12/12/2014 - 09:33

Chở hàng cồng kềnh dễ dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông

Để giảm số lần di chuyển, không ít người tham gia giao thông chọn cách chở thật nhiều hàng hóa trên xe, với suy nghĩ chở càng nhiều càng tốt, giảm chi phí xăng, xe. Dạo quanh các tuyến đường nội ô thành phố, người dân bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đạp, xe gắn máy… chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông (ATGT). Việc xe chở hàng quá khổ chiếm nhiều không gian trên đường không chỉ làm ùn tắc giao thông, mà còn rất dễ gây va chạm với các phương tiện khác. Ngoài ra, khi chở hàng quá nhiều sẽ làm tài xế khó điều khiển tay lái, nhất là khi phải quẹo trái, phải hoặc qua các khúc cua. Chú Nguyễn Văn Mạnh, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng kể: “Cách nay vài tuần, khi tôi đang lưu thông trên đường, người điều khiển xe gắn máy, chở bao hàng phía sau, bất ngờ vượt lên. Bao hàng quẹt vào xe tôi, làm tôi loạng choạng tay lái và té ngã. Xe gắn máy chở hàng cũng ngã, người điều khiển bị xe đè lên, phải đi bệnh viện cấp cứu. Tôi may mắn chỉ bị trầy xước, còn xe hư hỏng nhẹ. Tuy là lỗi của người chở hàng nhưng thấy anh ta bị thương nặng hơn nên tôi tự lo sửa xe”. Sau này, khi lưu thông trên đường, hễ thấy xe có chở hàng cồng kềng, chú Mạnh kịp thời giảm tốc độ, chạy cặp sát lề. Chú Mạnh mong lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn cho người đi đường. Nhiều người dân ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng vẫn còn nhớ vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến 2 nữ sinh chết tại chỗ vào ngày 11-11-2013. Nguyên nhân gián tiếp gây tai nạn cũng do người điều khiển xe gắn máy chở hàng cồng kềnh va quẹt xe gắn máy của 2 sinh viên trên, khiến họ ngã xuống đường và bị xe tải cán phải.

 Chở hàng cồng kềnh, không chằng buộc nên người thanh niên này điều khiển xe một tay.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người ngồi trên mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được mang, vác vật cồng kềnh. Trong trường hợp xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe. Theo khoản 4 Điều 18, Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11-2-2010 của Bộ Giao thông vận tải (quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ), cụ thể: xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2 mét.

Theo Điểm k, Khoản 4, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển xe gắn máy khi thực hiện hành vi vi phạm “xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định” sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

 Ngoài việc bị xử phạt, nếu người ngồi trên phương tiện giao thông chở cồng kềnh, gây thương tích cho người khác thì tùy theo mức độ thương tích, có thể bị xem xét hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Thêm vào đó, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông khác cũng như bản thân thì khi phải vận chuyển hàng hóa, người dân cần sắp xếp gọn gàng, đúng quy định.

Bài, ảnh: H.H

Chia sẻ bài viết