Khiếm khuyết một vài bộ phận trên cơ thể nhưng ở họ ý chí luôn mạnh mẽ, với khát vọng được học tập, được lao động, được cống hiến,... để được yêu thương, chia sẻ, cảm thông và hơn hết để khẳng định: người khuyết tật vẫn có thể làm nhiều việc có ích cho đời...
21 năm trước, vừa chào đời, đứa trẻ sơ sinh chưa kịp khóc thì mẹ cậu đã rơi lệ khi nhìn thấy bàn tay trái của con chỉ có hai ngón cong queo. Bà lặng lẽ hôn lên bàn tay đỏ hỏn ấy và tự nhủ sẽ yêu thương và nuôi dạy nó thật tốt. Đứa trẻ được cha mẹ đặt tên Trần Minh Thiện, với mong muốn sự thông minh, phẩm chất đạo đức sẽ bù vào phần khiếm khuyết cơ thể. Thiện lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ nhưng vẫn không thoát được mặc cảm về sự khác lạ trên bàn tay. “Em chẳng muốn người khác thấy bàn tay “quái dị” của mình nên thường phải giấu nó đi. Đứng ở một góc khuất trong sân nhìn bạn bè chơi bắn cu li giờ giải lao, em buồn lắm và ao ước được làm những điều bình thường như các bạn...” - Thiện nhắc lại quá khứ với giọng đầy cảm xúc.
Nhiều người trong gia đình nói Thiện có được trí thông minh bẩm sinh nhưng qua tiếp xúc, tôi thấy người bạn trẻ này đã nỗ lực rèn luyện rất nhiều. Có lẽ thấu hiểu ước muốn của cha mẹ nên Thiện biến mặc cảm thành quyết tâm, không để bạn bè, thầy cô biết đến Trần Minh Thiện chỉ là người có bàn tay 2 ngón,... Thiện ra sức học tập, tham gia tốt các hoạt động, phong trào đoàn thể. Không chỉ văn hay, toán giỏi mà Thiện gần như luôn đứng đầu trong các môn học. 12 năm liền học sinh giỏi, từ tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông, cái tên Trần Minh Thiện luôn được thầy cô ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang nhắc đến đầu tiên khi nhận xét về học lực, hạnh kiểm; với bạn bè, cậu trở thành thủ lĩnh, luôn nằm trong danh sách ban cán sự lớp, nhận được bao tình cảm quí mến.
Năm 2010, Thiện thi đậu đại học (ngành cử nhân Anh văn - Khoa Xã hội và nhân văn - Trường ĐH Cần Thơ) cũng là năm điểm sàn ở mức cao, thế mà cậu vẫn dư 1,5 điểm. Đối với học sinh trường huyện, ngoại ngữ không là sở trường và các bạn cùng đỗ đại học vào ngành Anh văn phần lớn là học sinh trường chuyên của các tỉnh. Vì thế Thiện phải nỗ lực rất nhiều để không thua sút bạn bè. Biết gia đình khó khăn khi phải lo cho Thiện học đại học nên cậu chi tiêu dè xẻn và nhận làm gia sư để có tiền trang trải chi phí học tập. Đi bộ đến lớp, đi dạy thì mượn xe đạp của bạn nhưng Thiện vẫn học tốt và dành thời gian tham gia các hoạt động của trường. Hiện Thiện đang làm Chi hội trưởng Chi hội sinh viên đồng hương Gò Công Tây và Ủy viên Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Trường ĐH Cần Thơ.
Kết quả 3.72/4.0 vào cuối năm nhất là nỗ lực vượt bậc của Thiện, khiến bạn bè phải nể phục. Thương cho cậu sinh viên khuyết tật đầy ý chí vượt khó, một chị đồng hương chuẩn bị ra trường tặng lại cho Thiện chiếc xe đạp cũ (đã theo chị suốt bốn năm đại học). Đó là phần thưởng khích lệ tinh thần kiên trì phấn đấu của Thiện. Tuy giờ đây đã sắm được chiếc xe mới bằng học bổng và sức lao động của mình, nhưng Thiện vẫn coi chiếc xe đạp cũ ấy như vật kỷ niệm quí giá. Hiện nay, Thiện học thêm ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường. “Biết sẽ gặp nhiều khó khăn về tiền bạc, thời gian, vì phải học cùng lúc hai ngành đại học chính quy nhưng em muốn thử sức mình và tin sẽ làm được”, Thiện nói giọng quả quyết. Trải qua học kỳ đầu của ngành Tài chính - Ngân hàng đối với Thiện không quá khó khăn, bởi hồi phổ thông, cậu giỏi đều các môn. “Ước mơ của em là được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho đàn em đi sau. Kiến thức thôi chưa đủ mà em còn phải tu dưỡng hoàn thiện bản thân để động viên tinh thần vượt khó cho các bạn trẻ, nhất là những người khuyết tật,...”, Thiện tâm sự.
***
Cùng ý chí vượt lên số phận, còn có trường hợp của anh Võ Ngọc Tri, sinh năm 1981, quê ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Hồi ba tuổi, Tri bị sốt bại liệt, hai chân teo lại, không thể đi đứng được, phải chống tó. Càng lớn, Tri càng có ý thức tự lập, không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội. 16 tuổi, anh rời quê đến Cần Thơ tìm cho mình cơ hội lập nghiệp. Với đôi tay khéo léo, sự cần cù, sáng tạo, khi tham gia vào Câu lạc bộ Nhịp Cầu của Hội người khuyết tật thành phố, Tri nhanh chóng trở thành thợ thủ công mỹ nghệ lành nghề, cho ra mắt nhiều sản phẩm, vật dụng trang trí làm bằng gáo dừa độc đáo và nhiệt tình truyền nghề lại cho đàn em - những người khuyết tật đồng cảnh ngộ.
Suốt hơn mười lăm năm xa quê, Tri đã trải qua nhiều nghề, nghề nào cũng được “làm thầy” dạy cho người khác. Khoảng ba năm nay, Tri trụ lại nghề vấn mô tơ điện để mưu sinh và tiếp tục làm thầy. Tuy cửa hiệu của anh nhỏ, xa khu kinh doanh trung tâm thành phố (ở đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) nhưng lúc nào cũng đông khách. Nhiều nhà thầu bảo trì điện cơ, điện lạnh biết tay nghề Tri đã tin tưởng tìm đến giao hàng. Anh luôn thể hiện uy tín và trách nhiệm cao trong công việc, với từng sản phẩm làm ra. Đó là lý do vì sao cơ sở Tri luôn đông học trò, đặc biệt là người khuyết tật và nhiều người trong số này đến nay đã mở được tiệm riêng, làm ăn khấm khá.
Trò chuyện với chúng tôi trong những ngày cuối năm, Tri háo hức với kế hoạch tương lai mà anh đang ấp ủ: Tích lũy vốn để đầu tư mở rộng cơ sở dịch vụ dạy nghề, thu hút đông học viên, nhất là những người khuyết tật. “Rất nhiều người khuyết tật cần việc làm để nuôi thân. Nghề này không nặng nhọc, đòi hỏi siêng năng, chịu khó, phù hợp với người khuyết tật. Tôi mong muốn giúp những người đồng cảnh ngộ như tôi xóa dần mặc cảm, tự tin hơn vào bản thân trên con đường mưu sinh, đi tìm hạnh phúc,...”.
Nói đến hai từ hạnh phúc, mắt Tri lấp lánh niềm vui và chúng tôi biết anh đang rất hạnh phúc bên vợ và con nhỏ. Chị Đào Thị Ngọc Hiếu, vợ anh cũng là người khuyết tật, họ gặp nhau tại cơ sở Nhịp Cầu. Đứa con trai 6 tuổi của anh chị rất lanh lợi, thông minh và hiếu thảo. Có lần, anh Tri nghe nó nói với bạn: “Từ nhỏ đến giờ mình chưa được ba mẹ bồng ẵm đi dạo phố như ba mẹ của bạn. Ba mẹ thường nói mình là đứa trẻ may mắn và hạnh phúc. Mình biết tại sao hạnh phúc, vì mình luôn được ba mẹ luôn yêu thương, còn may mắn vì mình khỏe mạnh, không bị tật nguyền như ba mẹ...”. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Tri cười thật tươi, khoe Tết này, gia đình anh chuẩn bị đón thêm một thành viên mới ra đời.
***
Kỳ diệu thay, tình yêu đã tiếp thêm sức mạnh để những người khuyết tật vượt lên chính mình, đó cũng là trường hợp của chị Đỗ Thị Ngọc (sinh năm 1973, ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) bị liệt hai chân. Anh chị gặp nhau cũng tại cơ sở Nhịp Cầu nhưng anh là tình nguyện viên chứ không phải người khuyết tật. Anh đã bị nét dịu dàng, sự tinh tế trong cư xử của chị chinh phục. Để đến được với nhau, họ cùng trải qua nhiều khó khăn buổi đầu nhưng cuối cùng sự kiên trì và sức mạnh tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi trở ngại.
Nhiều người lo lắng khi thấy một phụ nữ khuyết tật ngồi xe lăn như chị Ngọc về làm dâu nhà chồng với 3 thế hệ sống chung trong ngôi nhà nhỏ ở phường Xuân Khánh. Nhưng với chị: “Tôi thấy thật ấm áp và hạnh phúc”. Từ nhỏ mặc cảm khuyết tật khiến chị Ngọc sống khép kín, ít bạn bè, ít giao tiếp. Giờ chị có được một đại gia đình, với những người cảm thông, yêu thương không vui sao được. Và chị cũng rất khéo léo trong xử sự, chưa bao giờ chị làm phật ý nhà chồng. Anh chị hiện có một bé gái, Tết này tròn 4 tuổi rất dễ thương. Những ngày không đến trường, cháu thường đòi theo mẹ đi bán hàng. Sản phẩm của chị làm ra đã có thương hiệu, đó là “Nón Ngọc”, gồm các loại nón rộng vành, nón kết bằng lá dừa tươi và nón lá, được bày bán ở khu du lịch Phù Sa và công viên bến Ninh Kiều. Nhiều du khách, kể cả khách nước ngoài thường dừng chân hàng giờ xem người phụ nữ ngồi xe lăn tay thoăn thoắt chằm những chiếc nón xinh xắn, lạ mắt bằng những cọng lá dừa tươi. Nón làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Người mua nón thích thú vì mua được chiếc nón được làm thủ công rất tỉ mỉ và ngạc nhiên hơn khi được tặng kèm một con châu chấu, con tôm, con cá... làm từ những cọng lá dừa xinh xinh.
“Lần đầu tiên gặp mấy em sinh viên làm nón lá dừa, tôi rất thích thú và mua một cái mang về nhà học lóm. Tháo ra làm lại mấy chục lần, chiếc nón tơi tả. Anh Thanh thấy vậy mang về cho 5 tàu lá dừa để vợ làm cho thỏa chí. Từ đó, ngoài nghề chằm nón lá, tôi làm thêm nón lá dừa tươi bán cho du khách”, chị Ngọc kể. Bán nón hết buổi sáng, chị lăn xe đến Trung tâm thương mại Cái Khế để nhận kết cườm trên áo; chiều về, chị vội vàng chuẩn bị bữa cơm cho gia đình rồi tối đem nón bày bán cho du khách trên đường Mậu Thân. Chị bảo: “Sống được yêu thương, được làm điều mình thích là hạnh phúc nhất đời”. Bởi thế, chị Ngọc làm việc luôn tay, chẳng để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Mang lại niềm vui cho người khác từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn bằng sức lao động chân chính của mình, chị cảm thấy rất hạnh phúc và cuộc đời này thật nhiều niềm vui, ý nghĩa,...
* * *
Trần Minh Thiện, anh Võ Ngọc Tri, chị Đỗ Thị Ngọc,... đã biến khiếm khuyết trên cơ thể thành ý chí phấn đấu vươn lên. Dù cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng những người khuyết tật ấy đã cố gắng lao động, cống hiến, làm đẹp cho đời bằng những nỗ lực đáng quí và mỗi người đều tìm được niềm vui, tự hào trong cuộc sống. Xin chúc cho những con người đầy nghị lực ấy tiếp tục thực hiện được những ước mơ rất đỗi bình thường nhưng không phải bất kỳ ai làm cũng được.