29/08/2014 - 20:33

Cần vận động tháo dỡ “linh vật” ngoại lai, không có giá trị lịch sử - văn hóa

Tượng sư tử đắp xi măng được thờ tại một đình thần trên địa bàn quận Ninh Kiều. 

Đầu tháng 8-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có công văn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không thờ phượng, đặt để nơi tôn nghiêm những biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trước tình trạng “linh vật” ngoại lai được đặt vô tội vạ tại đình, chùa, di tích và các nơi công cộng, dư luận rất đồng tình với khuyến cáo của Bộ VHTTDL. Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đã thị sát một số di tích tại Hà Nội và vận động di dời những “linh vật” như thế.

Riêng ở TP Cần Thơ, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều “linh vật” không phù hợp vẫn còn chễm chệ tại các đình, chùa, di tích. Dạo một vòng nhiều đình, chùa, chúng tôi ghi nhận có nhiều “linh vật” là sư tử, hổ được làm bằng đá, thạch cao, gốm tráng men… không có giá trị mỹ thuật, lịch sử. Tại một đình ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, có một tượng sư tử màu vàng nghệ chói mắt với đường nét khá thô, dáng vẻ dữ tợn, nhe nanh múa vuốt được đặt bát nhang để nhân dân… lễ bái. Tại một chùa ở quận Bình Thủy, trước bảo tháp thờ các vị sư là hai tượng sư tử đá cao bệ vệ, đường nét chạm trổ thô kệch, không có giá trị thẩm mỹ lẫn văn hóa tâm linh. Ở Di tích Quốc gia Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), “đón tiếp” khách tham quan là hai tượng sư tử đá mới toanh với vẻ mặt hung tợn quay ra ngoài, án ngữ ngay trước cổng. Bước vào cổng lại thấy một cặp sư tử tương tự quay mặt vào trong. Mỗi hạng mục như nhà thờ, nhà lưu niệm… đều có cặp sư tử đá. Thiết nghĩ, những tượng sư tử nhe nanh múa vuốt ấy không nên đặt tại khu mộ một danh nhân, một nhà thơ nổi danh nho nhã, hiền lương.

Không chỉ có các đình, chùa, di tích mà nhiều trụ sở công ty, xí nghiệp cũng xuất hiện những “linh vật” với quan niệm “phải có gì để trước cổng cho oai”. Một công ty có trụ sở ở đường 30 Tháng 4, đối diện VTV Cần Thơ, còn đặt cặp sư tử đá cao quá đầu người ngay trên vỉa hè dành cho người đi bộ!

Cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước, các “linh vật” đặt tại các di tích, đền chùa Cần Thơ được người dân phụng cúng hoặc ban quản lý di tích tự “trang bị”. Các “linh vật” này được các nghệ nhân điêu khắc, đắp bê tông hay nung gốm theo trí tưởng tượng bắt chước, hoàn toàn không có khuôn mẫu, tiêu chí nào. Các cá nhân, khu di tích cứ vô tư đặt, thậm chí thờ phụng những tượng đá chưa được kiểm chứng về giá trị văn hóa, lịch sử ấy. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, đưa các “linh vật” không rõ nguồn gốc vào các di tích, công trình văn hóa, tôn giáo là tự xóa nhòa bản sắc, làm méo mó lịch sử.

Mới đây, để giúp các ngành chức năng và nhân dân hiểu rõ những mẫu linh vật thực sự của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã giới thiệu bộ sưu tập mẫu và thông tin về các biểu tượng và linh vật thuần Việt. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng rằng, di tích nào đã có linh vật từ xa xưa do lịch sử để lại thì nên chấp nhận, chỉ vận động di dời những “linh vật” mới được đặt.

Công văn 2662 của Bộ VHTTDL ngày 8-8 nêu rõ: “Sở VHTTDL các tỉnh/ thành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương”. Thiết nghĩ, ngành văn hóa Cần Thơ nên sớm có những động thái tích cực, ra quân tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ, di dời các “linh vật” không phù hợp với thẩm mỹ và văn hóa Việt ra khỏi những nơi thờ tự và cả cơ quan, công ty. Riêng với các di tích đã được xếp hạng, nếu các “linh vật” ngoài danh mục đã kiểm kê cần kiên quyết buộc tháo dỡ, di dời. Đó cũng là cách để giữ nét văn minh trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân Cần Thơ.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết