Càng gần đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cũng là lúc mà các địa phương và đơn vị hoạt động du lịch ở khu vực ÐBSCL ráo riết chuẩn bị tour tuyến mới, sản phẩm hấp dẫn để đón khách trong và ngoài nước đến vui chơi, nghỉ dưỡng.
Du khách trải nghiệm ở khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn (TP Cần Thơ).
Sẵn sàng đón khách
Ghi nhận của phóng viên ở các khu vui chơi, giải trí… trọng điểm của tỉnh Ðồng Tháp như Vườn quốc gia Tràm Chim, khu di tích Xẻo Quýt, khu văn hóa Phương Nam, khu di tích lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khu sinh thái Gáo Giồng… đang khẩn trương chỉnh trang sạch đẹp, bổ sung các tiểu cảnh phục vụ khách vui xuân. Trong khi đó, làng hoa Sa Ðéc với khoảng 2.000 giống khác nhau hiện đang vào sản xuất cao điểm vừa phục vụ tiêu thụ Tết, vừa phục vụ nhu cầu vui xuân, chụp lưu niệm khi du khách đến thăm. Ông Phạm Thành Tâm, chủ khu du lịch Cánh đồng hoa hồng ở phường Tân Quy Ðông (TP Sa Ðéc), chia sẻ: “Mấy ngày qua chúng tôi tất bật chăm sóc hơn 6.000 cây hoa hồng cho đẹp, làm thêm các tiểu cảnh để du khách nghỉ ngơi, thư giãn, chụp ảnh; phục vụ các thức uống chế biến từ hoa hồng như trà hoa hồng, si rô hoa hồng… qua đó nhằm quảng bá thương hiệu hoa hồng đã gắn bó với làng hoa Sa Ðéc từ rất lâu”. Ðưa chúng tôi đi thăm khu vườn quýt hồng rộng 6 công đang chín vàng óng rất bắt mắt, ông Ðoàn Anh Kiệt, chủ điểm tham quan vườn quýt hồng Hai Kiệt, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Ðồng Tháp) cho biết, quýt hồng là loại trái đặc sản mỗi năm chỉ có 1 vụ vào dịp Tết. Do quýt hồng vào mùa chín rất đẹp nên vài năm nay ngành du lịch và nông dân phối hợp mở hàng chục điểm du lịch để phục vụ du khách xa gần. Từ tháng 12 cho đến Tết Nguyên đán là rất đông khách các nơi về đây trải nghiệm, tham quan vườn quýt hồng, thích thú khi được chụp ảnh và tận tay hái thưởng thức loại trái ngon này.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh (huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ), chia sẻ: “Sau thời gian chuẩn bị, chúng tôi vừa đưa du thuyền Mỹ Khánh Royal với sức chứa khoảng 300 người vào hoạt động. Du thuyền sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm về đêm mới lạ khi tham quan chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, ngắm nhìn cầu Cần Thơ, cầu Trần Hoàng Na, cầu Cái Răng… thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây, nghe đờn ca tài tử… Sẽ có nhiều chương trình giải trí, ẩm thực phong phú trong dịp Tết để phục vụ khách du lịch xa gần ở lại đất Tây Ðô lâu hơn”. UBND TP Cần Thơ cho hay, để thu hút nhiều khách du lịch, ngành chức năng đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị du lịch… chỉnh trang khu du lịch khang trang, làm mới sản phẩm; vận động xã hội hóa việc tổ chức 4 điểm bắn pháo hoa dịp Tết, xây dựng đường hoa nghệ thuật, đường đèn nghệ thuật, chợ hoa xuân…
Theo UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang), từ nay đến sau Tết 2025 thì đảo ngọc vào mùa đón khách Tây sang nghỉ dưỡng, vui chơi. Hiện nay tập đoàn lớn có đầu tư hoạt động du lịch trên đảo ngọc đã khẩn trương trang hoàng các điểm vui chơi cho hấp dẫn thêm; đồng thời tạo các sản phẩm du lịch mới; giá cả dịch vụ không tăng… để sẵn sàng đón khách quốc tế và trong nước vui xuân…
Tìm hướng phát triển bền vững
Là địa phương có lợi thế về Bảy Núi hùng vĩ, cùng nhiều lễ hội - nhất là lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam vừa được UNESCO ghi danh vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nơi thu hút rất đông du khách đến mỗi năm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tiết lộ, từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2025 lượng khách về An Giang để viếng Bà chúa xứ rất đông. Do đó, các sở ngành đã cùng UBND TP Châu Ðốc và các đơn vị lữ hành chuẩn bị các chương trình phục vụ khách hành hương, kết hợp vui chơi, tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp Bảy Núi. Có thể nói, mặc dù An Giang là một trong những địa phương có lượng khách đến khá đông, với khoảng 9 triệu lượt khách trong năm 2024, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 10.250 tỉ đồng; tuy nhiên tỉnh vẫn chưa hài lòng bởi tỷ lệ khách lưu trú và chi tiêu chưa cao. Khắc phục việc này, An Giang đang xây dựng lại các tour, tuyến du lịch bài bản, gắn kết nối với những địa phương khác trong khu vực ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh và các nước Ðông Nam Á nhằm phát triển đa dạng sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Ðồng thời có phương án giữ chân khách ở lại lâu hơn.
Tại Cà Mau điểm cực Nam của Tổ quốc nơi mà ai cũng mong muốn một lần đến thăm. Dù vậy, lượng khách đến Cà Mau thời gian qua chưa nhiều, doanh thu từ du lịch chưa cao, bởi điều kiện đi lại xa xôi và tỉnh cũng chưa khai thác hết tiềm năng du lịch. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho hay, cùng với việc triển khai các chương trình vui chơi, giải trí, xây dựng các tour phục vụ du khách đến với Cà Mau trong dịp tết 2025. Tới đây, tỉnh hoàn thiện về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030; triển khai các kế hoạch phát triển du lịch, chương trình, sự kiện “Cà Mau - điểm đến”; chương trình phát triển du lịch nông thôn; ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch như, du lịch trực tuyến, du lịch thông minh…
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Tháp, địa phương chú trọng đầu tư hạ tầng, sản phẩm du lịch đặc thù. Ðồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp nên tỉnh xác định du lịch sinh thái, nông nghiệp là một trong những loại hình ưu tiên. Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, trong đó có nhiều điểm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao… Mục tiêu của Ðồng Tháp phấn đấu năm 2025 thu hút 5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 2.100 tỉ đồng.
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) đang vào mùa đón khách Tây.
Ðể đa dạng thêm sản phẩm du lịch của vùng ÐBSCL, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, nhìn nhận, vài năm nay du lịch ÐBSCL đã có nhiều đổi mới trong các sản phẩm, chúng ta không còn nghe nhiều về câu chuyện trùng lắp sản phẩm như trước đây. Rõ ràng thông qua nhiều chương trình xúc tiến, hội thảo… các địa phương đã có nhiều chính sách phát triển sản phẩm du lịch, tạo dấu ấn địa phương.
Tuy nhiên, các chương trình vui chơi giải trí về đêm ở miền Tây kém phát triển; thiếu các sự kiện văn hóa, giải trí quy mô tầm cỡ quốc gia và khu vực. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng miền Tây vẫn chỉ là địa chỉ khám phá chứ không phải là điểm đến nghỉ dưỡng của du khách vì thế tỷ lệ khách quay trở lại ít là điều dễ hiểu.
Tới đây, nhằm cung cấp đến khách du lịch những địa chỉ dịch vụ du lịch có uy tín và chất lượng cao thì các cơ sở phải được công nhận đạt chuẩn. Theo đó, các cơ sở du lịch ở ÐBSCL cần đầu tư đảm bảo các điều kiện cần thiết về vật chất, hàng hóa phải có nguồn gốc cụ thể, được niêm yết và bán đúng giá quy định, dịch vụ ăn uống phải có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, có khu vực vệ sinh dành riêng cho khách hàng, nhân viên phục vụ được trang bị đồng phục và có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ…
Ðối với hầu hết khách du lịch thì việc tìm hiểu ẩm thực nơi mình tới là nhu cầu không thể bỏ qua. Bên cạnh các nhà hàng tại các tỉnh thành trong vùng, các tuyến phố ẩm thực… thì miền Tây vẫn chưa hình thành nên một khu trung tâm văn hóa ẩm thực, mà chỉ dừng ở “chợ đêm” với đa số các món ăn do các tiểu thương tự phát, ở đó khâu an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa thực sự được chú trọng. Việc hình thành nên một trung tâm tinh hoa văn hóa ẩm thực miền Tây không chỉ góp phần làm mới thêm sản phẩm du lịch cho cả vùng, mà còn là giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của ÐBSCL, từ các món ăn mặn như lẩu mắm, lẩu chua, cá kho, gỏi các loại bông… đến các món bánh dân gian bánh bò, bánh đúc, chuối… mà những món ẩm thực này là sự giao thoa văn hóa giữa vùng miền, giữa các nước lân cận, sẽ là những trải nghiệm thu hút khách du lịch.
Ngoài ra, cần tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt, kết hợp du lịch với văn hóa, ẩm thực, thể thao, lễ hội địa phương. Xây dựng các chương trình du lịch tổng hợp, kết nối văn hóa các dân tộc Việt - Hoa - Khmer - Chăm trong các lộ trình thích hợp. Ít nhất trong một chương trình du lịch cũng nên kết nối các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo ra sự khác biệt, đối sánh, tăng sức hấp dẫn tránh đơn điệu, nhàm chán.
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH