02/12/2011 - 21:06

Chờ tia hy vọng cho thị trường chứng khoán

Biểu đồ chỉ số HNX-Index từ tháng 10-2009 đến nay toàn đi xuống.

Kể từ khi thành lập năm 2000 đến nay có lẽ chưa khi nào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại ảm đạm như lúc này. Trong suốt tháng 11-2011, giá trị giao dịch cổ phiếu (CP) trên cả 2 sàn không mấy khởi sắc, giá trị CP xuống dốc liên tục, nhà đầu tư lo lắng.

* Giá cổ phiếu rẻ hơn ly cà phê!

Tại thời điểm xấu nhất sau khủng hoảng kinh tế, ngày 24-3-2009, TTCK cũng chỉ có khoảng 45% số cổ phiếu trên 2 sàn có giá giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP. Nhưng hiện nay 2 sàn có trên 400 cổ phiếu của tổng số gần 700 CP niêm yết trên 2 sàn có giá giao dịch dưới mệnh giá, chiếm khoảng 60% toàn thị trường, trong số đó có gần 200 CP có giá giao dịch dưới 5.000 đồng/CP, thậm chí như cổ phiếu có mã niêm yết là VKP của Công ty cổ phần nhựa Tân Hóa giao dịch vào ngày 24-11 giá chỉ còn 600 đồng/CP. Ngoài ra, hàng loạt CP có giá dưới 2.000 đồng/CP như BAS (Công ty cổ phần Basa), CAD (Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cái Đôi Vàm), TRI (Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn), VES (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco)...

Chỉ số HNX-Index ngày 30-11 chỉ còn 60 điểm, trong khi thời điểm xấu nhất ngày 24-3-2009 thì chỉ số này vẫn còn trụ được ở mức 77 điểm. VN-Index mặc dù ngày 30-11 vẫn còn ở mức 380 điểm, nhưng là do nhóm một số CP có vốn hóa lớn nhưng thanh khoản kém đỡ giá, việc đỡ giá này còn nhằm mục đích giữ giá trị tài sản ròng (NAV) của một số quỹ đầu tư.

Trong suốt tháng 11-2011, thanh khoản của TTCK vô cùng ảm đạm, trung bình tổng giao dịch trên cả 2 sàn chỉ quanh quẩn từ 500-700 tỉ đồng/1 phiên, riêng sàn HNX có ngày chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 162 tỉ đồng - một con số vô cùng thấp so với gần 400 cổ phiếu niêm yết trên sàn này. Một bầu không khí ảm đạm lan tỏa trong giới đầu tư và nhân viên ngành chứng khoán. Việc giảm sâu của TTCK còn có nguyên nhân là nhà đầu tư bán rẻ cổ phiếu do thiếu vốn, ngân hàng thắt chặt tín dụng...

* Le lói tia hy vọng

Mặc dù giao dịch trầm lắng, nhưng trong vài tuần gần đây TTCK đã xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn, trong đó có cả các giao dịch của các tổ chức nước ngoài. Đây là động thái cho thấy các tổ chức trong và ngoài nước đang bắt đầu tìm đến cơ hội đầu tư lớn vào TTCK Việt Nam. Việc Chính phủ công bố sẽ có giải pháp phát triển TTCK trong thời gian tới và Ủy ban Chứng Khoán cũng gửi dự thảo về việc thành lập quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán,... cho các thành viên của thị trường để lấy ý kiến sẽ hứa hẹn một cuộc cải cách mang lại nguồn cầu CP đáng kể cho thị trường trong thời gian tới.

Một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu mua vào cổ phiếu. Ngày 30-11, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cafe Thái Hòa (THV) thông báo Quỹ Haverstock Master Fund đồng ý mua lại cổ phần không phát hành hết của THV trong đợt tăng vốn sắp tới. Qua 4 tháng đàm phán THV đã ký thành công hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Mỹ là Quỹ đầu tư Haverstock Master Fund, Ltd. Tổng trị giá 15 triệu USD, giải ngân thông qua ngân hàng HSBC Việt Nam. Theo đó, THV sẽ thực hiện mua lại cổ phần không phát hành được cho cổ đông trong đợt tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng để bán lại cho Quỹ Haverstock. Quỹ đầu tư Dragon Capital tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân, công ty nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa. Ngày 30-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 2124/QĐ-TTg, phê duyệt Phương án cổ phần hóa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Vốn điều lệ của BIDV hiện nay hơn 28.000 tỉ đồng và tổng tài sản hơn 403.000 tỉ đồng - thuộc hàng CP lớn nhất trên TTCK hiện nay. Theo quyết định này, BIDV sẽ chọn đối tác chiến lược và tổ chức cuộc bán đấu giá (IPO) ngay trong tháng 12-2011.

Trong tuần qua, một số ngân hàng nước ngoài đã bắt đầu giải ngân cho vay trở lại. Đây cũng có thể là động thái đón đầu để cho vay lãi suất cao của nhóm ngân hàng nước ngoài khi gần như đã tin tưởng vào việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện được cam kết không để tỷ giá tăng quá 1% đến cuối năm. Những thông tin này sẽ hỗ trợ TTCK có thêm hy vọng thời gian tới.

Có lẽ cần chờ thêm thời gian nữa mới đoán chính xác TTCK đã về đến đáy hay chưa và khi nào mới phục hồi thực sự. Nhưng với việc nhiều CP xuống giá quá rẻ như hiện nay, trong đó có những cổ phiếu được chia cổ tức rất cao như: Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (SSF) có giá 3.700 đồng/CP nhưng trả cổ tức 1.800 đồng/CP; Công ty Cổ phần Tổng hợp Gỗ Tân Mai (TMW) có giá giao dịch ngày 30-11 là 2.500 đồng/CP nhưng trả cổ tức 2.000 đồng/CP... thì bây giờ là thời điểm thích hợp để người có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư vào CP. Bởi các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm lãi suất 14%/năm chưa hấp dẫn nhà đầu tư; bất động sản thì đang trên đà giảm giá và đóng băng; vàng trong nước vẫn luôn cao hơn thế giới vài triệu đồng mỗi lượng và có nhiều biến động bất thường.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết