19/01/2010 - 20:34

Người tiêu dùng chọn mua mỹ phẩm

Cẩn trọng với hàng nhái

Hiện nay, nhiều hãng mỹ phẩm cao cấp đã thành lập nhiều cửa hàng, đại lý và bán hàng trực tiếp cho NTD qua các tư vấn viên và viện thẩm mỹ. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Viện thẩm mỹ Lady’s Spa.

Người tiêu dùng (NTD) trong nước đang có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn và sử dụng các chủng loại hàng với chất lượng và giá cạnh tranh. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam cũng tăng cao, trong đó có nhu cầu sử dụng các loại mỹ phẩm làm đẹp. Tuy nhiên, vấn nạn hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc vẫn đang là bài toán khó cho các nhà sản xuất, các cơ quan chức năng và cả NTD...

Cơ hội xài “hàng hiệu”

Với doanh số tiêu thụ trong năm 2009 ước đạt 120 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2004, thị trường sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được nhật báo Nikkei của Nhật Bản đánh giá là đang phát triển rất nhanh chóng và giàu tiềm năng. Cũng theo tờ báo này, hiện nay, các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu chiếm gần 90% thị phần các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam và dự kiến thị trường này tiếp tục tăng khoảng 15%/năm vào những năm tới.

Cùng với một số thị trường lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thị trường mỹ phẩm tại TP Cần Thơ trong những năm trở lại đây phát triển khá nhanh. Đó là các hệ thống bán lẻ của các thương hiệu lớn như Oriflame, Avon, Debon, Ohui, Lo ‘vité, Maybelline, L‘Oreal... thành lập nhiều cửa hàng, đại lý và bán hàng trực tiếp đến tay NTD qua các tư vấn viên, viện thẩm mỹ.

Nếu như trước kia, NTD tại các vùng nông thôn khó có thể tìm mua các loại mỹ phẩm chính hãng thì nay các nhãn hàng này đã xuất hiện rất nhiều. Sự nỗ lực của các nhà sản xuất là yếu tố góp phần rất lớn để thay đổi phương diện cho thị trường mỹ phẩm. Hiện nay, nhiều thương hiệu mỹ phẩm lớn tại Việt Nam đã cố gắng tận dụng, phân khúc thị trường từ những mặt hàng cao cấp đến các sản phẩm phổ thông. Ông Nam, chủ một cửa hàng phân phối các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng tại TP Cần Thơ, cho biết: “Khách hàng giờ đây đã nhận thức tốt hơn về làm đẹp, khi mua hàng họ quan tâm nhiều đến thương hiệu và xuất xứ hàng hóa. Không những thế, các mặt hàng mỹ phẩm ngày nay cũng được phân phối về các chợ, điểm kinh doanh tuyến huyện, xã vùng sâu, xa. Với sức tiêu thụ mỗi năm một tăng, điều đó chứng tỏ nhu cầu của NTD ngày càng tăng mạnh”.

Bán hàng trực tiếp đến tay NTD đang là cách kinh doanh của nhiều thương hiệu mỹ phẩm lớn hiện nay. Theo cách bán này, các mặt hàng mỹ phẩm thông qua các tư vấn viên độc lập hoặc tại các viện thẩm mỹ. Đây là kênh phân phối giúp NTD yên tâm hơn về chất lượng và giá cả của sản phẩm. Chị Phương Duy, Trưởng phòng Truyền thông Oriflame Việt Nam, cho biết: Có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, trong 6 năm qua Oriflame Việt Nam đã thành công thông qua các hệ thống bán hàng của các tư vấn viên với khoảng 35.000 tư vấn viên trải dài khắp cả nước với 4 văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Hiện nay, Oriflame có hơn 1.000 dòng sản phẩm cho các đối tượng là phụ nữ, nam giới, trẻ em và doanh số bán hàng ngày càng tăng. Trong năm 2009, chỉ tính hết quý 3, doanh số kinh doanh của Oriflame tại Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm 2008.

Cẩn trọng với hàng nhái, không rõ nguồn gốc

Cùng với việc nỗ lực xây dựng uy tín nhãn hiệu trên thị trường, các hãng mỹ phẩm chính hãng hiện nay còn phải đối mặt với vấn nạn hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc đang phát triển rất nhanh. Theo kết quả khảo sát trên thị trường Hà Nội vào quý I/2009 của Công ty L‘Oreal/Maybelline Việt Nam, đã phát hiện hơn 20 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm giả mạo trưng biển bán mỹ phẩm của hãng này.

Trên địa bàn TP Cần Thơ, NTD không khó để tìm mua một sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có sự chênh lệch lớn về giá cả. Ví dụ như một hộp phấn nền hay cây son môi Essance với mẫu mã giống như hàng chính hãng nhưng giá đến tay NTD chỉ bằng 2/3, thậm chí một nửa so với giá chính hãng.

Không những thế, các loại kem dưỡng tự pha chế (NTD thường gọi là kem trộn) được trưng bày ngay trên kệ hàng, hầu hết các sản phẩm đều được đựng trong các hộp nhựa nhỏ dùng đựng thực phẩm. Các loại hàng này chủ yếu dùng lột trắng và dưỡng da. Khách hàng có thể chọn lựa loại kem lột trong vòng 1, 2, 3 giờ, thậm chí chỉ trong vòng 15 phút là đảm bảo có một làm da trắng, đó là lời giới thiệu của các chủ cửa hàng khi khách hỏi mua các sản phẩm này. Còn nếu khách hàng hỏi về nguồn gốc thì các chủ cửa hàng đưa ra lời cam kết là hàng này do mình tự pha, nhiều khách hàng đã dùng rồi nên cứ yên tâm mà dùng.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ, qua kiểm tra tại một số điểm sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ, hầu hết đều sản xuất khá đơn giản, chủ yếu trộn các thành phần làm kem trộn lẫn lại rồi đun nấu theo cách thông thường. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất hầu hết không có cơ sở riêng mà nằm ngay trong hộ gia đình. Tuy nhiên, theo đội chống hàng gian, hàng giả Chi cục QLTT TP Cần Thơ, việc xử lý hàng mỹ phẩm hiện nay khá khó khăn. Bởi theo Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ban hành ngày 6-4-2005, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hàng hóa là mỹ phẩm sản xuất trong nước khi kiểm tra nếu không công bố chất lượng hoặc công bố không đúng chỉ bị xử phạt hành chính, trả lại cho cơ sở tái chế và dán nhãn đúng như đăng ký về công bố chất lượng chứ không bắt giữ tiêu hủy.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Hiện nay, nhiều hãng mỹ phẩm cao cấp đã thành lập nhiều cửa hàng, đại lý và bán hàng trực tiếp cho NTD qua các tư vN

Chia sẻ bài viết