08/11/2008 - 09:19

Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

* Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Sẽ chất vấn Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, trưởng ngành

* Phiên họp thứ 32 Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam

Sáng 7-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành nửa buổi sáng tiếp tục thảo luận tại Hội trường nội dung về đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu thảo luật tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự.

Phát biểu thảo luận đa số ý kiến của các đại biểu cơ bản nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (Nam Định) đã có phần trả lời, giải đáp một số băn khoăn của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận đề án này. Bộ trưởng cho biết: Thời gian qua, HĐND đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của địa phương. Trong báo cáo đã nêu gọn phần thành tích và có nêu thêm một số phần hạn chế. HĐND quận, huyện, phường có những hạn chế yếu kém nhất định nhưng nguyên nhân không phải là do đại biểu HĐND mà chủ yếu là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp, không phân định rõ ràng dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, hiệu quả có hạn chế. Trong việc tổ chức hợp lý chính quyền địa phương các cấp, phân biệt sự khác nhau giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, có tổ chức hay không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, bên cạnh đa số ý kiến tán thành không tổ chức HĐND huyện, quận, phường vẫn còn nhiều ý kiến chưa nhất trí nên cần thiết thực hiện thí điểm vấn đề này, để có căn cứ kết luận để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Ý kiến của nhiều đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Xung quanh nội dung hạn chế phạm vi áp dụng của hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cùng quan điểm không nhất trí bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279). Các ý kiến nêu lên đều cho rằng: trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang quyết tâm phòng, chống tham nhũng thì việc loại bỏ án tử hình đối với hai tội danh này là không phù hợp, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét lại. Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157) không nên loại bỏ hình phạt tử hình vì theo đại biểu hậu quả của việc làm giả rất nguy hại, có khi hàng giả gây chết người, đề nghị không đưa tội danh này ra khỏi phạm vi áp dụng của hình phạt tử hình.

Chiều 7-11, các đại biểu QH tập trung thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự và dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài.

* Sáng 7-11, bên lề Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã trao đổi với báo giới về quan điểm của mình về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 11-13/11/2008.

Theo Phó Chủ tịch, lần này sẽ chất vấn 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành và Thủ tướng Chính phủ. Cải tiến của phiên chất vấn lần này là sẽ chất vấn theo nhóm vấn đề. Có rất nhiều nhóm vấn đề nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên có lẽ chất vấn sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề nổi cộm nhất. Mỗi một nhóm vấn đề sẽ liên quan đến nhiều bộ.

4 nhóm vấn đề tập trung chất vấn và trả lời chất vấn gồm: thực hiện chính sách tài chính tiền tệ trong tình hình tài chính thế giới khủng hoảng nghiêm trọng và đang xuất hiện tình hình khủng hoảng về kinh tế; nhóm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất (nếu sản xuất tụt xuống quá thấp sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu khác trong đó có mục tiêu về ổn định vĩ mô và an sinh xã hội); nhóm vấn đề thứ 3 liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội và nhóm thứ 4 liên quan đến thực thi những quy định của pháp luật về mặt tư pháp, vi phạm pháp luật, tham nhũng. Cũng có thể có nhóm vấn đề nữa nhưng chắc là Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo thêm và trả lời xoay quanh chỉ đạo điều hành chung và cải cách nền hành chính.

Chiều 7-11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia (UBQG) vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam đã họp phiên thường kỳ lần thứ 32. Đây là phiên họp đầu tiên sau khi có Quyết định 114/2008/QĐ-TTg (ngày 22/8/2008) của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn UBQG vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam.

Hội nghị đã thảo luận Chương trình công tác hai tháng cuối năm 2008, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể là: Phối hợp thực hiện các mục tiêu quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện; phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu , đề xuất việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức Hội nghị thường kỳ lần thứ 32 của UBQG và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế… Hội nghị đã thông qua Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết giữa kỳ, Kế hoạch hành động 2006-2010 và Quy chế hoạt động của UBQG trong tình hình mới.

QUỲNH HOA – THU HƯƠNG – PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết