16/05/2017 - 15:07

Chợ “chồm hổm” trên núi Cấm

Ngày theo ngày trôi qua, bất kể mưa hay nắng, những người phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer vẫn đều đặn lặn lội hết các ngõ ngách của vùng núi Cấm ở xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, An Giang) để mưu sinh. Công việc của họ là bán các loại thực phẩm hằng ngày cho người dân trên núi bằng đôi quang gánh.

Tờ mờ sáng, khu vực quanh hồ Thủy Liêm, chùa Vạn Linh đã rộn rã tiếng cười nói của người dân. Lúc này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Khmer, trên vai đôi quang gánh chứa đựng các mặt hàng thiết yếu. Trời sáng dần, họ tụ họp lại một điểm cạnh hồ Thủy Liêm, tạo thành một chợ nhỏ - người dân trên núi hay gọi vui là "chợ chồm hổm" hay "chợ chùa" (do chợ nhóm gần chùa Vạn Linh).

Chợ "chồm hổm" trên núi Cấm.

Theo cư dân sống ở đây, không ai biết được chợ được hình thành từ bao giờ. "Trước đây, những người bán hàng thường gánh hàng đi khắp nơi, di chuyển theo đoàn từ 4-5 người. Khi đi ngang khu vực hồ Thủy Liêm, họ dừng lại nghỉ chân. Thấy người dân xung quanh và du khách đến mua đông, họ ở lại lâu hơn, số lượng người đến cũng đông hơn, dần dần hình thành nên chợ", anh Nguyễn Văn Tiến, cư dân núi Cấm, cho biết.

"Chợ chồm hổm" được họp nhóm từ 8 giờ sáng. Bán đầy đủ các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, các loại rau, củ, quả của đồng bằng, các loại rau đặc trưng vùng núi… Thực phẩm thường đựng trong rổ, thúng bằng tre hoặc thau nhôm gánh bằng đòn gánh. Chợ "chồm hổm" này tuy nhỏ, chỉ khoảng trên dưới 20 đôi gánh nhưng được bố trí trật tự, không khí mua bán rộn ràng, tấp nập. Người bán không cố định chỗ ngồi, ai đến trước ngồi bán trước, ai đến sau ngồi bán sau và mặc dù phải gánh hàng một đoạn đường khá xa nhưng giá cả các mặt hàng được bán khá rẻ, không chênh lệch nhiều so với giá bán ở chân núi.

Khoảng 10 giờ sáng, chợ "chồm hổm" bắt đầu dần tan. Bạn hàng chia theo nhóm từ 2-4 người, theo những con đường mòn đi khắp núi. Nhờ vậy, những người ở các vồ, điện xa trên núi Cấm có thể dễ dàng mua được những loại thực phẩm mà không mất thời gian đi chợ. Chị Lê Thị Niềm cho biết: "Nhà tôi ở xa, lại là nơi hẻo lánh. Muốn mua các loại thức ăn hằng ngày chỉ cần chờ đến giờ là có người gánh hàng đi ngang, chứ đến chợ thì rất xa. Hơn nữa, hàng hóa của những người gánh hàng ở đây cũng không thua kém gì so với ở chợ". Theo chị Niềm, phần lớn bạn hàng chỉ bán một vài loại mặt hàng cố định, đặc trưng riêng nên khi họ gánh ngang, không cần rao, chỉ cần nhìn mặt mà có thể biết được mặt hàng.

Cuộc sống của những người bán hàng ở đây đều gặp nhiều khó khăn. Hằng ngày, dù trời mưa hay nắng, họ phải gánh hàng nặng đi 7-8 cây số để kiếm chút thu nhập cho gia đình. Chị Neang Kim Sen, một người bán hàng, cho biết: "Từ sáng sớm là tôi mua hàng tại chợ ở chân núi rồi gánh lên bán. Mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, coi như kiếm thêm thu nhập cho gia đình". Chị Neang Sóc Pha, một người bán hàng, cho biết: "Sáng nào tôi cũng xuống chợ An Hảo để mua ít cá đem lên trên núi để bán. Trước đây, cuộc sống khó khăn nên vợ chồng tôi phải làm mướn, nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Mấy năm nay, nhờ buôn bán ở đây nên cuộc sống có đỡ hơn phần nào. Nhưng nghề này vất vả lắm, mấy hôm trời nắng, phải đi bộ, gánh hàng cả mấy cây số nên chúng tôi phải nghỉ mệt liên tục. Nhưng dù vậy còn đỡ hơn mùa mưa, đường núi trơn, rất nguy hiểm".

Đối với cư dân núi Cấm, còn gì dễ dàng và tiện lợi hơn khi không cần thiết phải đi chợ cũng có thể mua được các loại thực phẩm hằng ngày. Còn đối với khách du lịch, hình ảnh người phụ nữ dân tộc Khmer với nét bình dị với đôi quang gánh trên vai đã tạo nên nét đặc trưng thú vị của phiên chợ vùng cao.

Bài, ảnh: Phi Điệp

Chia sẻ bài viết