14/06/2012 - 08:15

Kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa XIII:

Chất vấn nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến quản lý đất đai và môi trường

Sáng 13-6, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa các đại biểu Quốc hội với một số thành viên Chính phủ.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chất vấn là dịp để các đại biểu Quốc hội thay mặt đồng bào, cử tri cả nước đặt câu hỏi để các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời về những vấn đề quan trọng như: Khó khăn trong tình hình sản xuất kinh doanh; đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định nền kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó là những vấn đề về quản lý đất đai; bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm trật tự an toàn xã hội để mọi người dân có cuộc sống bình yên. Qua chất vấn, thấy rõ được trách nhiệm của các Bộ, ngành và cá nhân các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đồng thời đưa ra được các giải pháp, tạo được sự chuyển biến trong tình hình.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 2 ngày rưỡi, bên cạnh phần trả lời chất vấn trực tiếp của 4 Bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công an và Công Thương, Quốc hội sẽ nghe báo cáo, giải trình thêm của một số Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực, làm rõ các vấn đề quan trọng mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm. Cuối phiên chất vấn, trả lời chất vấn, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 và trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Là người mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến các nhóm vấn đề như: Quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường các làng nghề, cơ sở chế biến; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, tự phát; chính sách, pháp luật về đất đai, xây dựng thủy điện... Cùng đó là trách nhiệm của Bộ trong quản lý, điều hành, các giải pháp khắc phục những hạn chế.

Trả lời các chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng: Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không đơn giản, do nhiều nguyên nhân như việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở một số dự án chưa đảm bảo dân chủ, công khai; việc tiến hành còn chưa kiên quyết... Bộ trưởng nêu rõ: Nguyên nhân cơ bản là do giá đất bồi thường còn thấp, chưa chú trọng quy định bắt buộc xây dựng khu tái định cư, tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người bị thu hồi đất. Mặt khác, thời gian qua có sự mâu thuẫn, chưa cân bằng giữa lợi ích của Nhà nước, người dân bị thu hồi đất và chủ đầu tư; giá đất bồi thường còn thấp... Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn đề bức xúc.

Về chất vấn của một số đại biểu về thời hạn sử dụng đất, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đã nghiên cứu đề nghị mở rộng thời hạn sử dụng đất để người dân yên tâm sử dụng và sử dụng hiệu quả theo hướng nâng thời hạn sử dung đối với đất nông nghiệp lên khoảng 50 năm...

Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) về thời gian hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, đối với một số loại đất như đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất ở nông thôn, tỷ lệ đã cấp giấy chứng nhận đạt trên 85%. Hai loại hiện nay đang còn thấp là đất đô thị đạt 63% và đất chuyên dùng khoảng 60%. Theo Bộ trưởng, bên cạnh các nguyên nhân bao gồm giấy tờ không hợp lệ, nguồn gốc đất phức tạp, có vi phạm trong xây dựng, thiếu cán bộ chuyên môn có trình độ thì một nguyên nhân quan trọng, lý do cơ bản khiến việc cấp sổ đỏ bị chậm là kinh phí. Hiện cần tới 30.000 tỉ đồng kinh phí để hoàn thành đo đạc. Cùng với những thay đổi phức tạp liên quan đến đất đô thị như chuyển đổi, mua bán..., Bộ trưởng cho rằng đến năm 2015 mới có thể hoàn thành về cơ bản cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thực tế rất nhiều vấn đề.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chính sách đều đã có đủ mà đến năm 2015 mới hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quá chậm. Cần lưu ý cả trách nhiệm của địa phương, là nơi trực tiếp cấp giấy chứng nhận cho dân, “đến 2013 phải xong” bởi đây là nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân.

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) và một số đại biểu về tiến độ giải quyết một số vụ cưỡng chế, thu hồi đất vừa qua như tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... và những giải pháp đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, đây là những vụ việc đáng tiếc và là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý. Để xảy ra các vụ việc đáng tiếc này, có trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của những người làm công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những văn bản pháp luật. Bộ trưởng nêu rõ quan điểm: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đến đâu, đúng sai thế nào phải được làm rõ; trách nhiệm của người sử dụng đất, của tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải làm rõ và giải quyết trên cơ sở pháp luật.

Đối với vụ Tiên Lãng, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND Hải Phòng đã phối hợp chỉ đạo huyện Tiên Lãng giải quyết một số việc; giao cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn được tiếp tục sử dụng nhưng với hình thức thuê đất theo qui định của luật hiện hành. Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước kiểm tra lại việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển. Đất này trong luật cũng như trong nghị định chưa được đề cập thỏa đáng nên trong quá trình sử dụng, vận dụng ở các địa phương có thể có vấn đề này, vấn đề khác. Bộ cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra một số tỉnh, chủ yếu là phía Bắc có nhiều diện tích bãi bồi ven sông, ven biển. Về cơ bản, các địa phương cho thuê theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Về vụ việc tại Văn Giang (Hưng Yên), theo Bộ trưởng, việc cưỡng chế vừa qua là trong quá trình thực thi pháp luật đất đai tại địa phương đối với một dự án đã được phê duyệt từ lâu. Vừa qua, Bộ Tài nguyên Môi trường đã cử đoàn công tác xuống địa phương, ghi nhận ý kiến của người dân đề nghị thu hẹp diện tích dự án chứ không phàn nàn về chuyện chính sách đền bù hỗ trợ.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông và làng nghề, khu công nghiệp, Bộ trưởng cho rằng: đây là vấn đề bức bách, nan giải song trong bối cảnh nguồn lực cho lĩnh vực này có hạn; ý thức của người dân và doanh nghiệp có lúc có nơi còn hạn chế; việc xả thải lại liên quan đến nhiều đối tượng, quan điểm của Bộ là “không hy sinh môi trường vì mọi giá”. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm tốt công tác thẩm định theo Luật Tài nguyên môi trường, xử phạt nghiêm vi phạm...Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra và có biện pháp, nếu khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải sẽ không cho hoạt động.

Liên quan đến việc phục hồi các dòng sông chết, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm “làm xanh lại” nhưng trong thời gian bao lâu thì chưa thể nói trước.

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thông tin thêm về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách, liên quan đến vấn đề sử dụng đất còn lãng phí qua các khu công nghiệp chưa lấp đầy, qua quy hoạch làm các dự án đô thị, các khu công nghiệp, các khu dân cư chưa bám sát quy hoạch, quy hoạch chưa tốt dẫn đến còn lãng phí.

Kết luận nội dung chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao không khí thẳng thắn, tinh thần xây dựng; cách đặt câu hỏi rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề của các đại biểu và phần trả lời tương đối đầy đủ của Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ Tài nguyên - Môi trường cần có nhiều biện pháp tốt hơn công tác quản lý đất đai, nhất là trong việc sửa đổi Luật đất đai sắp tới...

THANH HÒA-PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết