04/06/2020 - 06:15

Chó thả rông, nhiều nguy cơ tiềm ẩn! 

Từ thành thị đến nông thôn, việc nuôi chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người. Pháp luật hiện hành cũng đã có quy định khá cụ thể về trách nhiệm của người chủ nuôi chó. Song trên thực tế, dường như ít ai quan tâm đến quy định này.

Một hộ chăn nuôi chó thả rông ở đường Trần Hưng Đạo nối dài thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn.

Khi được hỏi vì sao không rọ mõm cho chó theo quy định, khi thả chó ở nơi công cộng, ông N.V.H., một chủ nuôi chó tại khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, giải thích: “Chó tôi nuôi hiền lành lắm! Nó chưa cắn ai bao giờ, nên không cần đeo xích hay rọ mõm”.

Với suy nghĩ chủ quan, không tuân thủ các quy định về quản lý vật nuôi, đã gây ảnh hưởng không ít đến những người xung quanh. Bà Đ.T.L., ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, kể: “Trước đây, con tôi đi đám giỗ tại nhà người bà con thì bị con chó béc-giê cắn, với nhiều vết thương trên người. Sau đó, gia đình chở cháu đi chích ngừa trong vài tháng liền. Từ đó, mỗi khi cháu gặp chó là rất sợ”. Còn ông Trần Văn Bòn, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, chạy xe hon-đa khách, nhiều lần chứng kiến cảnh người điều khiển xe gắn máy bị tai nạn do va chạm vào chó thả rông. Ông kể: “Hầu như ngày nào ra đường tôi cũng gặp cảnh những con chó chạy rông ngoài đường và trong các khu dân cư. Khi thì chúng phóng uế gây ô nhiễm môi trường, khi thì đuổi cắn nhau trên đường, gây cản trở giao thông và có khi gây tai nạn cho người tham gia giao thông… Có thể do chưa bị lực lượng chức năng xử lý hay nhắc nhở nên nhiều người không quan tâm đến việc chấp hành quy định về quản lý vật nuôi”.

Hiện nay, tỷ lệ hộ dân nuôi chó trên địa bàn TP Cần Thơ rất lớn. Và tình trạng thả rông chó, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng dại cho vật nuôi khá phổ biến. Thực tế, một số người nuôi chó hầu như không để tâm đến những mối nguy mà chúng gây ra. Có những hộ nuôi nhiều chó nhưng không có biện pháp nuôi nhốt phù hợp với lý do nhà hẹp, phóng uế hôi nhà hay đơn giản là quan niệm nuôi chó mà nhốt, xích sẽ khiến nó trở nên hung dữ.

Pháp luật đã có những quy định xử phạt đối với vi phạm về việc chủ nuôi thả gia súc, vật nuôi không quản lý, lấn chiếm lòng đường hoặc gây ảnh hưởng nơi công cộng. Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Cụ thể, đối với hành vi không tiêm phòng dại cho chó, mèo và để chó, mèo cắn người thì người chủ nuôi sẽ bị phạt từ 1,2-1,6 triệu đồng. Mức phạt từ 600.000-800.000 đồng là mức phạt chung cho 2 hành vi: không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường và không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng. Ngoài ra, chủ nuôi chó còn phải bồi thường cho người bị hại, cả vật chất lẫn tinh thần, như: thanh toán chi phí tiêm phòng dại và các chi phí khác phát sinh…

Cũng theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện quy định này bởi không có lực lượng chuyên trách để xử lý.

Để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi có thể gây hại cho sức khỏe của người dân, cộng đồng, thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người nuôi chó. Đồng thời, vận dụng các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm giáo dục, răn đe những trường hợp vi phạm.    

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết