02/08/2019 - 09:37

Chăm cho trẻ đủ ngày, đủ tháng 

Điều mong mỏi lớn nhất của các mẹ bầu trong thời gian mang thai là mong con mình phát triển đủ ngày, đủ tháng và chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người mẹ phải “vượt cạn sớm”, khiến cả mẹ và bé đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng. Thời gian qua, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ đã theo dõi, điều trị thành công nhiều trường hợp thai kỳ có dấu hiệu dọa sanh non, giúp cuộc vượt cạn thành công, đem lại niềm hạnh phúc cho các gia đình.

Cán bộ y tế BV hòa cùng niềm vui mẹ tròn - con vuông của sản phụ.

Cán bộ y tế BV hòa cùng niềm vui mẹ tròn - con vuông của sản phụ.

Đơn nguyên điều trị dọa sanh non BV Phụ sản TP Cần Thơ hoạt động từ tháng 9-2016, áp dụng nhiều kỹ thuật điều trị mới, đạt nhiều thành công từ giai đoạn dọa sanh non khi còn bào thai cho đến chăm sóc sơ sinh non tháng sau khi chào đời. Đơn nguyên điều trị dọa sanh non hoạt động lồng ghép với Khoa Sanh của BV. Sau gần 3 năm hoạt động, Đơn nguyên tiếp nhận trên 2.000 trường hợp non tháng bao gồm chuyển dạ sanh non, ối vỡ non trên thai non tháng từ các địa phương trong vùng chuyển tuyến.

Chị Nguyễn Thị T. (44 tuổi, ở huyện Thới Lai) đang ôm đứa con gái bé bỏng vừa mới chào đời trong niềm hạnh phúc, chị cho biết: “Sự tận tâm của các bác sĩ, hộ sinh BV thời gian qua giúp tôi đón đứa con khỏe mạnh chào đời. Tôi bị cao huyết áp thai kỳ, dọa sanh non khi mới 32 tuần tuổi thai, được các bác sĩ theo dõi liên tục, điều trị ổn định đến khi thai được 37 tuần. Tôi sợ mổ lắm, may mắn các bác sĩ giúp cho sanh thường trọn vẹn".

Bác sĩ CKI Lương Đức Long, bác sĩ điều trị Khoa Sanh cho biết, sản phụ T. có tiền sử cao huyết áp từ thai kỳ trước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiền sản giật, gây xuất huyết não cho mẹ, nhau bong non, ảnh hưởng đến thai nhi. Suốt quá trình theo dõi thai, chúng tôi điều chỉnh huyết áp thai phụ về mức ổn định, đến khi đủ 37 tuần thì cho khởi phát chuyển dạ sanh. Nhờ quản lý thai kỳ tốt, nên quá trình chuyển dạ của chị T. an toàn, tránh cho thai phụ trải qua cuộc mổ bắt con tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Còn thai phụ Lê Thị Cẩm Th. (23 tuổi, ở quận Bình Thủy) mang thai lần 2, nhập viện khi tuổi thai 36 tuần, có dấu hiệu chuyển dạ, trên nền giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân. Qua một tuần theo dõi, điều trị tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, chị Th. không còn đau bụng, nhức lưng và kết quả xét nghiệm tiểu cầu ổn định. Th. được bác sĩ cho xuất viện sau 1 tuần điều trị. Chị Th. kể: “Em sợ sanh sớm tội nghiệp con, cứ kêu bác sĩ suốt. Một ngày 4 – 5 lần bác sĩ đến thăm khám, hỏi han. Có khi giữa khuya, huyết áp em tăng, người nhà cho hay là cán bộ y tế đến phòng bệnh khám ngay”.

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng Khoa Sanh, BV Phụ sản TP Cần Thơ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định, sanh non là cuộc chuyển dạ xảy ra từ tuần lễ thứ 22 đến trước tuần lễ thứ 37 của thai kỳ. Điều này tương ứng khoảng trọng lượng lúc sinh của trẻ từ 500 gram đến 2.500 gram. Khi thai phụ mang thai chưa đến 37 tuần, gặp các cơn đau bụng từng cơn hoặc trì nặng bụng dưới, các cơn đau xuất hiện đều đặn mỗi 5–10 phút/lần, kéo dài 30 giây; hoặc đôi khi là đau lưng thấp âm ỉ, kéo dài cũng có thể là dấu hiệu của dọa sanh non. Vài dấu hiệu khác như ra dịch âm đạo, có thể là dịch nhầy âm đạo, ra máu hoặc nước ối.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ sanh non dao động từ 5% đến 15%, trong đó, khoảng 50% các trường hợp không rõ nguyên nhân. Một số nguyên nhân thường gặp như tăng cân ở mẹ kém, mẹ làm việc nặng nhọc, mang đa thai, hút thuốc, thiếu máu, nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng tiểu, viêm âm đạo… Ngoài ra, mẹ dưới 17 tuổi hoặc trên 41 tuổi, cân nặng mẹ trước khi mang thai thấp, nhau tiền đạo, bất thường ở tử cung… cũng là những nguyên nhân. Yếu tố dự báo quan trọng nhất của sanh non là từng sanh non. Lần sanh đầu càng non thì những lần mang thai sau càng ít khả năng thai đủ tháng.

Theo các thống kê y khoa, trẻ sơ sinh có trọng lượng lúc sinh dưới 2.500 gram có nguy cơ tử vong chu sinh đến 80% ở các nước đang phát triển. Trẻ sinh non có thể bị suy hô hấp sau sanh và bệnh màng trong; xuất huyết não, tổn thương chất trắng quanh não dẫn đến bại não. Điều đáng lưu ý là 50% các trường hợp tàn phế ở trẻ do vấn đề thần kinh liên quan đến sinh non. Trẻ còn đối mặt với tình trạng tồn tại ống động mạch, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, ngưng thở, nhịp tim chậm, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, thai phụ cần kiểm soát cân nặng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Thai phụ có bệnh lý đi kèm trong thời kỳ mang thai cần được theo dõi chặt chẽ hơn.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
sanh non