19/05/2019 - 13:25

Cầu Vàm Cống khánh thành: Dứt cảnh lụy phà  

(CTO)- Sáng 19-5, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống, dứt cảnh "qua sông phải lụy phà". Tổng mức đầu tư thực tế 5.465 tỉ đồng. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: T.H

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại lễ khánh thành.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, khẳng định: Giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển đến đâu thì nền kinh tế phát triển theo đến đó. Cầu Vàm Cống khánh thành có ý nghĩa quan trọng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, cảm ơn sự ủng hộ của Chính phủ Hàn Quốc và các nhà thầu Hàn Quốc, các ngân hàng phía bạn đã ủng hộ để dự án hoàn thành.  

Đại biểu dự lễ khánh thành. Ảnh: T.H

Đại biểu dự lễ khánh thành. Ảnh: T.H

Bộ trưởng Thể cho biết, ĐBSCL là vùng đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Mặc dù nhà nước đã tập trung nhiều nguồn vốn, triển khai trong nhiều nhiệm kỳ cho vùng nhưng phải khẳng định đến nay, giao thông vẫn là điểm nghẽn của vùng. Do đó, cầu Vàm Cống đưa vào khánh thành, sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kể từ hôm nay, chúng ta đi qua sông Hậu trên địa bàn TP Cần Thơ qua Long Xuyên, An Giang và Cao Lãnh, Đồng Tháp sẽ không còn đi phà nữa; bà con, doanh nghiệp đi lại dễ dàng. Nếu đi phà mất khoảng 30-45 phút, còn chạy xe qua cầu chỉ mất 3-5 phút. 

Cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống

Cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống. Ảnh: T.H

Đại biểu thực hiện nghi thức gỡ bảng tên cầu Vàm Cống. Ảnh: T.H

Đại biểu thực hiện nghi thức gỡ bảng tên cầu Vàm Cống. Ảnh: T.H 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cầu Vàm Cống có vi trí chiến lược, nằm trên trục giao thông mới xuyên Đồng Tháp Mười, xuyên ĐBSCL, đó là đường Hồ Chí Minh kết nối từ TP HCM qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang xuống Cà Mau. Khánh thành cầu Vàm Cống cũng có nghĩa là một mắc xích quan trọng trên đường Hồ Chí Minh đã khơi thông, cùng với cầu Cao Lãnh và đoạn đường cao tốc nối cầu Vàm Cống- cầu Cao Lãnh có thể nói tỉnh Đồng Tháp hiện nay không còn là tỉnh khuất nẻo nữa mà đã nằm giữa hai cầu lớn bắc qua sông Hậu. Và không có con đường nào đi lên TP HCM nhanh nhất bằng con đường đi qua cầu Vàm Cống, qua quốc lộ 80, hoặc cầu Cao Lãnh để về đến TP HCM.

Đoàn xe đầu tiên qua cầu

Đoàn xe đầu tiên qua cầu. Ảnh: T.H

Cây cầu này đem lại động lực rất lớn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Tạo điều kiện cho du khách, nhà đầu tư đến vùng nhanh nhất, tiện lợi nhất. "Thông xe cầu Vàm Cống nghĩa là đã thực hiện ước mơ ngàn đời ông cha từng mơ ước. Vui mừng, mong ước của chúng ta có cây cầu bắc qua sông Hậu giờ đã thành sự thật"- ông Thể nói.

Xe máy qua cầu

Xe máy qua cầu. Ảnh: T.H

Để phát huy cầu Vàm Cống và tuyến đường Hồ Chí Minh nói chung, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Quốc Hội, Chính phủ triển khai thêm một số công trình kết nối cho tuyến đường này. Cụ thể là từ tiền tiết kiệm của cầu Vàm Cống, khoảng hơn 1.000 tỉ đồng; Bộ tham mưu Chính phủ và được sự đồng ý của Chính phủ Hàn Quốc, Bộ GTVT đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đang khẩn trương để sớm khởi công tuyến tránh thành phố Long Xuyên để kết nối vào cầu Vàm Cống, đảm bảo hiệu quả tuyến đường này.

Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97km và đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ và cách bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu. Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp chính hình chữ H cao 143,9m, mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ; đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với tốc độ thiết kế 80km/h. 

Đại diện chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; Tư vấn thiết kế và giám sát cầu Vàm Cống là Liên danh Dasan – Kunhhwa-Pyunghwa (Hàn Quốc); tư vấn thiết kế đường dẫn là liên danh CDM Smith Inc (Mỹ) – WSP Finland Limited (Phần Lan0 – Yooshn Engineering Corporation (Hàn Quốc); Tư vấn giám sát đường dẫn là Liên danh Sambo – Dongbu (Hàn Quốc). Nhà cầu thi công cầu Vàm Cống là Liên danh GS E&C – Hanshin E&C (Hàn Quốc), thi công đường dẫn là Hanshin E&C.

Ngày 10-9-2013, Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Vàm Cống, trong quá trình thi công dù gặp một số điều kiện không thuận lợi, nhưng nỗ lực khắc phục từ các đơn vị tư vấn, nhà thầu cũng như trợ giúp từ các nhà tài trợ, Chính phủ Úc, Ngân hàng phát triển Châu Á… đến nay dự án đã được hoàn thành. Dự án được các đơn vị tư vấn kiểm định trong nước, tư vấn đọc lập quốc tế đánh giá đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu, tổ chức họp với các cơ quan đơn vị liên quan vào ngày 10-5 và đã thống nhất đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng. 

Chú Lê Thành Thái, 55 tuổi nhà ở gần cầu Vàm Cống cho biết: tui ra đây từ sáng sớm, chờ người ta cắt băng khánh thành để được đi lên cầu. mừng lắm khi có cầu bắc qua sông Hậu, dân đi lại dễ dàng hơn.

Chú Lê Thành Thái, 55 tuổi nhà ở gần cầu Vàm Cống cho biết: tui ra đây từ sáng sớm, chờ người ta cắt băng khánh thành để được đi lên cầu. mừng lắm khi có cầu bắc qua sông Hậu, dân đi lại dễ dàng hơn. 

Ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết: Dự án ban đầu được phê duyệt kinh phí là 7.341 tỉ đồng, thi công thực tế 5.465 tỉ đồng. Cầu Vàm Cống là chiếc cầu thứ hai bắc qua sông Hậu, dứt cảnh qua sông phải lụy phà. Cầu đưa vào sử dụng rút ngắn thời gian lưu thông của các tỉnh Tây sông Hậu đến TP HCM.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: T.H

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: T.H 

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, cho biết: Sự kiện này là ước mơ, mong mỏi của người dân Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Sau cầu Cần Thơ, nay có thêm cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế-xã hội thành phố và các tỉnh ĐBSCL. 

Chủ tịch thành phố cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc, các nhà thầu thi công, những công nhân ngành cầu đường Việt Nam, Hàn Quốc và sự ủng hộ của người dân để cầu Vàm Cống hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời khẳng định Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT để khai thác hiệu quả công trình, đảm bảo an toàn.

Ông Shin Deog Yong, Phó Chủ tịch cao cấp Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, nói: Tôi biết ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam nhưng tiềm năng phát triển chưa được phát huy hết do thiếu cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải. Lễ khánh thành cầu Vàm Cống hôm nay là bước tiến lớn cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Chúng tôi mong muốn tiếp tục cộng tác với Bộ GTVT Việt Nam và các địa phương để đầu tư các dự án phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL.

Dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong. Ảnh: T.H

Dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong. Ảnh: T.H

THU HÀ - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cầu Vàm Cống