Bài, ảnh HIẾU THUẬN
Nằm sát người xuống mũi chiếc vỏ lãi, anh Khởi nhanh tay kéo luồng câu lên khỏi mặt nước. Những con cá ngát mắc câu liên tục giãy giụa nhưng đã nhanh chóng nằm gọn trong vợt, anh Khởi nói: “Nó miết dây dữ lắm, biết ngay là cá bự!”.
Như thường lệ, tờ mờ sáng, anh Nguyễn Văn Khởi ở ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, đã nổ máy, rồ ga đưa chiếc vỏ lãi lao nhanh về phía cửa biển bắt đầu cuộc mưu sinh với nghề câu kiều. Sau gần 30 phút len lỏi qua những bàu sò của người dân, chiếc vỏ lãi cũng đưa anh đến khu vực thả câu cách bờ chừng 4 hải lý. Rất nhanh, anh Khởi tắt máy, quăng mỏ gạt để tìm luồng câu được thả trước đó. Phăng theo luồng dây câu, anh Khởi hào hứng: “Có cá, cá bự nghen. Nó miết dây lắm…!”.

Anh Nguyễn Văn Khởi gỡ cá mắc câu.
Nép sát người xuống mũi vỏ lãi, anh Khởi kéo lên khỏi mặt nước một con cá ngát khá to. Bị dính câu, cá liên tục giãy giụa tìm đường thoát nhưng đã nhanh chóng nằm gọn trong chiếc vợt của người thợ câu lành nghề. Nghề câu kiều khá đơn giản, dụng cụ chỉ cần dây câu, cây nỏ gỡ cá, cây mỏ gạt tìm dây câu và xuồng máy. “Một luồng câu dài 220m thì mình cắm một cái cột cờ đánh dấu đường câu và để báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Ngoài ra, nghề này cũng cần kinh nghiệm nhìn con nước để biết vùng biển nào có nhiều cá để giăng câu” - anh Khởi nói.
Theo anh Khởi, nghề câu kiều có thể làm quanh năm nhưng dính cá nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Khi đó, trên vùng biển An Biên, mưa gió làm biển động nhiều, các luồng cá cũng “chạy loạn” tứ tung khiến chúng dễ mắc câu. “Câu kiều là hình thức câu không cần dùng mồi. Dưới mặt biển, hàng ngàn chiếc lưỡi câu đung đưa theo chiều nước, các loại cá bơi đi tìm mồi, gặp chướng ngại vật thì quay đầu hoặc quẫy đuôi sẽ bị mắc vào lưỡi câu. Cá càng ngọ nguậy cố thoát thì càng bị lưỡi câu mắc sâu vào” - anh Khởi giải thích.
Hôm nay có vẻ trúng đậm, ngoài cá ngát anh Khởi liên tục gỡ thêm cá vồ chó, cá đuối, cá lạc, mực, thậm chí có cả tôm tít. Những chú cá nhỏ sẽ được anh thả về biển cả như một cách góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản đang ngày càng cạn kiệt… Anh Khởi cho hay với 6 luồng câu, trung bình mỗi đêm anh bắt được 10-15kg cá ngát. Hiện giá cá ngát vựa mua 40.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, anh còn lại 300.000-400.000 đồng/ngày, cũng có khi nhiều hơn. Mặc dù hiện thu nhập mang lại từ nghề câu kiều cơ bản ổn định nhưng những người thợ làm nghề này cho biết câu kiều cũng khá bấp bênh do phụ thuộc luồng cá trong tự nhiên. Thêm nữa, việc thả câu trên những chiếc xuồng, ghe máy thô sơ lênh đênh giữa biển vào những lúc sóng to, gió lớn và tình trạng luồng câu bị ghe cào bờ kéo mất câu, đứt vốn là những thách thức phải đối mặt.
Gần 4 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, chuyến mưu sinh của anh Khởi cũng kết thúc sau khi gỡ hết cá từ luồng dây câu thứ sáu. Chiếc vỏ lãi xé toạc những con sóng biển đang vỗ mạnh lao nhanh vào bờ rạch Thứ Sáu Biển. Tiếng va chạm giữa sóng biển và chiếc vỏ lãi sẽ làm nhiều người sợ sệt nhưng vời anh Khởi đó lại là niềm vui. Bởi đơn giản mỗi khi biển động cá sẽ dính câu nhiều hơn. Hôm nay Khởi bán cá ngát được gần 600.000 đồng. Về đến nhà, đưa hết tiền cho vợ, anh Khởi cười: “Nghề này tuy đơn giản nhưng cũng cực, được cái cơ bản có tiền lo cho vợ con, giúp cuộc sống ổn định!”.
Ông Nguyễn Khắc Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Sáu Biển, cho biết: “Ở Sáu Biển, ngoài nuôi vẹm xanh, tôm, cua, địa phương có trên 20 hộ làm nghề câu kiều bắt cá ngát. Nghề này có khó khăn, vất vả nhưng đổi lại kinh tế ngư dân thu nhập đều đều nên họ có thêm điều kiện để lo cho con đến trường...”.