01/06/2010 - 09:44

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cần xác định lại địa vị pháp lý của của cơ quan thanh tra

* Chưa tán thành với quy định về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, sáng 31-5, các đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban (UB) tài chính, ngân sách; UB pháp luật; UB kinh tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp.

Thẩm tra của UB Tài chính, ngân sách về dự án Luật thuế này cho thấy đối tượng chịu thuế theo quy định tại Điều 3 của Dự thảo Luật gồm 5 nhóm là xăng dầu, than, dung dịch HCFC (môi chất làm lạnh chứa hydro - clo - flo - carbon), túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng là chưa đầy đủ. Nhiều ý kiến trong UB tài chính, ngân sách cho rằng về nguyên tắc, đối tượng chịu thuế phải bao hàm mọi sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường. Tại thời điểm bước đầu áp dụng luật, có thể xem xét, lựa chọn đối tượng và áp dụng theo lộ trình thích hợp để đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần lý giải cụ thể về căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế, cũng như việc khi không thu phí xăng dầu (theo quy định tại Điều 13) thì có cần thiết phải bổ sung vào hệ thống pháp luật về phí, lệ phí quy định về cầu đường hay không vì hiện nay phí cầu đường đang được thu qua phí xăng dầu.

Đối với quy định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng chịu thuế nếu không sử dụng trong nước mà xuất khẩu thì không phải chịu thuế (khoản 3 Điều 4), có đại biểu cho rằng chưa hợp lý, cần xác định trách nhiệm BVMT chung trên trái đất, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đa số đại biểu cho rằng các tiêu chí để xây dựng khung thuế đối với một số đối tượng chịu thuế chưa có tính thuyết phục cao, biên độ khung thuế một số nhóm hàng, mặt hàng còn rộng...

Theo UB pháp luật, nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ như hiện nay thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra như các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ đã đề ra. Những sửa đổi, bổ sung như của dự thảo Luật là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Việc quy định Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng cần được xem xét, cân nhắc, tránh chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng; nhất là liên quan đến trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.

Dẫu còn có một số ý kiến khác nhau về các quy định của Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), song theo đánh giá của UB kinh tế, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định mới, cụ thể, rõ ràng hơn, khắc phục những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn

UB kinh tế đề nghị Quy hoạch khoáng sản bao gồm Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước và Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của ngành. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại khu vực có tài nguyên khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Các khu vực còn lại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Đồng thời, có quy định phân chia, điều tiết nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để đầu tư trở lại cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; không quy định khoản thu phí đền bù tài nguyên khoáng sản...

* Chiều 31-5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật bảo vệ môi trường. Phần lớn các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ra đời Luật này nhưng cho rằng, dự thảo còn sơ sài, dễ dãi và chưa chặt chẽ khi mới chỉ xếp 5 nhóm là: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng vào đối tượng chịu thuế.

Các đại biểu đồng tình, Luật ra đời sẽ khiến các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc xả thải ra môi trường, nhưng phạm vi 5 nhóm đối tượng như dự thảo quy định chưa mang tính thuyết phục cao, chưa giải quyết hết được những điều người dân mong muốn; đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế đối với tất cả các đối tượng gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo các đại biểu, còn rất nhiều nhóm cần được bổ sung vào đối tượng chịu thuế như chất tẩy rửa, hạt níc, rác; nhiều lĩnh vực, ngành sản xuất như giấy, pin, ắc quy, phân đạm, nhiệt điện... gây ô nhiễm rất nặng cho môi trường.

Theo báo cáo thẩm tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với tính chất là đạo luật về thuế bảo vệ môi trường, về nguyên tắc, quy định về đối tượng chịu thuế phải bao hàm mọi sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường. Tại thời điểm hiện nay, khi bước đầu áp dụng luật thì có thể xem xét, áp dụng theo lộ trình thích hợp, lựa chọn những đối tượng phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đồng tình với quan điểm coi Luật như một công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ thân thiện. Tuy nhiên, theo đại biểu, không đặt nặng mục đích thu nhưng công cụ này cũng phải đủ sức hữu hiệu, để các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phải có trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.

Đề cập mối quan hệ giữa phí và thuế, nhiều đại biểu cho rằng cần tách bạch giữa hai vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, về nguyên tắc, các hành vi vi phạm chỉ bị xử lý 1 lần, vì thế vẫn duy trì phí trong khi đánh thuế là chưa thuyết phục. Đại biểu cho rằng, cần rà soát lại để không trùng lặp giữa các điều tiết của Nhà nước và đảm bảo công bằng.

CHU THANH VÂN- THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết