tây Ninh. Ở Tây Ninh, cô cũng có một vựa tro, cứ ghe nào ra là đưa tro lên vựa. Gia đình cô tự liên hệ với nhà vườn, thỏa thuận xong là giao tro tới tận nơi, lại còn "gối đầu" trước cho nhà vườn, thậm chí đến kỳ thu hoạch mới lấy tiền tro. Nhờ vậy, cô thu được lợi nhuận khá hơn.

Từ câu chuyện của những người gom tro, buôn bán tro, tôi nghĩ rằng nếu những vấn đề vốn, các khâu mua bán trung gian,… được giải quyết một cách căn cơ thì đời sống của bà con ở xóm tro Trà Thôn sẽ khấm khá hơn, chợ tro nổi Trà Thôn cũng sẽ nhộn nhịp, sung túc hơn!

TRẦN PHƯỚC SANG

Chia sẻ bài viết