31/05/2024 - 14:39

Cần Thơ thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp 

Bên cạnh thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), Cần Thơ đang chú trọng đầu tư cho du lịch nông nghiệp. Không chỉ hỗ trợ người dân, các điểm vườn xây dựng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng; mà ngành Du lịch Cần Thơ còn tổ chức nhiều chuyến đi đến các tỉnh, thành phát triển du lịch nông nghiệp, để học tập và trao đổi kinh nghiệm, tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này.

Học tập các mô hình về du lịch nông nghiệp

Trong tháng 5-2024, đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã có chuyến học tập kinh nghiệm các mô hình du lịch tại Tây Ninh, đặc biệt là các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Tây Ninh hiện đang phát triển du lịch sinh thái gắn với canh nông. Trong đó một số điểm vườn như Bà Đen Farm, vườn dâu tằm Ba Phong, các hợp tác xã nông nghiệp mãng cầu… đang hướng đến canh tác nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch. Các chủ cơ sở, điểm vườn đều hướng tới canh tác chuẩn VietGAP hay hữu cơ, lấy giá trị phát triển bền vững làm mục tiêu.

Anh Nguyễn Thanh Vũ (thứ hai, từ phải sang) trao đổi các kinh nghiệm làm vườn với đoàn công tác Cần Thơ.

Cụ thể như vườn dâu tằm Ba Phong (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) khai thác mô hình du lịch nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật. Anh Nguyễn Thanh Vũ, chủ vườn dâu tằm Ba Phong, vốn là kỹ sư nông nghiệp, có thời gian dài học tập và làm việc về làm nông nghiệp hữu cơ tại Nhật. Khi về nước, anh thử nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ trên đất vườn nhà, trước đây trồng cao su. Anh Nguyễn Thanh Vũ cho biết: “Tôi đã dùng 2 năm để để cải tạo đất và quyết định trồng cây theo hướng hữu cơ hoàn toàn. Theo đó, tôi tạo môi trường sống cho các vi sinh trong đất, tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp làm phân bón. Khi đất ổn định thì tôi trồng dâu tằm xen canh với dừa, sầu riêng. Việc xen canh sẽ tạo cho cây môi trường phát triển, hạn chế côn trùng sâu bọ tấn công”. Thực tế, khi trồng theo phương pháp hữu cơ, cây khỏe, có sức đề kháng tự nhiên, hạn chế sâu bọ, cho năng suất ổn định. Hiện dâu tằm Ba Phong có hơn 1.000 gốc dâu tằm, bình quân mỗi ngày thu hoạch khoảng 80kg. Khi đến đây, du khách không chỉ được tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu về quy trình trồng dâu hữu cơ mà còn được thưởng thức dâu hái tại vườn, siro, mứt dâu tằm… Anh Nguyễn Thanh Vũ cho biết: “Khi nhà nông làm du lịch thì sẽ mang lại lợi nhuận kép, lại lan tỏa những giá trị bền vững. Khi du khách đến trải nghiệm mô hình này sẽ biết về nông nghiệp hữu cơ và giá trị nó mang lại. Đồng thời cũng tạo uy tín cho sản phẩm nông sản của địa phương, từ đó góp phần quảng bá thương hiệu quê nhà hiệu quả. Chưa kể, nông nghiệp hữu cơ còn tốt cho sức khỏe”.  

Bà Nguyễn Thế Ngọc, Giám đốc Ngân Long Home & Camp Cồn Sơn tại TP Cần Thơ, cho biết: “Qua trao đổi và học tập kinh nghiệm ở vườn dâu tằm Ba Phong, tôi rất tâm đắc với mô hình nông nghiệp hữu cơ này và có thể ứng dụng cho mô hình nhà vườn của mình, học được cách làm phân bón hữu cơ, ứng dụng vi sinh để cải tạo vườn. Ở Ngân Long Home & Camp Cồn Sơn, chúng tôi cũng định hướng phát triển du lịch xanh và hướng đến những giá trị bền vững, tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Do đó, khi được tham quan học tập các mô hình như thế này rất hữu ích với chúng tôi”.

Cần Thơ chú trọng thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp

Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp là 114.034ha. Trong đó, diện tích sản xuất lúa khoảng 76.000ha, diện tích cây ăn trái khoảng 25.000ha (chuyên canh đến 11.880ha), diện tích thủy sản khoảng 10.000ha. Đây là tiềm năng và thuận lợi để Cần Thơ phát triển du lịch nông nghiệp.

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Với thế mạnh về vườn cây ăn trái, du lịch sinh thái có sẵn, Cần Thơ định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nhất là du lịch xanh theo hướng bền vững. Ngành Du lịch thành phố định kỳ có chuyến đi học hỏi mô hình, cách làm hay ở các địa phương để tạo điều kiện cho các chủ cơ sở, điểm vườn tiếp cận, học tập đa dạng các mô hình du lịch nông nghiệp. Từ đó có những lựa chọn giải pháp phù hợp để ứng dụng vào mô hình thực tiễn của mình ở Cần Thơ”. Trước đó, Cần Thơ đã tổ chức nhiều chuyến học tập kinh nghiệm về du lịch nông nghiệp, sinh thái tại Đồng Nai, Lâm Đồng… Các mô hình được lựa chọn đều hướng đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tự nhiên… và chú trọng việc kết hợp nông nghiệp với xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng. Các nhà vườn từ đây cũng lựa chọn được những mô hình, giải pháp phù hợp cơ sở của mình. Như các nhà vườn ở Cờ Đỏ, Phong Điền cũng học tập phương pháp hữu cơ để có thể ứng dụng cho vườn cây khỏe mạnh, trái đạt năng suất cao.

Du lịch nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững là một trong những định hướng mà ngành Du lịch TP Cần Thơ quan tâm. Hiện thành phố đã có Ðề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, ngành du lịch địa phương cũng đang tham mưu để xây dựng nghị quyết riêng với những định hướng cụ thể phát triển cho hoạt động du lịch nông nghiệp. Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, thông tin: “Chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình hành động để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ người nông dân vừa làm nông nghiệp vừa làm du lịch. Từ đó góp phần tạo động lực xây dựng nhiều sản phẩm mới lạ, chất lượng hơn”.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết