01/10/2009 - 11:01

Canh cánh nỗi lo dịch bệnh
(Tiếp theo và hết)

Lãnh đạo ngành y tế thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các bệnh viện trực thuộc trong công tác phòng chống, điều trị cúm A(H1N1). Trong ảnh: Bác sĩ Lê Hùng Dũng (thứ 2 bên trái) Giám đốc Sở Y tế cùng y bác sĩ Trung tâm y tế dự phòng TP Cần Thơ đang kiểm tra tình hình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: K. LOAN

Lượng bệnh tăng, các bệnh viện trở nên quá tải, các cán bộ y tế ở hệ điều trị phải “mở hết công suất” để làm việc. Công tác tuyên truyền, vận động, dập dịch, phòng chống dịch cũng được đặt lên hàng đầu. Các cán bộ y tế dự phòng luôn tất bật ngược xuôi. Trong tình cảnh đó, mỗi người dân trang bị kiến thức về sức khỏe, thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế... là giải pháp tự bảo vệ mình hữu hiệu nhất.

Chờ đợi, chen chúc...

Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, chị Đ.T.A.P., ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, vừa dỗ dành con gái, vừa nhích sang chiếc ghế gần bên để chờ đến lượt khám của con. Chị thở dài, cho biết: “Tôi đến đây từ 6 giờ 30, đến 9 giờ 20 mới ngồi được ở ghế này (ghế gần bác sĩ khám bệnh, còn 2 cháu nữa sẽ đến lượt con chị- PV). Tôi thấy con sốt đã 3 ngày rồi, có mua thuốc uống mà không hết, cứ lừ đừ, nên tôi đưa con sang đây khám. Thấy con mệt, tôi sốt ruột lắm nhưng bệnh đông quá, phải ráng chờ chứ biết làm sao bây giờ”.

Rời khoa Khám bệnh, đến khoa Nội tổng hợp, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi bức bối, ngột ngạt mà bệnh nhi điều trị nội trú tại đây phải chịu đựng. Nhiều giường bệnh có đến 2- 3 trẻ, mỗi trẻ còn kèm theo 1 phụ huynh. Khoảng không gian trong các khoa được tận dụng hết cỡ, những chiếc giường được kê san sát nhau hoặc ghép đôi giường để 3- 5 bệnh nhi nằm. Chị Lương Trần Lệ Thắm, ở Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, có con bị viêm phổi, đang được điều trị tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Nhiều cháu khác cũng phải chịu cảnh nằm giường đôi như con tôi. Ban ngày, một số người bồng con đi ra ngoài cho thoáng. Ban đêm, mấy đứa nhỏ phải chịu cảnh 2- 3 đứa nằm một giường, rất khó ngủ. Chật chội quá, nhiều người còn phải trải chiếu dưới sàn nhà để con ngủ”.

Khổ nhất là bệnh nhi tại khoa Truyền nhiễm- nơi vốn thường xuyên quá tải. Khi xảy ra dịch cúm A(H1N1), toàn bộ khu vực cách ly ở tầng I của khoa Truyền nhiễm được dành phục vụ bệnh nhi nhiễm, nghi nhiễm A(H1N1), nên tình trạng quá tải càng trầm trọng hơn. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, thời điểm này, lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng từ 20% đến 30% so với bình thường. Bệnh viện có 230 giường bệnh nhưng số bệnh nhi nội trú dao động từ 300 đến 330 nên bệnh nhi phải chịu nằm chung. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn cho biết: “Do khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, bệnh viện chỉ kê thêm được 1 bàn khám tại khu vực khám bệnh. Riêng khu vực nội trú, một số khoa không còn không gian cơi nới, kê thêm giường bệnh. Để giải tỏa áp lực, bệnh viện chỉ còn cách cho bệnh nhi có sức khoẻ ổn định xuất viện, kết hợp hướng dẫn người nhà cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe trẻ tại nhà”.

Khu vực khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng đang chịu nhiều áp lực với lượng bệnh đến khám ngày càng tăng. Bình thường, lượng bệnh dao động từ 1.200 đến 1.300 bệnh nhân/ ngày nhưng từ khi xuất hiện cúm A(H1N1) đến nay, mỗi ngày khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận từ 1.800 đến 1.900 bệnh nhân. Lượng bệnh nhi điều trị nội trú cũng tăng vượt quá số giường bệnh hiện có, bệnh viện phải kê thêm giường bệnh nhưng đôi lúc vẫn phải cho nằm đôi. Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc bệnh viện, nói: “Chúng tôi đã điều động y, bác sĩ ở các khoa khác để tăng cường cho khu vực phòng khám, lập thêm phòng khám, bàn khám để giải áp, giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh”.

Tại các bệnh viện tuyến huyện, xa ngoại thành, lượng bệnh nhân đến khám điều trị tuy không “nóng” như các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ở nội ô nhưng tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Bác sĩ Tô Bảo Quốc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 250-300 bệnh khám ngoại trú, 60 bệnh nội trú. Với lượng bệnh ngày càng tăng, bệnh viện đã sử dụng triệt để công suất giường bệnh là 50 giường”.

Đối phó dịch

Tại phòng Khám Hô hấp thuộc khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, tôi gặp bác sĩ Đặng Văn Hải. Gần giờ nghỉ trưa nhưng bác sĩ Hải cũng như những đồng nghiệp khác của anh ở quầy dược, các phòng khám khác, vẫn tất bật khám bệnh, ghi phiếu, làm hồ sơ nhập viện, phát thuốc... Bác sĩ Hải bộc bạch: “Tôi là bác sĩ ở ICU (Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc- PV), được điều động tăng cường cho khoa khám. Những ngày này, chúng tôi làm việc vất vả hơn bình thường. Giai đoạn này, người bệnh đến đây đều bày tỏ nỗi lo mắc cúm A(H1N1), vì vậy, chúng tôi phải tư vấn, trấn an để bệnh nhân không hoang mang”.

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, các bác sĩ cũng đang tất bật do lượng bệnh tăng đột ngột. Bác sĩ Lê Thị Nguyệt Minh, Phó khoa Nhi, cho biết: “Sau ngày học sinh nhập học, số bệnh nhi nằm viện tăng thấy rõ, có những ngày lên đến 80, 90 bệnh nhi, trong khi khoa chỉ có 40 giường. Tình hình bệnh của nhiều bệnh nhi diễn biến phức tạp, bệnh cũng đa dạng. Trong khi đó, nhân lực tại khoa lại thiếu hụt nên công suất làm việc của anh em trong khoa phải tăng gấp đôi, gấp 3 so với bình thường. Tôi lo rằng nếu tình trạng này kéo dài, y, bác sĩ sẽ không đủ sức gồng gánh công việc”.

Ở hệ dự phòng, các cán bộ y tế cũng đang cật lực vận động, tuyên truyền, dập dịch, phun hóa chất, quản lý, giám sát ca bệnh... Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ, người được giao nhiệm vụ tổ trưởng một nhóm cán bộ “trú” tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản trong những ngày đầu xuất hiện bệnh cúm A(H1N1)- tâm sự: “Các cán bộ y tế dốc toàn lực vào công tác phòng chống cúm A(H1N1) nhưng cũng không thể lơ là công tác phòng chống, dập dịch sốt xuất huyết và một số chương trình dự phòng khác. Vì vậy, anh em làm việc luôn cả những ngày thứ 7, chủ nhật, không kể giờ giấc”.

Tại các quận, huyện ngoại thành như: Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, tình hình dịch bệnh có phần bình ổn so với các quận, huyện nội ô nhưng công tác dự phòng vẫn luôn được chú trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Vĩnh Thạnh, mặc dù dịch bệnh theo mùa có xu hướng giảm so với cùng kỳ nhưng các cán bộ y tế không hề chủ quan, lơ là. Ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống dịch. Bác sĩ Thông nhấn mạnh: “Để công tác phòng bệnh đạt hiệu quả như mong muốn, cần có sự hợp tác của cả cộng đồng, dưới sự huy động lực lượng, chỉ đạo của lãnh đạo các địa phương”.

Tại các cuộc họp bàn biện pháp phòng chống dịch bệnh, bác sĩ Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, luôn chỉ đạo: “Quan trọng nhất là công tác giám sát, cách ly ca bệnh, xử lý ổ dịch. Đối với khối điều trị, cần củng cố, chuẩn bị khu vực cách ly, đội ngũ cấp cứu lưu động, phương tiện, vật tư, thuốc... sẵn sàng phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, cũng cần phải có sự phối hợp giữa ngành y tế và các ban ngành có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, trấn an người dân, hạn chế xảy ra tình trạng hoang mang vì cúm A(H1N1)”. Bác sĩ Dũng cũng khẳng định, hiện tại, ngành y tế đã có đủ khả năng cả về phương tiện, cơ sở vật chất, con người để thực hiện tốt công tác khám, điều trị, phòng chống bệnh cúm A(H1N1).

Trước tình hình dịch cúm A(H1N1) đang lan rộng trong cộng đồng, một số dịch bệnh khác cũng đang vào thời kỳ cao điểm, để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần trang bị kiến thức về sức khỏe, đồng thời, thực hiện hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

BĂNG TÂM- BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết