30/08/2022 - 10:36

Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh 

Bài, ảnh THU SƯƠNG

Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây, đáng báo động ở một số vùng miền và nhóm dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng cơ cấu dân số của đất nước trong tương lai gần.

Một cặp vợ chồng hạnh phúc khi sinh đôi hai con tại BV Phụ sản TP Cần Thơ. 

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) được định nghĩa là số trẻ em trai sinh ra so với 100 trẻ em gái. TSGTKS mức sinh học bình thường nằm trong khoảng từ 102 đến 106 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái. Ở Việt Nam, TSGTKS gia tăng đáng báo động các giai đoạn vừa qua. Từ dữ liệu Tổng điều tra về dân số và nhà ở năm 2019, tỷ suất giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Theo nguồn dữ liệu này, dự báo nước ta mỗi năm có gần 46.000 bé gái không được sinh ra và các bằng chứng này cho thấy nguyên nhân có liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh. Hơn 10 năm nữa, nước ta sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và trong 30 năm nữa, con số này là 2,5 triệu, tương đương khoảng 10% dân số nam dư thừa nếu tỷ lệ hiện tại về mất cân bằng giới tính khi sinh không giảm.

Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc nêu ra 3 yếu tố dẫn đến lựa chọn giới tính trên cơ sở giới ở Việt Nam: Ðó là chế độ phụ hệ và phong tục cư trú bên nội thường dẫn đến sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong gia đình, trong đó bao gồm tâm lý ưa thích con trai. Chế độ phụ hệ là hệ thống gia đình trong đó sự duy trì các thế hệ sau phụ thuộc vào nam giới. Mọi người tin rằng chỉ có con trai mới có thể duy trì dòng họ. Theo chế độ này, con trai thường có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già, ở cùng nhà với cha mẹ ruột và thường thừa kế tài sản từ cha mẹ nhiều hơn so với con gái. Tâm lý ưa thích con trai cùng với tỷ lệ sinh thấp, giới hạn mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã thúc đẩy các kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh. TSGTKS giữa 6 vùng miền của nước ta ước tính giai đoạn 2005-2009 và giai đoạn 2010-2014 có sự khác biệt lớn. Các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và ÐBSCL có TSGTKS ở gần với mức bình thường, trong khi đó, vùng đồng bằng sông Hồng có sự gia tăng mạnh về TSGTKS, ở mức trên 117 bé trai/100 bé gái. Có tỉnh còn cao hơn mức 125.

Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính trước khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị…, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Ðây cũng là một trong những thách thức lớn của công tác dân số Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này nói riêng cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Ðề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025... nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các chuyên gia trong nước và thế giới đều cho rằng, để đưa TSGTKS của Việt Nam trở lại mức bình thường, Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng trọng tâm hiện nay trong lĩnh vực giáo dục và việc làm, tập trung nhiều hơn nữa vào việc giải quyết tình trạng phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong phạm vi gia đình. Những khuyến nghị được đưa ra đó là: Thúc đẩy các quan niệm và thực hành mới trong gia đình; huy động sự tham gia của nam giới, với sự cam kết và hợp tác từ phía nam giới; trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ; nâng cao nhận thức và vận động chính sách về những đóng góp của phụ nữ đối với gia đình và xã hội. Ngoài ra, tăng cường bảo trợ xã hội cho người cao tuổi; giải quyết tình trạng lạm dụng công nghệ y tế. Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu, giám sát chặt chẽ các xu hướng diễn biến của TSGTKS tại các vùng miền khác nhau, tham khảo nỗ lực của các quốc gia trên thế giới giải quyết tình trạng mất cân bằng giới trước khi sinh…

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ cho biết, nhiều năm qua, thành phố đã triển khai và duy trì thực hiện Ðề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường sâu rộng trong cộng đồng để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các cặp vợ chồng. Thống kê dân số tính đến 30-6-2022, tổng số trẻ sinh hơn 6.000, với tỷ số giới tính khi sinh: 105,8 bé trai/100 bé gái. Qua theo dõi, Cần Thơ không ghi nhận việc lựa chọn giới tính, cộng đồng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Chia sẻ bài viết