26/08/2008 - 09:16

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Cần xem xét để có đủ cơ sở xây dựng luật đăng ký giao dịch bảo đảm

* Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật đăng ký bất động sản

Tiếp tục phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 25-8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH thảo luận về Dự án Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm (GDBĐ).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là dự án Luật mới, khó, có ý kiến khác nhau, thậm chí rất khác nhau là điều dễ hiểu. Chủ tịch đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần làm việc kỹ lưỡng hơn nữa nhằm giải quyết những vấn đề chưa rõ, những băn khoăn vướng mắc được các Ủy viên Ủy ban nêu ra trong phiên thảo luận, để có đủ cơ sở xây dựng Luật Đăng ký GDBĐ hoàn chỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đăng ký GDBĐ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Các quy định của Bộ Luật Dân sự về việc đăng ký đối với các GDBĐ, tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam... và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể việc đăng ký GDBĐ đối với tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của các đạo luật này. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10-3-2000 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, do yêu cầu quản lý nhà nước đối với các loại tài sản khác nhau, hình thức giao dịch khác nhau nên dẫn đến quy định về việc đăng ký đối với các giao dịch được bảo đảm bằng các loại tài sản cũng khác nhau. Việc pháp điển hóa các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm để xây dựng thành một đạo luật điều chỉnh chung về vấn đề này là không phù hợp, không thể thực hiện được và cũng không thể tạo nên hệ thống các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Ông Thuận cho rằng: “Không cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật đăng ký GDBĐ”.

Đa số ý kiến trình bày tại phiên họp tỏ ra e ngại việc thực hiện dự án Luật Đăng ký GDBĐ có thể gây lúng túng cho các cơ quan thực hiện và người dân vì sự chồng chéo với các bộ luật khác đã có điều khoản quy định về vấn đề này.

* Chiều 25-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật đăng ký bất động sản.

Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho biết dự thảo Luật quy định về nguyên tắc đăng ký bất động sản, giá trị pháp lý của đăng ký bất động sản, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về bất động sản; tổ chức, hoạt động của cơ quan đăng ký bất động sản và quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản. Trong đó, dự thảo quy định từ đăng ký lần đầu cho đến đăng ký biến động về bất động sản, nhằm công nhận và bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức về bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vì theo đại biểu Luật chưa thể hiện rõ ràng vấn đề này.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận trình bày cũng cho rằng: cần phải bàn thêm về việc phân định phạm vi điều chỉnh của Luật đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật đăng ký bất động sản. Ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật chưa phân định rạch ròi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trình tự, thủ tục đăng ký trong từng dự án luật, dẫn đến có sự chồng chéo, trùng lắp.

Đại biểu Trương Thị Mai và nhiều đại biểu khác đặt câu hỏi tại sao lại giao việc đăng ký bất động sản cho Văn phòng đăng ký bất động sản.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban pháp luật có quan điểm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, không thể và không nên giao cho Văn phòng đăng ký bất động sản là đơn vị sự nghiệp làm chức năng cung cấp dịch vụ công thực hiện. Hơn nữa, quy định người dân vừa phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận, vừa phải đăng ký đối với bất động sản đó thì mới được tham gia vào các giao dịch dân sự là không hợp lý, làm phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục, gây tốn kém, phiền hà cho dân là vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kỹ.

VŨ ANH MINH - QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết