Những năm gần đây, TP Cần Thơ luôn khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa cả nước và hội nhập với nhiều quốc gia trên thế giới. Thành quả đó không chỉ vì sự phong phú, đa dạng của văn hóa Cần Thơ mà còn nhờ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ luôn cần mẫn theo đuổi đam mê và chắp cánh cho văn hóa Cần Thơ hội nhập.
Vang xa văn hóa Cần Thơ
Những ngày cuối tháng 6, nghệ sĩ Thạch Sỹ Long, giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, vừa tập luyện cho các học trò chuẩn bị thi tốt nghiệp chuyên ngành cải lương, vừa tập trích đoạn cho các nghệ sĩ phục vụ dự án "Sân khấu học đường" đang được thực hiện tại TP Cần Thơ. Có mặt buổi ghi hình trích đoạn "Trần Quốc Toản ra quân" để làm tài liệu học tập cho các học sinh trong dự án "Sân khấu học đường", người đàn ông dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn chuẩn bị đạo cụ, chỉnh sửa phục trang, trang điểm cho diễn viên rồi bước tấn, bước bộ, đi quyền
để ôn cho học trò trước giờ bấm máy. Nghệ sĩ Thạch Sỹ Long chia sẻ: "Tôi đến với cải lương bằng đam mê và tôi sẽ sống chết với đam mê của mình". Phương châm sống ấy theo anh suốt gần 35 năm qua.
Tại Giải Trần Hữu Trang 2014, nghệ sĩ Thạch Sỹ Long đã một mình tập dượt rồi lo lắng cho cậu học trò mới ra trường Lê Duy tham dự và đã mang về cho đơn vị Cần Thơ Huy chương Vàng. Hình ảnh thầy Long "tay xách nách mang", chăm chút cho học trò từng đường diễn, phục trang khiến nhiều người xúc động. Nhiều nghệ sĩ cải lương nổi danh hiện nay như: Hoàng Khanh, Võ Minh Lâm, Tô Tấn Loan, Ngọc Nhung
đều là học trò được nghệ sĩ Thạch Sỹ Long dẫn dắt từ những ngày đầu tiên.
Còn với nghệ sĩ múa Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, gần 40 năm theo nghiệp văn nghệ, ông đã mang về cho Cần Thơ hàng trăm chiếc huy chương ở các kỳ hội thi, hội diễn. Chương trình văn nghệ Ngày hội Văn hóa Indonesia tại TP Cần Thơ vào đầu tháng 6 do ông Danh dàn dựng khá thành công. Đó là những tiết mục múa "Chợ nổi trên sông" tái hiện không gian chợ nổi Cái Răng hay "Cần Thơ trong trái tim ta" là lời mời gọi du khách về với Tây Đô xinh đẹp
mang đậm bản sắc văn hóa Cần Thơ. Hầu như các chương trình văn nghệ giao lưu với các nước của Cần Thơ đều do ông Nhật Danh dàn dựng, suốt mấy chục năm qua. Ông Nhật Danh cho biết: "Tôi luôn cố gắng đưa vào tác phẩm những đặc trưng, nét văn hóa riêng biệt của quê hương để giới thiệu với du khách. Đó là sứ mệnh của nghệ thuật!".
Từ khoảng năm 1980, ông Nhật Danh đã có hai lần vinh dự biểu diễn giao lưu ở nước bạn Campuchia. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông khi được hát phục vụ bộ đội tình nguyện và bà con nước bạn. Mới đây nhất, tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc "Tiếng hát Làng Sen" năm 2015, chương trình dự thi của Cần Thơ do ông Danh biên đạo với 5 tiết mục đã đạt 5 huy chương (3 vàng, 2 bạc) và vào tốp 3 đơn vị có thành tích cao nhất tại liên hoan
Nghệ nhân Hai Đức giới thiệu đờn ca tài tử cho sinh viên Mỹ.
Cứ vào hè, nghệ nhân đờn ca tài tử Trần Văn Đức (tức Hai Đức), ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, lại tất bật với công việc truyền dạy ngón đờn, lời ca của mình với tư cách là cộng tác viên của khóa học "Học phần nhiệt đới" ở Trường Đại học Cần Thơ. Hơn chục năm qua, ông Hai Đức đã giới thiệu về cây đờn sến 3 dây (thay vì 2 dây như thường lệ) do chính ông cách tân cho rất nhiều người nước ngoài. Học trò của ông là sinh viên các trường đại học trên thế giới, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, có thể là thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí giáo sư, nhưng ông và họ đều "gặp" nhau ở tình yêu văn hóa dân gian. Họ say sưa nghe ông đờn; ông cầm tay chỉ họ từng cung tơ, phím nhạc
Với ông Hai, đó là những phút giây hạnh phúc nhất vì được giới thiệu văn hóa của quê hương.
Và còn rất nhiều những nghệ nhân, nghệ sĩ đất Cần Thơ như nghệ nhân Sáu Trọng, chủ nhân thương hiệu "Bánh tét lá cẩm Cần Thơ", nghệ nhân đờn tranh Hai Lợi
đã và đang lặng thầm làm thăng hoa văn hóa Cần Thơ.
Tình yêu và đam mê
Mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung tình yêu văn hóa truyền thống. Ông Huỳnh Nhật Danh nhớ lại, ông tham gia văn nghệ ở địa phương lúc mới 14-15 tuổi. 40 năm nỗ lực không ngừng đã cho ông nhiều kỹ năng thực hiện các động tác khó và khả năng sáng tạo trong công tác biên đạo. Theo ông Danh, cái khó của múa là không dùng lời nói, lời ca để biểu đạt mà chỉ là điệu bộ, động tác và biểu cảm. Suốt mấy mươi năm qua, ông không ngừng tìm tòi cái mới cho ngôn ngữ múa. Ông Nhật Danh cho rằng: "Bây giờ, nghệ thuật múa hiện đại có nhiều cách thể hiện. Nhưng tôi luôn tâm niệm, dù cách tân đến mấy cũng phải giữ được cốt cách văn hóa, thể hiện bản sắc địa phương".
35 năm theo nghiệp sân khấu, nghệ sĩ Thạch Sỹ Long đã đào tạo nhiều học trò
thành tài. Trong ảnh: Nghệ sĩ Thạch Sỹ Long thị phạm, hướng dẫn động tác cho nghệ sĩ Lê Duy trong trích đoạn "Trần Quốc Toản ra quân".
35 năm theo nghiệp cải lương, điều nghệ sĩ Thạch Sỹ Long tâm huyết nhất là truyền đam mê của mình cho thế hệ sau. Bởi thế, ngay từ năm 1988, ông đã chủ công thành lập CLB sân khấu cải lương quận I, TP Hồ Chí Minh, tạo một làn gió mới cho cải lương đất Sài thành. Năm 1994, khi về Cần Thơ công tác, Thạch Sỹ Long lại thành lập CLB Đồng Ấu, tập hợp các thiếu niên mê ca cổ, cải lương để tập luyện. Những thành viên "đồng ấu" thời bấy giờ như Hoàng Khanh, Ngọc Nhung, Võ Minh Lâm
giờ đều đã trở thành nghệ sĩ tên tuổi. Có thể nói, CLB Đồng Ấu là mô hình xã hội hóa thành công nhất, cho tới bây giờ của ngành văn hóa Cần Thơ. Ở những giờ dạy không lương đó, Thạch Sỹ Long vẫn vung roi, múa kiếm, xoạc chân thị phạm cho học trò. Soạn giả Nhâm Hùng nhận xét: "Không quá lời khi nói Thạch Sỹ Long là bậc thầy về vũ đạo cải lương ở ĐBSCL và tốp đầu ở khu vực TP Hồ Chí Minh". Cách đây 2 năm, Thạch Sỹ Long lại tập hợp anh em yêu nghề thành lập CLB sân khấu Trấn Giang. Với ông, cải lương là tình yêu bất tận và thật hạnh phúc khi được quảng bá, truyền dạy cho nhiều người.
Nghệ nhân Hai Đức thì tâm sự rằng, chưa bao giờ ông xem việc truyền dạy, giới thiệu đờn ca tài tử cho sinh viên nước ngoài là chuyện mưu sinh. Ông cần mẫn với công việc này chỉ bởi ông vui khi thấy người nước ngoài yêu thích nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Từ ngón đờn của ông Hai đã góp phần cho giúp Giáo sư Alexander M. Cannon (tên thân mật là Alex) của Trường Đại học Western Michigan, Hoa Kỳ, hoàn thành luận văn tiến sĩ của mình. Mỗi lần sang Việt Nam, Alex đều tìm về Cần Thơ, tìm thăm "ba Đức" như một cách tri ân với vị nghệ nhân trọn lòng với nghề.
Trong câu chuyện của mình, các nghệ nhân kể rất nhiều về niềm vui, những kỷ niệm tích cóp qua mỗi chặng đường. Niềm vui của nghệ sĩ Sỹ Long là đào tạo một thế hệ nghệ sĩ kế thừa đầy bản lĩnh và tâm huyết. Còn với ông Hai Đức, chia tay mỗi lớp dạy, ông tin đờn ca tài tử sẽ lan xa, không giới hạn
* * *
Những nghệ nhân, nghệ sĩ Cần Thơ với tài năng và tâm huyết đã góp phần quảng bá, nâng tầm vị thế cho văn hóa Cần Thơ một thành phố năng động mà vẫn đậm đà bản sắc truyền thống.
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH