“Thầy dạy làm hề” (NXB Trẻ, quý IV- 2013) là tuyển tập tiểu phẩm, truyện vui đã đăng trên Báo Tuổi Trẻ Cười, nhân kỷ niệm 30 năm Báo Tuổi Trẻ Cười ra mắt độc giả. Tập sách mang đến cho người đọc cái nhìn châm biếm những vấn đề nhức nhối, bất cập của xã hội một cách ý nhị, sâu cay.
Tuyển tập gồm 27 truyện vui, tiểu phẩm của 13 tác giả là cộng tác viên thân thiết của Báo Tuổi Trẻ Cười như: Đồ Bì, Hoàng Thiếu Phủ, Lê Văn Nghĩa, Bích Ngân, Mẫu Hậu, Thủy Cúc, Đông Ki Rét, Đỗ Trung Quân, Phì Tiểu Tử, Mai Bá Kiếm, Mạc Can, Tạ Duy Anh, Đề Lĩnh. Mỗi người một phong cách, một sở trường, nhưng giữa họ có một điểm chung là không thể im lặng trước những điều chướng tai gai mắt, mặt trái của xã hội. Ngòi bút của họ không chỉ châm biếm, đả kích mà còn chất chứa hy vọng sẽ góp phần xây dựng, sửa sai.
Thủy điện là một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay. Thế nên tác giả Đồ Bì (Vũ Đức Sao Biển) vô cùng bức xúc khi một trường đại học của Mỹ trao giải Ig Nobel cho mười cá nhân, tập thể về những công trình nghiên cứu khoa học “đại tào lao” và “siêu ngớ ngẩn” mà bỏ sót các nhà khoa học của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Bởi các “nhà khoa học” này đã có những đánh giá sơ sài, thiếu chính xác về tác động môi trường của công trình thủy điện Sông Tranh 2, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi công trình gây ra những trận động đất liên miên, khiến nhân dân trong vùng lao đao, khổ sở (truyện “Khoa học tào lao”). Trong khi đó, Hoàng Thiếu Phủ tâm tư với tiếng Việt đang dần trở thành “Tiếng vịt” bởi sự “sáng tạo” của giới trẻ. Lê Văn Nghĩa xây dựng hình ảnh một ông già nhưng chạy không thua gì vận động viên ma-ra-tông bởi cả đời ông phải chạy trường, chạy việc, chạy ghế, chạy bệnh viện và đang chạy đất để có chỗ chôn sau khi chết (truyện “Running old man” hay “Ông già chạy bộ”). Đề Lĩnh (nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) chỉ ra những vấn đề nhức nhối của giáo dục qua các truyện: “Nói có sách, mách có sổ”, “Thư tâm sự với học trò lười”
Tác giả Đông Ki Rét đã sáng chế ra một “Máy giặt tâm hồn” với hy vọng sẽ biến những con người có tâm hồn bị vấy bẩn trở lại trong sạch. Nhưng nghiên cứu của ông hoàn toàn thất bại vì những người được “giặt tâm hồn” sau một thời gian đều đến đòi ông trả lại tâm hồn cũ vì tâm hồn trong sáng, tốt đẹp không thể thích nghi được với môi trường sống của họ. Cuối cùng, nhà thơ Đỗ Trung Quân mơ tưởng đến một xã hội tuyệt vời. Một nơi mà ở đó không có trộm cắp, không có tệ nạn, ai cũng sống có trách nhiệm, nhất là các cơ quan công quyền vô cùng có trách nhiệm
Và, tác phẩm của ông đã được Nhà xuất bản đề nghị đưa vào thể loại “Khoa học viễn mơ” hoặc “Xã hội học viễn tưởng” (truyện “Cuối năm ở xóm tôi, ai không tin cũng được”).
Bên cạnh những tiếng cười sâu cay là những câu chuyện với những kỷ niệm vui buồn về nghề nghiệp như: diễn viên Mạc Can với quá trình học làm hề (Thầy dạy làm hề), kỷ niệm đóng phim (Đoàn làm phim
Ủa); nhà thơ Đỗ Trung Quân với những sự cố khi làm MC đám cưới; quá trình trở thành nhà văn của Tạ Duy Anh
Những câu chuyện này như những gam màu dịu nhẹ, góp phần làm đằm hơn bức tranh mà những gam màu nóng chiếm đa số.
Tuyển tập “Thầy dạy làm hề” là một cuốn sách đáng đọc.
CÁT ĐẰNG