22/11/2010 - 21:49

Dạy nghề và hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở

Cần thay đổi theo hướng thiết thực hơn

Chương trình hướng nghiệp, dạy nghề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình của bậc Trung học cơ sở (THCS) nhằm định hướng, phân luồng học sinh. Thế nhưng, thời gian qua, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS ở TP Cần Thơ vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Vì sao?

* Tạo kiến thức ban đầu về nghề nghiệp

 Theo nhiều phụ huynh, học sinh lớp 9 còn quá nhỏ để đi học nghề. Trong ảnh: Học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều trong giờ học Anh văn.

Nhằm thực hiện phổ cập giáo dục trung học, hiện nay, ở bậc THCS, chương trình dạy nghề được triển khai từ lớp 6 và hướng nghiệp được triển khai từ lớp 9. Em Nguyễn Minh Luân, học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, cho biết: “Em rất thích học nghề vì qua những tiết học đó, em được tìm hiểu về nhiều nghề để có thể chọn lựa cho tương lai của mình”. Còn với Nguyễn Minh Tiến, nhà ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, từ các tiết học nghề đã nhận ra mình thích và có khả năng sửa chữa điện tử. Tiến nói: “Lúc nhỏ, tôi thường tìm hiểu và tự mình sửa chữa những đồ điện tử trong nhà. Năm học lớp 8, tôi được học nghề điện tử tại trường; qua đó, tôi khẳng định được mình yêu và thích hợp với công việc này. Mặt khác, bản thân nhận thấy không học nổi lớp 10 nên sau khi tốt nghiệp THCS, tôi xin ba mẹ cho đi học nghề điện tử. Bây giờ, tôi có thể sống được với nghề và đang định học bổ túc THPT”.

Từ năm 1981, nhằm giúp học sinh có kiến thức nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện việc hướng nghiệp- dạy nghề cho học sinh THCS. Mục tiêu của chương trình là tạo cho học sinh có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp và chuẩn bị những kỹ năng lao động cần thiết giúp các em bước vào cuộc sống nếu không có điều kiện học lên cao hơn. Ông Lê Văn Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thới, huyện Phong Điền, nhận xét: “Trong những năm qua, nội dung chương trình hướng nghiệp thay đổi rất nhiều để phù hợp với sự phát triển của xã hội”.

Trong chương trình hiện nay, sinh hoạt hướng nghiệp được đổi thành hoạt động giáo dục hướng nghiệp với thời lượng 4 tiết/ tháng ở lớp 9. Còn chương trình dạy nghề tập trung vào 11 nghề thuộc 4 nhóm nghề: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tin học. Mặc dù chương trình giới thiệu và định hướng được phần nào về ý thức nghề nghiệp cho học sinh THCS nhưng nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cảm thấy chương trình còn mang tính hình thức và đang là một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự quá tải đối với học sinh.

* Thiếu tính thuyết phục

Số liệu thống kê từ các kỳ thi nghề cũng cho thấy đa số học sinh ở các trường THCS từ trung tâm thành phố đến vùng ven đều chọn thi nghề trồng lúa. Theo em Nguyễn Thị H., học sinh Trường THCS thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, học sinh chọn học và thi nghề trồng lúa vì nghề này dễ học, thi dễ đậu. H. cũng khẳng định sau này em không theo nghề nông mà sẽ cố gắng học để tìm công việc văn phòng ở một công ty nào đó. Thực tế cho thấy ngoài mục đích học- thi nghề để được cộng điểm xét tuyển vào lớp 10 thì hầu hết học sinh học nghề trồng lúa chẳng biết sử dụng kiến thức nghề của mình vào việc gì. Trần Hoàng B., học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết thi nghề chỉ nhằm mục đích có điểm cộng để “an toàn” trong xét tuyển vào lớp 10. Sau khi thi xong, em không còn nhớ gì kiến thức lý thuyết cũng như thao tác thực hành trồng lúa!

Những năm qua, hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS đều chọn vào học THPT, rất ít học sinh có nguyện vọng vào học trường nghề. Bà Lê Thị Xuân Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Phú 1, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hầu hết học sinh lớp 9 của trường chọn thi vào lớp 10 các trường công lập trên địa bàn. Số học sinh không đậu vào trường công lập thì chọn học bổ túc THPT, một vài em chọn học may, học nghề sửa xe với các tiệm tư nhân bên ngoài”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến trình trạng trên là do thiếu điều kiện dạy- học nghề tại địa phương. Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ mới được thành lập hơn 1 năm, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, rất ít nghề cho học sinh lựa chọn. Để học nghề, học sinh phải đến các cơ sở dạy nghề ở trung tâm thành phố. Đây là điều mà phụ huynh ngán ngại vì đi xa tốn kém, lứa tuổi 15- 16 còn khá nhỏ để có thể sống xa gia đình.

Kinh tế- xã hội phát triển cộng với tâm lý làm thầy hay hơn làm thợ nên phụ huynh mong muốn con em mình học trung cấp, cao đẳng, đại học hơn là học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là mặc dù chương trình hướng nghiệp đã được triển khai nhiều năm nhưng các trường đều thiếu đội ngũ giáo viên chuyên dạy môn học này cũng như chưa có chương trình đào tạo giáo viên hướng nghiệp. Hầu hết giáo viên dạy hướng nghiệp lớp 9 ở các trường là giáo viên dạy bộ môn chưa đủ tiết, giáo viên chủ nhiệm, các thành viên trong ban giám hiệu...

* * *

Chương trình hướng nghiệp- dạy nghề cho học sinh THCS đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, nếu cứ làm theo cách cũ như đã làm trong thời gian qua, dần dần chương trình này chỉ mang tính hình thức. Cơ cấu lại chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên hướng nghiệp- dạy nghề chuyên nghiệp, đầu tư thỏa đáng cho các cơ sở dạy nghề ở địa phương là những giải pháp tổng hợp cần thiết để hiệu quả hướng nghiệp- dạy nghề ở bậc THCS thiết thực hơn.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết