02/05/2019 - 20:03

Chầm chậm ở Hồ Núi Cốc 

“Bồng bềnh (ơ) bồng bềnh, chòng chành (ơ) chòng chành. Một vùng núi cao nước sâu, thuyền trôi, thuyền trôi. Mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Đảo...”. Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà bác tài xế cứ mở đi mở lại bài hát “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương trên hành trình đưa chúng tôi về với Hồ Núi Cốc bãng lãng khói mây...

Hình tượng chàng Cốc thổi sáo gắn với địa danh Núi Cốc và Hồ Núi Cốc.

Hình tượng chàng Cốc thổi sáo gắn với địa danh Núi Cốc và Hồ Núi Cốc.

Hồ Núi Cốc cách trung tâm TP Thái Nguyên chỉ chừng 15 cây số, cách Hà Nội chừng 90 cây số, trên đường đi sẽ qua địa bàn xã Tân Cương - nổi tiếng với đặc sản trà. Những đồi trà xanh bạt ngàn dẫn lối du khách về xứ sở của huyền thoại.

Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, tạo ra từ một đoạn của dòng sông Công qua quá trình đắp đập. Do đoạn sông này chảy uốn lượn dưới chân núi Cốc nên địa danh Hồ Núi Cốc ra đời từ đó. Đập Núi Cốc được khởi công từ năm 1972 nhưng do chiến tranh và thiên tai nên mãi đến năm 1982 mới hoàn thành. Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước khoảng 25km2. Điều thu hút du khách là toàn bộ mặt hồ có 89 hòn đảo nhỏ xinh xắn, được ví như “vịnh Hạ Long thu nhỏ” ở Thái Nguyên.

Đến Hồ Núi Cốc mà không nghe huyền thoại về thắng cảnh này thì thật thiếu sót. Bà con địa phương ai cũng thuộc làu câu chuyện và kể lại bằng cả niềm tin và tự hào. Chuyện rằng, xưa kia dưới chân núi Tam Đảo có chàng trai nghèo tên Cốc, đốn củi kiếm sống. Chàng có tài thổi sáo mê hoặc lòng người. Năm nọ trời hạn Cốc đến nhà quan xin làm thuê. Vị quan có con gái tên Công nhan sắc tuyệt trần, tính nết hiền dịu. Trai tài gái sắc gặp và yêu nhau. Quan biết chuyện bèn tìm cách can gián. Chàng Cốc bị truy sát phải chạy trốn biệt tăm, nàng Công thì bị nhốt. Chia quyên rẽ thúy mà nên, chàng Cốc chờ người yêu mãi tới khi hóa thành ngọn núi cao - tục gọi Núi Cốc; nàng Công khóc nhớ người yêu, nước mắt chảy thành sông, thân thể hòa vào dòng nước, sông ấy tên gọi sông Công.

Hồ Núi Cốc bây giờ đã là khu du lịch cấp quốc gia, được đầu tư rất bài bản. Vé vào cổng cho người lớn là 130.000 đồng/vé. Điều đầu tiên để du khách “lấy vốn” chính là cảnh sắc nơi này. Mây trời hòa quyện, không khí mát mẻ suốt 4 mùa, cỏ cây in xuống mặt hồ xanh biếc. Xa xa, những hòn đảo ẩn hiện trong sương mờ như huyền thoại; những chiếc thuyền chòng chành câu tôm, bắt cá tưởng như chỉ có trong cổ tích.

Chùa Thác Vàng là nơi níu chân du khách không ít trong khu du lịch Hồ Núi Cốc. Thật ra, đó là một pho tượng Phật cao 45m nhưng rỗng, bên trong như một ngôi chùa. “Chùa thiêng Thác Vàng nằm trong lòng Phật” là câu nói được nhiều người truyền tai và tạo nên điểm nhấn ở Hồ Núi Cốc. Ngoài ra, khu du lịch này còn đầu tư rất nhiều hang động như động Huyền Thoại, động Ba Cây Thông, động Thế giới cổ tích… Còn có khu vườn hồng cổ, khu trò chơi cảm giác mạnh, vườn động vật hoang dã, sân khấu nhạc nước… rất hấp dẫn. Có lẽ, ấn tượng với du khách chính là hành trình đến với động Huyền Thoại. Du khách chầm chậm, từng bước thăm dò bước vào hang động, khám phá các tiểu cảnh cùng thanh âm vang vọng kể lại câu chuyện tình chàng Cốc - nàng Công. Khi câu chuyện vừa dứt, cũng là lúc hành trình khám phá hang động kết thúc.

Thức ăn ở các điểm phục vụ khu vực Hồ Núi Cốc ngon và giá phải chăng. Ngon nhất và không thể bỏ qua là cá hồ. Cá bắt từ Hồ Núi Cốc khá lớn, thịt dai và ngọt do sống trong môi trường tự nhiên. Rau rừng ở đây cũng ngon và rất sạch.

Cảnh vật như thơ, Hồ Núi Cốc mãi vang danh những huyền thoại. Vậy nên, chầm chậm thôi, khi về với Hồ Núi Cốc…

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hồ Núi Cốc