22/07/2015 - 21:07

Chiến lược cải cách tư pháp qua 10 năm thực hiện

* NGUYỄN DUY QUỐC
Văn phòng Thành ủy Cần Thơ

Cải cách tư pháp là một trong những nội dung quan trọng và lâu dài trong đường lối đổi mới toàn diện của đất nước mà Đảng ta đã vạch ra. Qua gần 10 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi.

Trong lĩnh vực hình sự, Quốc hội đã cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ49) bằng việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 vào năm 2009. Trong đó, đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, thay đổi hình thức thi hành án tử hình (từ phương thức bắn sang tiêm thuốc độc), quy định rõ việc không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng hình phạt tiền, hạn chế hình phạt tù đối với một số tội, áp dụng mức án nhẹ hơn đối với người chưa thành niên phạm tội, bỏ một số tội danh... Đồng thời, bổ sung một số tội phạm mới như: tội mua bán người, tội tài trợ khủng bố, tội về công nghệ thông tin… Nhìn chung, việc bổ sung những quy định nêu trên đã thể chế hóa đúng các chủ trương của Đảng ta: việc áp dụng hình phạt chủ yếu là để răn đe, giáo dục người phạm tội, thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo. Đối với lĩnh vực dân sự, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật theo hướng tôn trọng các quyền tự do trong lĩnh vực kinh doanh, hạn chế việc "hành chính hóa" các quan hệ dân sự, hướng tới bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân.

Trong lĩnh vực tố tụng: Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, trong đó, đã phân định một bước thẩm quyền quản lý hành chính về trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện cho thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên chủ động thực thi nhiệm vụ, đồng thời tự chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định theo quy định; quy định thời hạn kháng nghị dài ra theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm… Luật hòa giải cơ sở quy định chặt chẽ các nguyên tắc, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải cơ sở. Luật tố tụng hành chính đã tạo điều kiện để công dân được lựa chọn hoặc khiếu kiện hoặc khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hoặc công chức, đảm bảo sự bình đẳng trong mối quan hệ "công dân - các cơ quan công quyền" tại tòa án. Đối với Luật Luật sư, các tổ chức hành nghề của luật sư hầu hết được thành lập bao trùm trên phạm vi cả nước. Đội ngũ luật sư được đào tạo, bồi dưỡng, qua đó phát triển nhanh về số lượng và chất lượng hoạt động.

Bên cạnh đó, các vấn đề như: cơ cấu tổ chức tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, giám định tư pháp, công chứng, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công tác giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận tổ quốc, tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp, trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp cũng như cơ chế lãnh đạo của Đảng ta đối với công tác tư pháp cũng có những tiến triển vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện NQ49, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, giáo dục, quản lý, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên cũng được tăng cường. Ban Nội chính được tái lập từ Trung ương đến cấp tỉnh đã góp phần đảm bảo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng cũng như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng để NQ49 đi vào thực tiễn đời sống thì, theo tôi Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật trong các lĩnh vực như: hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp. Theo đó, cần quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội liên quan đến chức vụ. Đồng thời, rà soát để loại bỏ một số hành vi xét thấy không còn là nguy hiểm cho xã hội trong thực tiễn và tương lai; hoàn thiện pháp luật dân sự theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự… Các bộ, ngành chức năng nên xác định rõ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền, đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp và chế định luật sư; thực hiện nhanh chóng những quy định của Luật tổ chức tòa án năm 2014, Luật tổ chức viện kiểm sát năm 2014, phát triển đội ngũ luật sư trẻ có đủ trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch vững mạnh; cần cân nhắc hạn chế các chương trình đào tạo cử nhân luật, nên đặt chất lượng lên hàng đầu và hạn chế bớt số lượng tránh việc đào tạo tràn lan như hiện nay cũng như việc đào tạo các chức danh tư pháp.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước nên xem xét nhanh chóng hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, phát huy tối đa vai trò làm chủ của nhân dân đối với hệ thống cơ quan tư pháp; tăng cường hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tăng cường vai trò của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện thực hiện nhiệm vụ giám sát các hoạt động tư pháp. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; tích cực tổ chức thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đảm bảo cơ sở vật chất, tài chính, kỹ thuật cho hoạt động tư pháp; có chính sách cho phép các địa phương hỗ trợ về vật chất đối với các cơ quan tư pháp, cần nghiên cứu sắp xếp vị trí trụ sở các phương tiện kỹ thuật hiện đại để tăng cường hiệu quả công tác tư pháp trong tình hình mới. Một giải pháp quan trọng nữa là không thể buông lỏng công tác lãnh đạo của Đảng đối công tác tư pháp, cần lựa chọn cấp ủy thật sự trong sạch, có trình độ, năng lực và uy tín, bản lĩnh chính trị, đồng thời thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên tư pháp. Một vấn đề nữa là cần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đặc biệt là xây dựng lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đủ mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

* NGUYỄN DUY QUỐC Văn phòng Thành ủy Cần Thơ

Chia sẻ bài viết