11/01/2012 - 14:47

Cần tập trung xây dựng mô hình điểm nông thôn mới

TP Cần Thơ cần tập trung xây dựng (XD) mô hình điểm, sớm kiến nghị hoàn thiện tiêu chí XD nông thôn mới (NTM)... Đó là một trong các kiến nghị của nhiều đại biểu tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) năm 2011 và kế hoạch năm 2012 trên địa bàn TP Cần Thơ vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức... Theo các đại biểu, để tiến trình XD NTM đi vào thực chất, việc XD mô hình điểm nhằm làm bài học kinh nghiệm, mạnh dạn kiến nghị trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc bỏ những tiêu chí không phù hợp...

Tập trung cho 2 xã điểm

Ứng dụng màng phủ nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Theo Ban chỉ đạo thực hiện chương trình XD NTM (gọi tắt là Ban chỉ đạo) TP Cần Thơ, chương trình mục tiêu quốc gia về XD NTM của thành phố là công việc rất mới. Các cấp, các ngành từ thành phố đến các xã đều vừa làm, vừa học và vừa rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Vì vậy, XD NTM trên địa bàn thành phố thời gian qua còn nhiều lúng túng và gặp không ít khó khăn. Năm 2011, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền và xã Trung An, huyện Cờ Đỏ được chọn làm xã điểm NTM của thành phố. Việc chọn 2 xã điểm này nhằm có sự tập trung chỉ đạo của sở, ngành hữu quan, làm bài học kinh nghiệm cho các xã khác trong quá trình thực hiện chương trình XD NTM. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, đầu năm 2011, Mỹ Khánh và Trung An cùng đạt 14/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Đến cuối năm 2011, cả hai xã điểm của thành phố đều đạt 18/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM.

Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết: Sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi về mặt chuyên môn của các sở, ngành hữu quan, sự phối hợp giữa địa phương và các ngành chuyên môn chặt chẽ đã phát huy hết tính tích cực trong thực hiện XD NTM trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, để đạt được kết quả khả quan như trên, sự quyết tâm, đồng thuận thực hiện XD NTM của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành đoàn thể xã, ấp là động lực quan trọng. Từng thành viên Ban quản lý xã NTM phải xác định được vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về XD NTM phải được thực hiện thường xuyên, cả chiều rộng lẫn chiều sâu như: họp triển khai quán triệt trong nội bộ, lồng ghép họp dân, xây dựng panô, phát tờ bướm... để tạo sự hưởng ứng cao trong cộng đồng, nhất là quần chúng nhân dân.

Bên cạnh việc củng cố và nâng chất các tiêu chí đã đạt, xã Mỹ Khánh và Trung An tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 2/20 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, ngoài tiêu chí chợ (Mỹ Khánh) và tiêu chí trường học (Trung An) đã và đang được triển khai xây dựng, 2 xã điểm của thành phố đang tìm giải pháp nhằm sớm đạt tiêu chí về thu nhập. Theo đó, Mỹ Khánh đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo phân vùng sản xuất; thu hút đầu tư, giải quyết lao động nhàn rỗi, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Xã Trung An phát động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, XD các mô hình có hiệu quả như: sản xuất lúa giống, sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi heo, nuôi cá rô thâm canh, nuôi cá lóc vèo, nuôi ếch, nuôi cá trên ruộng lúa, xen canh màu trên đất ruộng... nhằm tăng thu nhập kinh tế hộ. Tuy nhiên, theo các địa phương, ngay đầu năm 2012, thành phố nên có các giải pháp, tập trung công tác chỉ đạo, hỗ trợ... để 2 xã điểm của thành phố sớm được công nhận xã NTM. Bởi lẽ, thành công của 2 xã này sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho các xã khác trong tiến trình XD NTM.

Nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí

Theo Ban Chỉ đạo các huyện, Ban Quản lý các xã NTM, hơn 1 năm tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM, nhiều tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia và Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM không phù hợp. Các tiêu chí này cần phải sớm chỉnh sửa, bổ sung hoặc bỏ... cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: Theo quy định, để được công nhận là xã NTM, thu nhập bình quân đầu người/năm của xã phải lớn hơn hoặc bằng 1,3 lần so với mức bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn của thành phố. Phần lớn các xã chưa biết căn cứ, tính toán chỉ tiêu này như thế nào để được công nhận mức thu nhập bình quân đầu người. Vì vậy, tiêu chí này cần phải có những bổ sung hay quy định cụ thể để các địa phương thực hiện. Ngoài tiêu chí về thu nhập, bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Các chỉ tiêu như tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện (tiêu chí giao thông); tỷ lệ km kênh mương hoặc tỷ lệ cống do xã quản lý được kiên cố hóa (tiêu chí thủy lợi)... cần phải được chỉnh sửa, quy định lại để phù hợp với thực tế ở TP Cần Thơ và cả ĐBSCL. Không chỉ vậy, việc quy định mỗi xã phải có chợ, nghĩa trang hay việc xây dựng nhà văn hóa ở các ấp... cũng là những tiêu chí khó và dễ dẫn đến lãng phí trong việc đầu tư XD. Trước những bất cập nêu trên, tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện XD NTM năm 2011 và kế hoạch năm 2012 trên địa bàn TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng: Thành phố sớm sắp xếp, tổ chức hội nghị với thành phần là đại diện Ban Chỉ đạo thành phố, Ban Chỉ đạo huyện, Ban Quản lý các xã NTM và các ngành hữu quan bàn về những tiêu chí khó, tiêu chí không thể thực hiện được. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo thành phố tập hợp, có văn bản đề xuất trung ương, các bộ, ngành hữu quan, bổ sung, chỉnh sửa hoặc bỏ những tiêu chí không phù hợp để tiến trình XD NTM ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đi vào thực chất.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo TP Cần Thơ, cho rằng: Theo tinh thần XD NTM của Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương cần kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung, hay bỏ những chỉ tiêu, tiêu chí trong XD NTM không phù hợp. Tuy nhiên, các địa phương cũng không nên quá cứng nhắc, không quá nặng nề khi áp dụng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nhất là các tiêu chí không phù hợp. Vì như thế sẽ mất nhiều thời gian. Thay vào đó, để XD NTM đi vào thực chất, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội, các địa phương cần XD và hoạch định quá trình thực hiện và đạt mục tiêu một cách bền vững. Trước hết, các địa phương, nhất là cấp xã cần lựa chọn, ưu tiên thực hiệc công việc, chỉ tiêu, hay tiêu chí... gắn liền với đời sống người dân; phát động và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “chung tay XD NTM”. Có thực hiện được những bước đi cơ bản này, tiến trình XD NTM mới có thể đi vào cốt lõi: Nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, phát triển đời sống nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, dần hình thành và tạo sự công bằng trong xã hội.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết