* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm chưa kịp thời trong công tác điều hành xuất khẩu gạo
* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng phải linh hoạt trong điều hành
* Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân: Đưa chương trình giảng dạy nước ngoài để chấn hưng nền giáo dục nước nhà
* Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng vi phạm y đức
Ngày 12-11-2008, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên họp.
* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được hàng loạt các câu hỏi chất vấn liên quan đến lý do ngừng xuất khẩu gạo khi giá lên cao gây thiệt hại cho người trồng lúa; tình hình sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lý do tập đoàn này từ chối 13 dự án Chính phủ giao, vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; việc nhập khẩu thịt, muối, thậm chí sắt phế liệu trong khi nhiều mặt hàng trong nước chưa bán được; giá vật tư nông nghiệp tăng cao; tình trạng đầu tư, tích trữ, găm hàng chờ giá lên, gian lận xăng dầu...
Câu hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi hay lỗ, tại sao từ chối 13 dự án đã nhận với Chính phủ, việc cắt điện tùy tiện và trong khi báo cáo kinh doanh lỗ, đòi tăng giá, Tập đoàn lại đầu tư vốn sang lĩnh vực khác và đề nghị được trích thưởng trên 1.000 tỉ của các đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đã làm Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mất khá nhiều thời gian để giải trình.
Về việc ngành điện trả lại 13 dự án đã nhận với Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ năm 2006 đến nay, Tập đoàn đã triển khai các dự án theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên trong 2008, do thắt chặt chi tiêu công, các nhà máy điện được giao cho Tập đoàn làm chủ đầu tư đều là nhà máy nhiệt điện sử dụng than, nên sau khi tính toán cân nhắc, Tập đoàn đã xin được trả lại 13 dự án nhà máy điện, tuy nhiên cũng hứa khi trả lại sẽ tham gia 1 phần tùy theo từng dự án.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh “việc đã nhận mà trả lại là có một phần thiếu trách nhiệm tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn về vốn, nguồn than dùng cho các nhà máy nhiệt điện thiếu..., Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Công thương giao Tập đoàn 2 trong số 13 dự án, số còn lại giao cho các Tập đoàn và Tổng Công ty lớn trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm và khả năng đảm đương”. Về việc Tập đoàn xin để lại quỹ phúc lợi hơn 1.000 tỉ đồng là nguồn tiền của năm 2007 do Tập đoàn tính lãi tới 4.000 tỉ đồng, Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra lại chênh lệch giá điện nhằm phản ánh chính xác lợi nhuận của ngành điện.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng với vai trò Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo giải trình chỉ nhận một phần trách nhiệm trong công tác tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành xuất khẩu gạo.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ chưa bao giờ kiến nghị dừng xuất khẩu gạo. “Cá nhân tôi và Bộ Công thương khẳng định việc tham mưu cho Chính phủ đưa ra quyết định cuối tháng 3 đầu tháng 4 là chính xác”. Tuy nhiên, sau khi giải thích lòng vòng về bối cảnh giá thế giới cao, doanh nghiệp, thương lái đổ xô đi mua, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao..., Bộ trưởng Hoàng lại thay đổi “Nếu sai, tôi xin nhận 1 phần trách nhiệm”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, trong trả lời cử tri, chúng tôi chưa đáp ứng được hoàn toàn những thắc mắc, yêu cầu của cử tri, nhất là bà con Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi nhận thấy có phần trách nhiệm của Bộ Công thương trong tham mưu cho Chính phủ về xuất khẩu gạo. “Chúng tôi đã nhận trách nhiệm là chưa kịp thời, riết róng”, Bộ trưởng thừa nhận.
* Là người thứ 4 trả lời chất vấn trước QH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu nhận được 7 lượt ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường. Phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN được Chủ tịch QH đánh giá là đã đi thẳng vào vấn đề, cung cấp thêm cho các đại biểu nhiều thông tin về lĩnh vực kinh tế. Chủ tịch QH đề nghị Thống đốc và NHNN tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động của ngành trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc kiềm chế lạm phát, xử lý những tình huống tiền tệ, tài chính để sắp tới thực hiện cho tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) về việc chính sách tiền tệ thắt quá chặt, bất ngờ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa qua có nới lỏng hơn xong doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, vậy sắp tới sẽ làm thế nào để vừa kiềm chế lạm phát vừa không để xảy ra thiểu phát, Thống đốc NHNN nêu rõ: Từ 28-5-2007, chúng ta bắt đầu thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ khi quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự trữ tiền gửi bắt buộc từ 5% lên 10%, đến 16-1-2008, tiếp tục nâng lên 1%. Đối với các tổ chức tín dụng NHNN cũng đã có trao đổi và tín hiệu trước, cụ thể là trước đó ngày 2-11-2007 cũng đã ban hành Chỉ thị 06. Liên quan đến chính sách với các doanh nghiệp, Thống đốc NHNN cung cấp số liệu hiện tại toàn quốc có 349.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 200.000 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế, mỗi năm góp khoảng 18.000 tỉ đồng. Số vốn DN vừa và nhỏ vay NH là 263.000 tỉ; riêng ở Hà Nội đến 30-10 là 25.000 tỉ, như vậy là số vốn được tiếp cận khá lớn. Về thiểu phát, nước ta đã có 3 năm xảy ra hiện tượng này, ngành NH tiếp tục theo dõi sát tình hình, tham mưu cho Chính phủ điều hành linh hoạt, tránh ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, bất lợi cho điều hành tăng trưởng mục tiêu kinh tế mà QH thông qua.
Theo Thống đốc NHNN, liên quan đến diễn biến lãi suất, khi thị trường tiền tệ có biến động, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ những giải pháp thích hợp, nhờ vậy đã góp phần kiềm chế lạm phát rõ ràng.
* “Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đăng đàn trả lời chất vấn. Với vốn hiểu biết rộng nên phần trả lời của Bộ trưởng lần này mang đến cho đại biểu QH thêm nhiều thông tin, trôi chảy nhưng chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa trực diện vào các câu hỏi mà đại biểu QH nêu”, đó là nhận xét của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tại phiên kết thúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chiều 12-11.
Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng liên quan đến việc đổi mới giáo trình giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy học. Bộ trưởng thừa nhận đây thực sự là vấn đề bức xúc, nhiều trường hiện không có giáo trình khi Bộ đi kiểm tra. Tuy nhiên, Bộ đã có giải pháp cụ thể, ngoài việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, Bộ lập thành ban bao gồm các hiệu trưởng, các bộ, ngành chuyên khoa để xây dựng giáo trình phù hợp.
Bộ trưởng cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Thám (TP Hồ Chí Minh) lo lắng tới nền giáo dục nước nhà trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Đại biểu Thám cho rằng, hiện hệ thống giáo dục nước ta còn lạc hậu, nhiều hạn chế, bất cập. Với tư cách là Phó Thủ tướng sắp tới Bộ trưởng có giải pháp gì? Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng, số học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế cao hơn nhiều so với năm trước, điều đó thể hiện chất lượng học của học sinh được nâng lên. Tuy nhiên, hiện chương trình giảng dạy nước ta còn hạn chế, việc thiết kế môn học còn lạc hậu, số lượng môn học ở bậc học phổ thông nhiều, năng lực sư phạm còn yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh, nhất là là phòng thí nghiệm; năng lực quản lý, điều hành còn lúng túng... Từ thực tế này, Bộ trưởng đưa ra giải pháp là sắp tới Bộ sẽ hình thành các hội đồng biên soạn, sử dụng chương trình giáo dục của nước ngoài (hiện có 24 chương trình nước ngoài được sử dụng); chuẩn hóa chương trình đào tạo tiến sĩ... Ngoài ra, yếu tố văn hóa cũng cần được đưa vào giáo dục, càng hội nhập sâu càng phải đưa bản sắc văn hóa dân tộc vào các chương trình giáo dục giảng dạy. Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Thám bức xúc đề nghị Bộ trưởng, sau kỳ họp này với tư cách là người đứng đầu, Bộ trưởng phải họp bàn với các ban ngành liên quan, làm thế nào để khắc phục cái lạc hậu, yếu kém của nền giáo dục nước ta hiện nay. Bộ trưởng cho rằng, việc này cần có giải pháp cụ thể, chiến lược phát triển giáo dục đào tạo lâu dài.
* Xin kính chào các cử tri đang theo dõi phiên chất- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tự tin gửi lời chào tới các cử tri trước khi báo cáo kết quả thực hiện lời hứa trong phiên họp ngày 19-11-2007 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) nêu câu hỏi: Bộ trưởng có giải pháp gì về chất thải y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng có tới 60% bệnh viện không có kinh phí để xử lý. Trẻ em bị bệnh ung thư, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh... đối với trường hợp không có tiền chạy chữa, mạng sống đe dọa từng giây, từng phút... Bộ trưởng có suy nghĩ gì?...
Bộ trưởng thừa nhận: Chất thải y tế chưa được quản lý tốt, hiện có 53% số bệnh viện đốt bằng lò thủ công, 27% đốt ngoài trời hoặc chôn lấp, chỉ có 20% được xử lý đúng quy trình; đồng thời mới có 33% nước thải bệnh viện được xử lý ở các mức độ khác nhau... Giải pháp xử lý rác thải, hiện nay mới tập trung triển khai đồng bộ ở Hà Nội do một đầu mối là Công ty môi trường đô thị thu gom và xử lý từng loại rác theo quy trình kỹ thuật tương ứng, bệnh viện phân loại rác trước khi chuyển đi xử lý. Đối với nước thải bệnh viện đang làm quy hoạch và cần từ 1.200 tỉ đến 1.500 tỉ đồng; kinh phí xử lý rác thải rắn sẽ hết khoảng 800 tỉ... Còn các loại bệnh ung thư, tim mạch tăng... là theo quy luật đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng kết, đối với nước càng phát triển thì đồ thị về loại bệnh không lây nhiễm này càng tăng. Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường giải pháp phòng, ngừa loại bệnh này. Đối với các trẻ em ung thư dưới 6 tuổi được điều trị miễn phí như các bệnh thông thường. Riêng trẻ em bị bệnh tim, nếu phẫu thuật tim bảo hiểm y tế chi trả 20 triệu, còn lại phải vận động nhiều nguồn ủng hộ.
Đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có hoa quả nhập ngoại... Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu “chia phần trách nhiệm “ một cách sinh động: Theo quy định của pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quản lý thực phẩm “Từ trang trại đến mâm cơm”; còn sản phẩm nông nghiệp từ chế biến đến lưu thông trong nước và xuất khẩu sẽ do Bộ Công thương quản lý, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ ngành...?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - chủ trì phiên chất vấn đã mời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời về trách nhiệm của mình. Bộ trưởng Cao Đức Phát xác nhận Bộ mình được giao quản lý sản xuất...và đến lượt Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận: Theo quy định, sản phẩm lưu thông trên thị trường sẽ do cơ quan chức năng thuộc Bộ Công thương phối hợp với các thanh tra chuyên ngành kiểm tra; nếu phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tùy mức độ xử lý hành chính theo quy định.
Trở lại vấn đề y đức đã là nỗi day dứt nhiều năm qua, đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) chất vấn: Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân phải trả nhiều tiền cho các dịch vụ điều trị, nhưng không phân biệt đâu là phần của công, đâu là trả cho tư nhân khi họ tham gia “xã hội hóa bệnh viện”? Một số thầy thuốc trực cấp cứu ở bệnh viên thuộc TP Hồ Chí Minh có cách hành xử xua đuổi bệnh nhân theo kiểu “tiền trao, cháo múc”, rất thờ ơ với sinh mệnh người bệnh, dù bệnh nhân cấp cứu cái chết đã cận kề... Bộ trưởng xử lý thế nào và bệnh nhân làm gì để góp ý.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng: Có sự lạm dụng xã hội hóa ở các bệnh viện công trong thời gian qua, nhưng hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 quy định rạch ròi chi phí điều trị công và tư để chấm dứt tình trạng “nhập nhèm”. Ông cũng cho biết: Bộ Y tế có bộ phận theo dõi thông tin trên báo chí, sẽ xác minh và kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm y đức. Đối với bác sĩ công ra ngoài làm tư thì Bộ trưởng cho rằng chỉ có giải pháp tăng cường đào tạo bổ sung cán bộ y tế, còn họ làm việc trong hay ngoài nhà nước đều là phục vụ nhân dân. Tuy nhiên cũng sẽ có giải pháp để “giữ chân” là tăng đãi ngộ và tạo cơ hội phát triển chuyên môn cho họ.
Ngày 13-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
NHÓM PV TTXVN