15/04/2008 - 23:23

Xét tái định cư ở khu dân cư vượt lũ xã Trường Xuân A

Chính quyền thất hứa, thiếu công bằng

Nhà nước đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có chỗ ở ổn định. Thế nhưng, ở xã Trường Xuân A (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), khu dân cư vượt lũ (KDCVL) đang trở thành khu thương mại dịch vụ sung túc còn nhiều người nghèo bị giải tỏa lại trắng tay, phải ở đậu hoặc thuê, mướn đất cất nhà... Gần 4 năm chính quyền vẫn chưa xét nền tái định cư! Tại sao như thế?

Cùng bị giải tỏa: em “ấm” còn anh nghèo...

Trước khi giải phóng mặt bằng KDCVL xã Trường Xuân A, ông Trần Văn Quí (hiện đã chết) là chủ sử dụng hợp pháp 5,9 công đất tại ấp Trường Ninh I; trên đất có 7 căn nhà (1 căn của vợ chồng ông Quí; 1 căn của vợ chồng người con thứ ba Trần Văn Lắm, 5 căn của gia đình người con út Trần Văn Thắm). Sau khi phần đất này bị giải tỏa để xây dựng KDCVL xã Trường Xuân A, ông Quí được bồi hoàn nhà, đất, hoa màu và được cấp 1 nền tái định cư (TĐC) tại chỗ; ông Thắm được bồi hoàn nhà và cấp 2 nền TĐC tại chỗ, 4 người con của ông Thắm cũng được xét cấp 4 nền TĐC không tại chỗ. Chỉ có gia đình ông Lắm bị “bỏ quên”: Từ tháng 10-2004 đến nay, không có đất cất nhà và di dời phần mộ của người con nên phải hỏa táng. Theo chính quyền địa phương, sau khi giải tỏa, ông Lắm đã mướn đất với giá 1 chỉ vàng 24K/năm để cất nhà. Đến năm 2006, không còn tiền mướn đất, ông Lắm về dựng chòi ở trên phần đê bao 419, cặp KDCVL. Đầu năm 2008, phần sàn bị mục, ông Lắm dời căn chòi lá lên nền đất trống trong KDCVL để ở và bị UBND xã Trường Xuân A xử phạt vi phạm hành chính, chuẩn bị cưỡng chế tháo dỡ.

 Hai chị em bà Màu và ông Lắm trong căn nhà tạm bợ của ông Lắm. Ảnh: T.T 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tạm bợ, trống trước hở sau, ông Lắm bức xúc: Trước khi làm KDCVL, gia đình chúng tôi được ba (là ông Quí) cho 700m2 đất, đã cất nhà ở ổn định, người dân biết, chính quyền cũng biết. Thế nhưng, gần 4 năm qua, đất không được bồi thường, nhà bị dỡ không được xét TĐC. Trước đây, tôi chấp hành di dời để giao mặt bằng nhưng chính quyền lại xét duyệt không công bằng, đẩy người dân vào chỗ không còn mảnh đất nương thân, quẫn bách quá, tôi buộc phải quay về cất nhà trên phần đất của KDCVL.

Ông Thắm là em ruột của ông Lắm, cũng ở trên đất của ông Quí. Hiện nay, ông Thắm đã được xét cấp 2 nền TĐC tại chỗ, 4 người con của ông Thắm cũng được xét cấp 4 nền TĐC không tại chỗ. Chính sự xét duyệt thiếu công bằng này đã dẫn đến bức xúc không chỉ của gia đình ông Lắm.

Khi phóng viên đặt vấn đề tại sao ông Lắm không được đưa vào danh sách xét TĐC thì ông Nguyễn Văn Giữ, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân A, cho rằng thời điểm này, ông chưa có mặt trong Hội đồng xét duyệt của xã nên không biết. Còn cán bộ Địa chính xã Trường Xuân A, ông Lê Hoàng Hôn, người đã có mặt ngay từ thời điểm kiểm kê, lập danh sách xét duyệt, bố trí cho người dân bốc thăm nền TĐC... cho đến nay cũng lúng túng, không biết vì sao? Nhưng ông Nguyễn Văn Giữ và ông Lê Hoàng Hôn cũng thừa nhận trường hợp của ông Lắm là đủ điều kiện để xét TĐC theo quy định.

Từ 6 tháng đến 4 năm: chính quyền hứa suông!

Một góc khu dân cư vượt lũ xã Trường Xuân A. Ảnh: V.T 

Trong 119 hộ bị giải tỏa nhà để giao mặt bằng xây dựng KDCVL xã Trường Xuân A, hiện mới chỉ có 46 hộ được xét TĐC tại chỗ và 25 hộ xét TĐC không tại chỗ, số còn lại, theo thông tin từ Hội đồng Xét duyệt đưa dân vào ở trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ huyện Cờ Đỏ (gọi tắt là Hội đồng xét duyệt TĐC) hoặc là đang bị khiếu nại, hoặc là theo quy định không đủ điều kiện xét TĐC... Trong các trường hợp đó, có trên 20 hộ cư ngụ trên đất công. Sau khi giải tỏa nhà, 9 hộ không có nơi cư ngụ phải đi thuê đất để cất nhà nên đã được đưa vào danh sách xét TĐC không tại chỗ. Tuy nhiên, khi danh sách này được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Trường Xuân A thì bị khiếu nại nên 9 hộ cũng bị “ách” lại chưa giải quyết. Và đến nay, gần 4 năm trôi qua, theo ghi nhận của phóng viên, còn rất nhiều người dân ở ấp Trường Ninh I tiếp tục phải “cắn răng, bấm bụng” mướn đất cất nhà, mưu sinh.

Bà Đặng Thị Anh, một đảng viên, cán bộ hưu trí, người dân cố cựu ở ấp Trường Ninh I, vừa khóc vừa kể: “Tôi ở trên phần đất này từ năm 1984, sau này Nhà nước có thông báo là đất công nhưng người dân vẫn được tiếp tục sử dụng. Khi quy hoạch KDCVL, đất công không được bồi hoàn, chúng tôi đồng ý và di dời nhà cửa để giao mặt bằng. Thời điểm đó, ban Quản lý Dự án - Đầu tư xây dựng huyện Cờ Đỏ có phát tiền hỗ trợ cuộc sống trong 6 tháng và hứa với người dân, sau 6 tháng sẽ được bố trí TĐC. Đến nay, đã gần 4 năm, công trình KDCVL đã xây dựng hoàn tất, các lô nền sinh lợi được đem ra bán đấu giá, người mua đến cất nhà ì xèo. Chỉ có những người dân bị giải tỏa như chúng tôi phải chịu thiệt thòi vì chờ đợi lời hứa của chính quyền. Gần 4 năm nay, tôi vẫn phải đi mướn nền nhà với giá 2 chỉ vàng 24K/năm để ở trong khi KDCVL vẫn còn hàng trăm nền bỏ trống cho cỏ hoang mọc”.

Nhiều trường hợp khác như hộ Trương Văn Giao, Nguyễn Ngọc Phủ, Huỳnh Hữu Kha, Nguyễn Thị Tranh, Võ Thanh Việt, Phan Thanh Tùng... là những người dân bị giải tỏa nhà trên đất công hoặc đất sang nhượng, chưa tách thửa hoặc đất ở nhờ... tại phần đất trong quy hoạch KDCVL nhưng đều chưa được giải quyết TĐC. Hiện nay, vì mưu sinh, họ đang phải mướn đất, ở nhờ, ở đậu hoặc tiếp tục cất nhà trên phần đê bao, đất mé sông để sống. Trường hợp của vợ chồng bà Võ Thị Kim Son, khi mướn đất cất nhà thì đất giáp ranh còn trống. Đến nay, người dân hai bên cất nhà thì gia đình bà Son bị “bế” đường đi. Cực chẳng đã, bà Son đành phải năn nỉ chủ đất cho... đi nhờ qua nhà. Tình trạng đó kéo dài cả năm nay nhưng chờ mãi cũng không được xét TĐC.

Khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân cho rằng, không chỉ chính quyền thất hứa để thời gian kéo dài gần 4 năm mà việc xét TĐC chưa đảm bảo công bằng. Đó là trường hợp ông P.L.B có đất bị giải tỏa trong KDCVL (đất do chị gái cho, chưa tách thửa), không có nhà, không cư ngụ tại địa phương và hoàn toàn không bức xúc về chỗ ở nhưng vẫn được đưa vào danh sách để xét TĐC; 3 hộ khác là N.P.Q; T.H.P và N.T.Đ hoàn toàn không có nhà, đất bị giải tỏa trong KDCVL nhưng vẫn được xét nền TĐC vì “có công” bán đất cho chính quyền để di dời trường học; hơn nữa, các hộ dân này đều khá giả, có nhiều đất đai và không bức xúc về chỗ ở...

Người dân cần sự công bằng

Theo lý giải của bà Ngô Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt TĐC, trường hợp xét TĐC của ông Quí, ông Lắm và ông Thắm căn cứ trên hồ sơ kiểm kê và phương án bồi thường thiệt hại. Theo đó, hồ sơ kiểm kê thể hiện, phần đất 5,9 công do ông Quí đứng tên trên giấy chủ quyền nhưng thực tế do ông Thắm và 4 người con sử dụng. Bà Yến cũng thừa nhận là ông Lắm có nhà trên phần đất này nhưng không hiểu sao trong hồ sơ kiểm kê lại không thể hiện (hồ sơ kiểm kê do UBND huyện Ô Môn lập trước khi chia tách tỉnh Cần Thơ cũ). Từ hồ sơ và phương án bồi thường thiệt hại nên Hội đồng xét duyệt TĐC đã xét cho gia đình ông Thắm 6 nền TĐC và ông Quí 1 nền TĐC. Bà Yến khẳng định, ngay từ đầu ông Lắm cũng nằm trong danh sách được xét TĐC nhưng do ông Lắm đòi cấp nền số 14, trong khi nền này không phải phần đất trước đây ông Lắm có nhà nên cần phải đưa ra Hội đồng để xin ý kiến.

Trên thực tế, từ khi bị giải tỏa nhà đến nay, ông Lắm chưa hề có tên trong danh sách được xét nền TĐC dù là TĐC tại chỗ hay TĐC không tại chỗ. Việc chính quyền hứa xét TĐC là hứa tại buổi đối thoại trực tiếp khi ông Lắm liên tiếp khiếu nại và thực sự quá bức xúc về chỗ ở. Hơn nữa, theo bà Trần Thị Màu (là con gái của ông Quí và là chị của ông Lắm), bà và một người cháu đã ở cùng nhà, cùng chung hộ khẩu với ông Quí nhưng đến nay, bà cũng không được xét TĐC, thậm chí nền TĐC cấp cho ông Quí hiện đang là tài sản thừa kế cũng bị gia đình ông Thắm chiếm dụng cất nhà. Bà cũng như ông Lắm phải thuê đất để sống qua ngày. Trong khi đó, các con của ông Thắm cất nhà trên đất ông nội thì Hội đồng xét duyệt TĐC lại sẵn sàng xét cấp 4 nền TĐC?

Trường hợp các hộ dân cất nhà trên đất công nằm trong quy hoạch KDCVL, bà Ngô Hồng Yến cho biết: Có 9 trường hợp sau khi giải tỏa không có chỗ ở ổn định nên Hội đồng đã đưa vào danh sách để xét TĐC. Tuy nhiên, sau khi niêm yết công khai thì các trường hợp này bị khiếu nại nên Thanh tra huyện đang xác minh, những trường hợp còn lại huyện đang xin ý kiến của UBND thành phố. Các hộ dân không có đất, có nhà nhưng được đưa vào danh sách xét TĐC, theo bà Ngô Hồng Yến, tại thời điểm giải tỏa trường học, Ban Quản lý Dự án - Đầu tư Xây dựng huyện Cờ Đỏ đã thương lượng và được 3 hộ dân này đồng ý chuyển nhượng đất theo giá Nhà nước để di dời trường học với điều kiện phải được giải quyết mua nền trong KDCVL. Yêu cầu này đã được Chủ tịch UBND huyện đã hứa sẽ xem xét, vì vậy, khi xét TĐC không tại chỗ mới đưa danh sách để niêm yết nhưng người dân khiếu nại nên cũng chưa xét cấp và chưa cho bốc thăm, nhận nền.

Như vậy, sau 4 năm triển khai xây dựng, đến nay KDCVL xã Trường Xuân A đã sẵn sàng để đưa dân vào ở. Thế nhưng, thời gian qua, công tác xem xét, giải quyết TĐC để người dân ổn định cuộc sống vẫn còn nhiều điều chưa thực sự công bằng. Một số hộ dân trước đây chấp nhận di dời, bàn giao mặt bằng nay lại quay về lấn chiếm cất nhà ở; nhiều hộ dân khác bức xúc, khiếu nại nhiều nơi, thậm chí khiếu nại vượt cấp nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Xây dựng một công trình dân sinh như KDCVL không có nghĩa là để cho người nghèo phải đi thuê, mướn đất để an cư ngay tại nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Đã đến lúc chính quyền địa phương và Hội đồng xét duyệt TĐC huyện Cờ Đỏ cần phải có những quyết định công bằng để người dân đỡ khổ.

THU HUYỀN PHAN - ĐẶNG VĂN

Chia sẻ bài viết