25/03/2010 - 20:55

Chế độ được hưởng khi bị tai nạn lao động

Hỏi: Tôi làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất giày, công việc của tôi làm bên bộ phận ép đế giày. Trong một lần làm việc, tay tôi bị máy ép trúng và phải đi bệnh viện để chữa trị, phải phẫu thuật cắt bỏ 3 ngón tay. Sau khi xuất viện, doanh nghiệp chỉ thanh toán viện phí mà không có khoản bồi thường nào, cũng như không bố trí công việc khác cho tôi. Doanh nghiệp làm vậy có đúng không?

THANH TRANG (quận Ninh Kiều)

Vấn đề này, Luật sư Ngô Công Minh, Cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP Cần Thơ, trả lời như sau:

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật. (Điều 105 Bộ luật Lao động).

Theo đó, người tàn tật do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được phục hồi chức năng lao động; Nếu còn tiếp tục làm việc thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe, theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.

Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế, từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong điều lệ Bảo hiểm xã hội. (Khoản 1, 2 Điều 107 Bộ luật Lao động).

Như vậy, để người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn lao động, cũng như bố trí việc làm khác cho phù hợp với khả năng lao động đều dựa trên cơ sở kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động để xác định tỷ lệ thương tật làm suy giảm khả năng lao động. Nếu bạn sinh sống tại Cần Thơ thì nên liên hệ Trung tâm Giám định y khoa thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ tại số 52, đường Nguyễn An Ninh, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

P.Y (thực hiện)

Chia sẻ bài viết