16/06/2009 - 20:18

Chăm nom con nhỏ, khi phạm tội được giải quyết như thế nào?

Hỏi: Anh trai tôi phải chăm sóc con nhỏ mới 4 tuổi (chị dâu tôi đã mất). Vừa qua, do mâu thuẫn cá nhân nên anh trai tôi đã đánh một người hàng xóm bị thương nặng phải vào bệnh viện và bị tạm giam. Xin hỏi theo quy định pháp luật, khi người bố chăm nom con nhỏ được giải quyết như thế nào?

P.T.L (TP Cần Thơ)

Vấn đề này, Luật sư Ngô Công Minh, Cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP Cần Thơ, trả lời như sau:

Trong trường hợp người phạm tội, (tùy theo tính chất, mức độ phạm tội) cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp để kịp thời ngăn chặn tội phạm. Hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo, sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo (Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Như vậy đối với trường hợp của bạn, nếu có bảo lãnh để thay thế biện pháp tạm giam, cơ quan tố tụng cũng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh. Mọi thủ tục bảo lãnh được thực hiện theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không có điều khoản nào cho rằng người phạm tội cố ý không phải bị tạm giam vì lý do nuôi con 4 tuổi.

P.Y (thực hiện)

Chia sẻ bài viết