Phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) và du lịch đường sông là những sản phẩm trọng tâm mà Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đang chú trọng đầu tư. Vừa qua, ngành Du lịch hai địa phương đã trao đổi, kết nối nhằm phát huy tiềm năng du lịch, hướng tới xây dựng sản phẩm liên kết, thúc đẩy sự phát triển du lịch giữa Cần Thơ, vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ.
Buổi làm việc và trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch giữa TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Phát huy tiềm năng du lịch địa phương
Trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh đã phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng, Thạnh An, Cần Giờ gắn với khai thác giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ. Đây được xem là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên cùa thành phố trong nỗ lực làm mới sản phẩm, đón khách du lịch trong mùa cao điểm lễ, Tết. Trong giai đoạn đầu, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 dịch vụ phục vụ du khách với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển...
Trong Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, Cần Giờ được xác định là một trong các khu vực trọng điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của rừng, biển và khu dự trữ sinh quyển. Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp với các sở ngành hữu quan triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại 5 huyện của thành phố. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng nhiều sự kiện điểm nhấn như trong Lễ hội Sông nước lần thứ nhất năm 2023, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, lễ hội…
Bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Hồ Chí Minh, thông tin ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai sản phẩm đặc trưng nhằm tập trung khai thác, phát huy thế mạnh du lịch của TP Thủ Đức và các quận, huyện gắn liền với các loại hình du lịch vốn là tiềm năng thế mạnh của địa phương. Theo đó, TP Hồ Chí Minh chú trọng các sản phẩm chính là MICE, du lịch golf, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch y tế, bên cạnh du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp, sinh thái, ẩm thực.
Trong khi đó, du lịch sông nước được xác định là một trong hai sản phẩm đặc thù, chủ lực của du lịch Cần Thơ. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Du lịch MICE và du lịch sông nước là hai sản phẩm chính mà du lịch Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển, bên cạnh các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa lịch sử, nông nghiệp, ẩm thực…”. Cụ thể, Cần Thơ sẽ phát triển loại hình du lịch đường sông theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với chợ nổi Cái Răng và Phong Điền, khai thác thế mạnh hệ thống kênh rạch.
Đến với sản phẩm du lịch sông nước Cần Thơ, du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá những giá trị tiêu biểu nhất của vùng ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng. Đó là cuộc sống của người dân gắn với ruộng vườn trên các cù lao và vùng đất ven sông, nét sinh hoạt sông nước truyền thống mà tiêu biểu là chợ nổi gắn với cảnh quan sông nước được lồng vào không gian văn hóa đờn ca tài tử đậm chất Nam Bộ. Bên cạnh đó, việc tận dụng lợi thế đường sông dọc sông Hậu và sông Cần Thơ, cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Sơn (quận Bình Thủy) để xây dựng những sản phẩm đặc trưng, trải nghiệm đa dạng.
Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng và khác biệt về tiềm năng du lịch, vì thế cũng có những điều kiện thuận lợi để hai địa phương học tập, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm đặc trưng du lịch MICE, du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp.
Cùng nhau gỡ khó
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ vườn trái cây 9 Hồng (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), nói: “Lần này, chúng tôi được ngành Du lịch TP Cần Thơ tạo điều kiện để đi tham quan học tập các mô hình du lịch đường sông, du lịch cộng đồng và nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Chuyến đi mang đến cho tôi nhiều điều hữu ích để có thể mang về ứng dụng tại cơ sở. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn có sự kết nối với các điểm đến ở TP Hồ Chí Minh để xây dựng những tour liên kết mang trải nghiệm đa dạng cho du khách”.
Bus đường sông rất thu hút khách quốc tế tại TP Hồ Chí Minh.
Thực tế, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch các địa phương đang gặp khó và chưa phát huy được tiềm năng như mong đợi. Các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch MICE tại TP Cần Thơ hiện đang vướng về cơ chế, chính sách. Ông Phạm Trung Đông, Trưởng Phòng Dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch, Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ: “Cần Thơ đang gặp khó trong các cơ chế, chính sách về phát triển du lịch MICE, do đó cũng mong muốn tìm hiểu và học tập tại TP Hồ Chí Minh để tham khảo chính sách du lịch MICE. Từ đó, địa phương có thể lựa chọn những giải pháp áp dụng trong thực tế. Về các sản phẩm du lịch đường sông, chúng tôi cũng muốn tham khảo thông tin về công tác quản lý bến tàu và các phương tiện đường thủy phục vụ phát triển du lịch”.
Ông Phan Đông Nhựt, Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho rằng giữa TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ có nhiều cơ sở để liên kết hợp tác phát triển, trong đó có liên kết chung giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020-2030. Trong các liên kết này đều có thỏa thuận trao đổi thông tin quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch… Cũng nhờ đó, trong năm 2023, có hơn 2,7 triệu lượt khách sử dụng chương trình du lịch chuỗi liên kết về khu vực ĐBSCL để trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ.
Riêng TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ có ký kết hỗ trợ riêng giai đoạn 2023-2025 về các nội dung: xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch; xây dựng tuyến du lịch đường sông chủ lực kết nối TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh trong năm 2024; xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch của vùng ÐBSCL, lấy Cần Thơ là trung tâm... Ông Phan Đông Nhựt cho biết: “Bến tàu và các phương tiện đường thủy phục vụ cho đường sông phải có quy hoạch cụ thể với những quy chuẩn riêng dành cho du lịch, phải đúng chuẩn thì chúng tôi mới cấp phép hoạt động”. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu là đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, các tuyến kênh nội đô với các tỉnh, thành lân cận với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy. Trong đó, kế hoạch cũng định hướng rõ về các nhóm sản phẩm: nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10km), nhóm các sản phẩm du lịch tầm trung (các tour trên sông có bán kính từ 10km đến dưới 60km), nhóm sản phẩm nội vùng, liên vùng, đường biển…
Về sản phẩm du lịch MICE, bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Hồ Chí Minh, nói: “Chúng tôi có xây dựng chính sách phát triển du lịch MICE của thành phố trên cơ sở tham khảo chính sách du lịch MICE của các điểm đến trong khu vực: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Mỗi chính sách sẽ hướng đến thị trường mục tiêu cụ thể và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ điều này với Cần Thơ”.
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng: “Lần khảo sát và học tập các mô hình du lịch tại TP Hồ Chí Minh rất thiết thực với chúng tôi. Qua đó, chúng tôi tham khảo cách xây dựng sản phẩm, nâng các dịch vụ, kết nối liên kết về sản phẩm, các phương pháp tổ chức sự kiện hướng đến từng thị trường, thị hiếu khách. Đặc biệt, lần này chúng tôi có những trao đổi cụ thể về các sản phẩm MICE, đường sông. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ nghiên cứu và tham mưu địa phương có những cơ chế chính sách phát triển du lịch MICE, xây dựng bến bãi gắn với tour tuyến đường sông”.